Gia đình chị Nguyễn Thị Viết ở xã Hồng Tiến áp dụng mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh”
Giảm ô nhiễm
Trong mảnh vườn rộng hàng trăm m2 của chị Hoàng Thị Vui ở thôn 2 (xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà) trồng rất nhiều cây ăn quả như ổi, mít, đu đủ, chuối và các loại bầu bí. Dưới mỗi gốc cây là hố rác được đào để chứa rác hữu cơ. Sau một thời gian rác trong hố phân hủy, chị lại trồng cây vào. Cây phát triển rất tốt mà không cần phải bón thêm một loại phân nào. Hiện nay, trong vườn chị có 5 loại cây ăn quả được trồng theo mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh” để bảo vệ môi trường do Hội LHPN thị xã phát động. Cuối góc vườn, chị Vui đặt một cái thùng, bên ngoài ghi hàng chữ “Rác vô cơ”, trong đó đựng chai lọ, vỏ lon bia ... Khi nào đầy thùng, chị lại đem đi bán một lần. “Từ ngày xử lý rác thải trong gia đình theo hình thức này, vườn nhà luôn sạch sẽ mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình”, chị Vui cho biết.
Áp dụng mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh”, chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn 1, xã Hồng Tiến đã có những cây dưa chuột đang ra quả. Chị chia sẻ: “Từ ngày đào hố rác trong vườn, tất cả các loại rác có thể phân hủy được như các loại rau, củ quả đã bị hư, thối, các loại bã chè, bã cafe, cỏ cây bị xén, chặt bỏ, hoa lá rụng... đều được tôi gom lại cho vào hố rác. Khi hố đầy, tôi đem đốt thành tro rồi trộn với đất để trồng cây ăn quả. Cứ thế, hết hố này tôi đào hố khác, vừa sạch vườn lại vừa tốt cây”.
Theo chị Hồ Thị Xê, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Tiến, hiện có 90% hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã có hố rác gia đình, trong đó khoảng 70% hội viên áp dụng mô hình “Mỗi hố rác, một cây xanh”. Nhờ đó, hạn chế được tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường, lấy lại cảnh quan sạch, đẹp cho mỗi gia đình, giảm thiểu được mùi hôi do rác phân hủy. Kết quả này có được là nhờ Hội LHPN thị xã Hương Trà rốt ráo chỉ đạo và hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện.
Chị Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hương Trà cho biết, Hồng Tiến là xã có nhiều bà con người dân tộc sinh sống. Theo tập tục, các loại gia súc, gia cầm của người dân được chăn thả tự nhiên, ý thức bảo vệ môi trường hạn chế.
Hội LHPN thị xã Hương Trà phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện mô hình hố rác gia đình, hướng dẫn người dân phân loại rác thải để tái chế, tái sử dụng, phương pháp chôn lấp và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình để ủ phân vi sinh phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông. “Thời gian đầu, hội triển khai làm điểm tại thôn 2, xã Hồng Tiến với sự tham gia của 300 hội viên, đồng thời cấp phát 600 thùng rác gia đình và hướng dẫn các chị bỏ rác đúng nơi qui định. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng trên toàn xã Hồng Tiến”, chị Hương phấn khởi.
Nhiều cách làm hay
Để bảo vệ môi trường, Hội LHPN xã Hương Phong đảm nhận phần việc thu gom rác, vừa bảo vệ môi trường vừa gây quỹ cho chi hội.
Để rác không bị ứ đọng, hàng ngày các chị thay nhau thu gom rác từ các hộ dân tập kết đến bãi rác tại địa phương. “Vất vả nhưng làm được một công đôi việc nên chị em chúng tôi ai cũng vui”, chị Trương Thị Lan, thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong bày tỏ. Đó cũng là cách làm được Hội LHPN xã Hải Dương áp dụng từ vài năm nay để thực hiện tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Hai đơn vị này còn phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu về môi trường, cảnh báo thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...
Hội LHPN các xã, phường như: Hương Văn, Hương Chữ, Hương Toàn... lại xây dựng Câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế túi ni lông khi đi chợ”. Các chi hội phụ nữ tại các đơn vị này đã trích một số tiền lãi từ nguồn kinh phí tiết kiệm tự nguyện tại chỗ để mua tặng mỗi hội viên một giỏ nhựa đi chợ, còn Hội LHPN các phường, xã lại trích tiền quỹ hội mua tặng mỗi hội viên 5 hộp nhựa để đựng thức ăn khi đi chợ.
Hội LHPN thị xã còn chỉ đạo Hội LHPN các xã, phường tận dụng nguồn rác tái chế thu gom bán phế liệu để xây dựng quỹ cho học sinh nghèo hiếu học và đã có nhiều đơn vị thực hiện.
Tính đến nay, 16/16 cơ sở xã, phường trên địa bàn Hương Trà đều có câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ môi trường, phòng chống rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: Tuấn Khoa