Du khách lựa chọn cho mình một bức tranh gương như ý
“Tranh gương nằm trong nhóm nghề thứ 2 (sản xuất vật liệu trang trí) trong số 6 nhóm làng nghề, họa sĩ Dương Văn Kính cho biết. Công tác tại Phòng Văn hóa và Thông tin TP.Huế - cơ quan thường trực của Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế nên mình đã tìm hiểu tranh gương với ý định ban đầu là tìm kiếm một số sản phẩm tranh gương để giới thiệu trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế. Mình đã đi nhiều nơi nhưng hiện các làng nghề Huế không còn nghệ nhân nào làm tranh gương, thực tế nghề này đã mai một dần. Vì thế, từ năm 2013 mình nuôi ý tưởng phải làm gì đó để khôi phục dòng tranh độc đáo này”.
Từ ý tưởng đến hiện thực là cả một quá trình dài vì các nghệ nhân làm nghề này hầu như không còn ai theo nghề và kỹ thuật vẽ tranh gương bị thất truyền. “Mình đã về tìm hiểu ở Kim Long, phố cổ Bao Vinh, Gia Hội,... nhưng không còn nghệ nhân nào còn làm nghề tranh gương. Chất liệu để vẽ tranh gương trước đây là bột màu pha keo, sơn được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương theo kiểu vẽ âm bản để nhìn mặt trước thành dương bản. Vẽ theo dạng vẽ ngược nên đòi hỏi cái gì kết thúc sau phải vẽ trước. Đó là cái khó mà không phải ai cũng thực hiện được”, họa sĩ Dương Văn Kính cho hay.
Miệt mài sau hai năm tìm hiểu kỹ thuật vẽ tranh gương, hiện họa sĩ Dương Văn Kính đã có thể sáng tạo nên những tác phẩm tranh gương trang trí về chủ đề phong cảnh, tranh dân gian làng Sình, tranh Đông Hồ và sen Huế để quảng bá du lịch, tạo sản phẩm lưu niệm mới cho du khách khi đến Huế. Cái khác trong tranh gương của Dương Văn Kính là dùng màu chuyên dụng cho tranh gương của Pháp, loại màu này cho phép nhìn bức tranh 2 mặt gần như nhau chứ không chỉ một mặt như tranh gương trước đây.
Tại Hội chợ Thương mại quốc tế Festival Huế 2016, sản phẩm tranh gương trang trí mới lạ của họa sĩ Dương Văn Kính thu hút nhiều sự chú ý của du khách và người dân Huế. Bà Hoàng Thị Hải (đường Điện Biên Phủ, TP.Huế) cho biết: “Tôi nghe tranh gương từ lâu nhưng chỉ thấy trong hoàng cung chứ ít thấy bán ngoài thị trường, giờ tranh gương được đưa ra ngoài đời sống với nhiều mẫu mã đẹp như vậy hay quá! Điều này giúp người dân Huế sẽ có thêm một loại sản phẩm thủ công truyền thống đẹp để lựa chọn trang trí cho ngôi nhà của mình”. “Loại tranh này trông rất đẹp và lạ mắt, màu sắc ấm và trong, rất ấn tượng, đặc biệt là hỏi ra mới biết kỹ thuật vẽ ngược rất khó. Mình quyết định mua 4 bức tranh phong cảnh Huế để làm quà gửi cho bà con bên Mỹ và 2 bức tranh Đông Hồ để treo trong nhà”, ông Phan Quốc Tuấn, một du khách người Hà Nội cho hay.
“Trước mắt thì mình mới tập trung vào dòng tranh gương trang trí khổ nhỏ vẽ những di tích thắng cảnh của Huế. Thời gian tới, mình dự định tìm hiểu thêm về kỹ thuật vẽ tranh gương để có thể tạo nên những bức tranh gương chân dung độc đáo. Mong rằng, sản phẩm tranh gương được đón nhận và trở thành món quà lưu niệm thú vị cho du khách khi đến Huế. Mình cũng hy vọng những sản phẩm này là sự khởi đầu để khơi dậy hứng thú với dòng tranh thuyền thống của các gia đình làm nghề tranh gương trước đây. Từ đó, nghề tranh gương truyền thống Huế sẽ được phục hồi”, họa sĩ Dương Văn Kính chia sẻ.
Bài, ảnh: NGỌC HÀ