Hệ thống cây xanh rợp mát nhưng thiếu đồng nhất, đan xen nhiều loài trên đường Đoàn Thị Điểm (TP.Huế)
Như vậy, đa số đường phố đã có màu xanh, ít nhiều được rợp bóng, giúp cho tiểu khí hậu môi trường được cải thiện, đồng thời góp phần tôn tạo cảnh quan chung cho đô thị Huế. Hiện trạng này kết hợp với cây xanh ở các công viên, các điểm xanh và các nhà vườn đã giúp cho Huế nổi tiếng là thành phố xanh của khu vực miền Trung và cả nước. Chính hệ thống cây xanh đô thị Huế đã góp phần chủ đạo cho việc Huế được công nhận là thành phố xanh Quốc gia.
Xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn
Để hệ thống cây xanh Huế ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn, theo tôi, trước hết cần làm rõ thế nào là xanh, sạch, đẹp đối với hệ thống cây xanh đồng thời phải làm thế nào để hệ thống cây xanh, đặc biệt là cây xanh đường phố ngày càng xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn.
-Xanh hơn: Khi nêu tiêu chí này ắt nhiều người nghĩ rằng muốn xanh hơn thì cứ trồng thêm cây cho các con đường chưa có cây xanh, trồng bổ sung những chỗ trống trên các con đường đã có cây. Đúng vậy, nhưng chưa đủ. Muốn xanh hơn cần phải quan tâm tính bền vững của những chủng loại cây trồng đã có và cây trồng mới, trồng bổ sung. Muốn tăng tính bền vững thì phải chọn loài thích hợp với sinh thái môi trường và sinh thái nhân văn khi trồng thay thế, bổ sung hay trồng mới. Ưu tiên chọn loài ít rụng rá hoặc không rụng lá theo mùa; điều tiết kỹ thuật trồng và chăm sóc hợp lý hơn; chọn loài có kích cỡ phù hợp với độ rộng của vỉa hè và phải trồng đúng quy cách được quy định bởi Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ và các quyết định, công văn liên quan
-Sạch hơn: Chọn loài có ngoại hình thân cây sáng màu, ít nứt vỏ để giảm thiểu sự đeo bám của rêu, tảo, dương xỉ. Thường xuyên vệ sinh thân cây, loại trừ các vật thể đeo bám trên vỏ cây, đặc biệt cần thường xuyên thăm khám để loại trừ các loài cây ký sinh và bán ký sinh trên cành cây như dương xỉ, tơ hồng, tầm gửi… Ngoài ra phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm dùng thân cây xanh đường phố để quảng cáo, treo hàng hoá để mua bán, đổ chất thải vào gốc, bê tông hoá hố trồng… do người dân thiếu ý thức gây ra.
-Đẹp hơn: Đây là tiêu chí khó nhất. Muốn cho hệ thống cây xanh đô thị đẹp thì tối thiểu phải: Trồng và chăm sóc sao cho cây trên vỉa hè đường phố phải thẳng hàng, tránh tình trạng cây nghiêng vào, cây ngả ra. Nếu có cây nghiêng ngả cần thay thế kịp thời; cần chăm sóc, thay thế kịp thời nếu cần, để tránh tình trạng trên một đoạn vỉa hè hiện hữu hiện tượng đan xen cây to, cây nhỏ, cây cao, cây thấp… Khi mé cành, tỉa tán phải chú ý đến khía cạnh mỹ thuật, không chỉ đối phó với gió bão mà cần quan tâm đến vẻ mỹ quan của tán cây đồng thời phải áp dụng kỹ thuật trám bít vết cắt thật tốt nhằm tránh tình trạng nước, vi sinh vật, vật ký sinh…xâm nhập gây thối cành, bọng thân. Không nên chỉ quan tâm đến sự rực rỡ của màu hoa để chọn loài đưa trồng mà quên đi hình thái của tán cây khi hoa tàn. Thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều loài cây bóng mát đường phố khi rộ hoa rất bắt mắt, nhưng sau đó là cả một chuỗi ngày lê thê buồn thảm do quả khô đeo bám dai dẳng trên cành (như cây Hoàng yến) hay cây trơ cành một thời gian dài (như cây Lim xẹt cánh).
Ước vọng “đường nào cây ấy”
Cuối cùng, điều mà cộng đồng mong muốn là làm sao để có được “đường nào cây ấy” vì hiện nay, hầu như mỗi đường phố ở Huế là một bức tranh đa chủng loại về cây xanh.
Số liệu thống kê của TTCVCX Huế năm 2015 cho thấy, hầu hết 289 đường phố đã có cây xanh che bóng đều trong tình trạng mỗi đường hiện hữu từ năm, bảy đến trên mười loài cây (chỉ vài đường phố vừa mới được cải tạo là hiện hữu 1 – 2 loài cây như Đống Đa, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ…).
Chẳng hạn như chỉ đơn cử một số đường phố trung tâm hai bên bờ sông Hương chúng ta sẽ thấy tình trạng này: 26 loài trên đường Đinh Tiên Hoàng, 23 loài tên đường Bạch Đằng, 21 loài trên đường Chi Lăng, Lê Thánh Tôn, 18 loài trên đường Lê Duẩn, 17 loài trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lợi, 15 loài trên đường Đoàn Thị Điểm, Hai Bà Trưng, 13 loài trên đường Hùng Vương, 11 loài trên đường Nguyễn Huệ, Bến Nghé, 10 loài trên đường Trần Hưng Đạo, 8 loài trên đường Nguyễn Công Trứ, 5 loài trên đường 23 tháng 8…
Như vậy, muốn thực hiện ý tưởng đường nào cây ấy thì điều đầu tiên là vấn đề kinh phí. Bởi chặt hạ, trồng thay thế để mỗi đường một loài cây chỉ dành cho một số con đường vừa đơn cử thôi thì cũng phải đầu tư không ít, nói chi cho cả hằng trăm đường phố đã có cây nói trên. Và khi có đủ tiền thì điều tiếp theo là tìm cho được nguồn cây.
Theo tôi, muốn thực hiện được ước vọng “đường nào cây ấy” cho TP. Huế rất cần những quyết tâm từ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố cho đến các cơ quan hữu trách và cả cộng đồng cư dân đô thị. Tỉnh, thành phố cần có quy hoạch dài hơi 10 – 15 năm hoặc hơn nữa, tạo ra nhiều phân kỳ, mỗi phân kỳ dành cho một số đường phố nhất định để đảm bảo tính khả thi. TTCVCX Huế cần có kế hoạch xây dựng, cải tạo vườn ươm đúng quy cách, đủ diện tích để chủ động ươm giống cây cho kế hoạch 5 – 10 – 15 năm hoặc hơn thế nữa, làm sao có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng để đảm bảo kế hoạch trồng mới và trồng thay thế theo quy hoạch, tránh tình trạng “nước đến trôn mới nhảy”, trồng đến đâu chạy cây đến đó, bất chấp quy cách, chất lượng, thậm chí chủng loại.
Tỉnh, thành phố cũng cần có những quy định quản lý cây xanh đô thị thật chặt chẽ. Cần có những hoạt động xã hội hoá quản lý cây xanh đô thị để tuyên truyền giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, chung tay với chính quyền địa phương trong công tác phát triển, bảo tồn cây xanh; đồng thời có những biện pháp chế tài nghiêm minh đối với những tác động tiêu cực lên hệ thống cây xanh.
Bài, ảnh: Đỗ Xuân Cẩm