ClockChủ Nhật, 12/05/2024 15:40

Về miền an tĩnh

TTH - Sáng sớm đầu hè, dạo xe qua cung đường gần chùa Từ Đàm, tôi bỗng ngẩn ngơ dưới triền hoa sứ trắng. Cùng những giọt hồng tía của tia sáng đầu ngày, những cánh hoa vươn lên, và hương thơm như được ủ thêm men say của sương đêm tối qua mà sáng nay càng nồng nàn, ngan ngát.

Rừng xanh tóc trắng

 

Người Huế trồng cây, lập vườn không chỉ để ngắm sắc, thưởng hương mà còn là sự xếp đặt, mong cầu một nơi an cư, trú ngụ. Mỗi dáng cây, ngọn cỏ, màu hoa khi hòa điệu cùng mây trời, nắng gió sẽ ý nhị kết hợp nên một bài ca. Những bài học về nhân sinh, thế thái qua năm tháng càng hiển hiện qua lang lớp dáng hình. Với loài hoa sứ cùi, một giống cây to, cành nhánh khúc khuỷu, vỏ sần sùi nhưng những bông hoa trắng pha vàng bừng hương thơm ngát sẽ được người Huế trồng nhiều vào những nơi thanh tĩnh để tôn thêm vẻ cổ kính, rêu phong.

Phủ lên mình sắc xám xanh, những cây sứ đứng trầm mặc như những người lính canh trước cổng thành Đại Nội. Trong khu sân rộng mang dấu tích vườn Huế xưa, sứ được đặt lặng lẽ dưới chân am, bên cạnh khu bể cạn, đêm ngày đưa hương, hòa điệu cùng giun dế nỉ non. Những cánh tay sứ mùa rụng lá vẽ lên nền trời những đường cong trầm mặc, thăm thẳm. Hè đến, từ chùm lá xanh um sẽ chìa ra những bông hoa vàng trắng điểm tô vẻ nhàn nhã thật hiền lành.

Dạo bước trong ban mai ướp đầy hương hoa, tôi đếm bước chân mình để rồi nhận ra bức tường hoa bọc bên ngoài ngôi chùa Từ Đàm có đến 25 cây sứ trắng. Được trồng cách quãng, đều đặn, cây làm chỉ dấu để người lữ khách đẩy cổng, nhè nhẹ tiến vào bên trong. Sân chùa không trúng rằm, mồng Một nên yên lặng, tán cây bồ đề cổ thụ đang khe khẽ thì thầm. Trên từng phiến lá non, tiếng chim sẻ, chích chòe, chìa vôi lích rích, ríu ran chuyền cành trong nắng sớm. Từ ngoài cổng bước vào, phía bên trái, ẩn mình dưới tòa bảo tháp Ấn Tôn cao bảy tầng, gốc sứ già với thân cây cong queo đang phân thân mình thành nhiều cành nhánh.

Đang mùa nên những bông hoa bừng đậu lên nền trời xanh thẳm từng chùm trắng tự tại đón phong sương. Mỗi gốc cây đều tựa đời người, càng già, nội chất càng dày dặn, hương thơm càng mãnh liệt, lan xa. Một cơn gió thổi qua, những cánh hoa xoay chiều rồi thả mình đậu lên nền gạch cũ. Lữ khách hoài thương, vương vấn, lặng lẽ cúi nhặt đặt khẽ vào lòng bàn tay. Những bông hoa sứ, ngay cả khi đã rụng xuống cũng vẫn thong dong, kiêu hãnh, chẳng để lộ úa tàn.

Xứ Huế, hết mưa rồi nắng, mùa hè gọi về miên man những triền hoa. Hoa điệp vàng trên những cung đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, trên lối quen dẫn qua chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền... Trong công viên, những biền hoa bướm, hoa pháo nhờ nắng mà càng đậm màu, dệt thảm sặc sỡ gọi ong bướm, chim chóc từ đồi xa bận rộn bay về hút mật, bắt sâu. Và khi ngược phố trong thoáng đầu ngày, men theo một con dốc cao hướng lên phía đàn Nam Giao, lữ khách dừng xe, lắng lại nghe bước chân và từng nhịp thở của mình nơi cửa thiền môn, ta còn được thu vào tầm mắt một màu hoa thật khác. Cánh trắng như mây, pha vàng màu nắng, hoa sứ không rực mắt, hoa là hương, là sắc, là sự đẹp đẽ không ồn ào nhưng vẫn luôn có mặt.

Gió thổi mái vàng, kinh cầu ban sáng. Đôi khi, về với Huế là về để ghé thăm một miền an tĩnh, thong dong.

Diệu Thông
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top