ClockThứ Sáu, 14/01/2022 14:52

Ước mơ cuối năm

Điều còn lại trong tôi sau khi đọc “Khát vọng tìm được trạng nguyên qua bài thơ vua Minh Mạng ban cho sĩ tử” của Nguyễn Phước Hải Trung (in trong “Thơ vua và suy ngẫm”, NXB Văn học 2021) là cảm giác ngỡ ngàng xen lẫn ngượng ngùng bởi cứ nghĩ lệ tứ bất, ngũ bất, nhất là không lấy trạng nguyên, dưới triều Nguyễn đã được mặc định và thầm chê những ai không biết, hóa ra chẳng phải.

Theo tác giả, “trải qua các kỳ thi hội chưa lúc nào đạt kết quả toàn bích để có được trạng nguyên, chính vua Minh Mạng cũng hết sức tâm tư; trong các loại chính sử của triều Nguyễn không có một điều khoản nào quy định về tứ bất lập và không lấy đỗ trạng nguyên”. Thế nhưng từ trước đến nay, nhiều người khẳng định là không chỉ trên tài liệu, sách báo mà trên cả bục giảng, đó là do họ chưa có điều kiện tiếp cận sử sách của triều đại này. Đáng chú ý, Bùi Văn Nguyên, chuyên gia về Nguyễn Trãi, trong "Tư liệu tham khảo Văn học Việt Nam", tập II, NXB Giáo dục, 1979, đã viết: “Đến đời nhà Nguyễn, có chủ trương không lấy trạng nguyên nên có khoa lấy đến hai thám hoa, và đặt thêm một học vị ở bảng phụ, đứng sau đồng tiến sĩ, đó là học vị phó bảng, các phó bảng không được dự yến, không được tặng rượu vua ban và tên chỉ yết bảng không được xướng họa” (tr.24-25).

Không rõ thầy Bùi Văn Nguyên lấy thông tin từ đâu, nhưng Nguyễn Phước Hải Trung cho biết, có hai người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh là cao nhất (tức đạt 9 phân - 9 điểm) là: Phạm Thanh (người Thanh Hóa) và Vũ Duy Thanh (người Ninh Bình) đều cùng đỗ bảng nhãn ở khoa thi 1851 triều Tự Đức (tài liệu đã dẫn, tr.70). Ngay tại “Lịch sử Việt Nam giản yếu” của tập thể tác giả do GS. Lương Ninh chủ biên (sách tham khảo, tái bản lần 2, NXB CTQG-ST, 2015), cũng viết : “Dưới triều Nguyễn, kỳ thi đình cũng chủ trương không lấy trạng nguyên. Từ năm 1807 đến năm 1918, triều Nguyễn đã tổ chức được 47 kỳ thi hương, lấy đỗ 5.000 cử nhân và hơn 10.000 tú tài. Từ năm 1822 đến năm 1919 mở được 39 khoa thi hội, lấy đỗ 558 tiến sĩ và phó bảng, số người đỗ bảng nhãn, thám hoa, hoàng giáp chỉ hơn 10 người” (tr.290).

“Thơ vua và suy ngẫm” của Nguyễn Phước Hải Trung ra mắt bạn đọc ít lâu, Trung tâm Nghiên cứu Huế giới thiệu và phát hành Nghiên cứu Huế tập 9. Một lần nữa tôi giật mình trước cái gọi là biết của bản thân trước những gì mà nhà sử học Trần Viết Ngạc cung cấp về Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung, người được cho là soạn bản án cứu vua Duy Tân sau cuộc khởi nghĩa 1916, qua bài viết ngắn “Trung là ai? Nghĩa là ai?” tại ấn phẩm này. Trần Viết Ngạc đánh giá: Bản án mà ông Lê Thanh Cảnh nói là trích một đoạn không hề có trong thực tế và do đó lời nhắn gửi của Trần Cao Vân cho Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung cũng chỉ có trong tưởng tượng”, vì, “Hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Pháp quốc Hải ngoại (A.O.M - Aix - en - Provence) cho biết, chỉ có một bản án duy nhất của triều đình Huế xử Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Siêu, Tôn Thất Đề và 14 người khác mà không hề có bản án xét xử nhà vua Hội đồng xét xử không có Hồ Đắc Trung và bất cứ Thượng thư nào khác”. Ông cho rằng, Hồ Đắc Trung đã đề nghị truất phế ngay lập tức vua Duy Tân và đày ra khỏi Đông Dương vị vua yêu nước cùng phụ hoàng Thành Thái.

Hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khoa thi cuối cùng và cuộc khởi nghĩa diễn ra, thời gian đủ dài trong bối cảnh “thế giới phẳng” như hiện nay, thiết nghĩ đã đến lúc giới khoa học lịch sử vào cuộc, làm sáng tỏ vấn đề mà Nguyễn Phước Hải Trung và Trần Viết Ngạc dày công xới xáo, tìm lời giải cho những hoài nghi, thắc mắc không chỉ của tôi, với tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử; để “tứ bất”, “ngũ bất” hay “bản án cứu vua” tưởng chừng là chuyện khỏi cần bàn cãi lùi về quá khứ, trở thành giai thoại trong kho tàng văn học dân gian, không còn chỗ đứng trong nhận thức của bao thế hệ. Rất mong các nhà nghiên cứu sớm lên tiếng.

Hà Xuân Huỳnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chọn Huế làm nơi nuôi dưỡng ước mơ

“Huế là vùng đất học, nơi có truyền thống văn hóa đặc sắc; Huế yên bình và nhẹ nhàng như tính cách của em. Em quyết định chọn Đại học Huế làm nơi học tập, để nuôi dưỡng ước mơ hướng tới tương lai”, tân sinh viên Lương Thị Mai Anh chia sẻ.

Chọn Huế làm nơi nuôi dưỡng ước mơ
“Thắp sáng ước mơ hoàn lương” cho thanh niên tại A Lưới

Chiều 7/6, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức Chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” năm 2024 với chủ đề “Hành trình của niềm tin” tại huyện A Lưới. Chương trình thu hút 200 đoàn viên, thanh niên và thanh niên hoàn lương huyện A Lưới tham gia.

“Thắp sáng ước mơ hoàn lương” cho thanh niên tại A Lưới
Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Return to top