ClockThứ Sáu, 15/10/2021 18:21

Về quê hương, về với yêu thương

TTH.VN - “Khi chuyến bay chở tôi, con gái, cùng hơn 200 người hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Phú Bài, lòng tôi vừa hồi hộp, vừa xúc động. Vậy là sau gần một năm tôi mới được về quê với hành trình vô cùng đặc biệt với đủ cung bậc cảm xúc”, thai phụ Nguyễn Khánh Linh tâm sự. Chị Linh mang thai tuần 32, cùng con gái nhỏ 3 tuổi đã trở về quê nhà từ TP. Hồ Chí Minh trên chuyến bay ưu tiên vào đầu tháng 10.

Cảng hàng không Phú Bài chuẩn bị tốt phương án đón người dân từ vùng dịch vềGiúp sức để đoàn người đi xe máy về quê tránh dịchThừa Thiên Huế sẽ đón công dân từ TP. Hồ Chí Minh về quê bằng tàu hỏaThừa Thiên Huế luôn hướng về người dân TP. Hồ Chí Minh và bà con đồng hương xa quê

Nhiều thai phụ cùng con nhỏ ở Ga Sài Gòn trước giờ lên tàu trở về quê hương. Ảnh: K.K

Không riêng gì chị Linh, những thai phụ khác vì nhiều lý do khác nhau, sau một thời gian “mắc kẹt” ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam đã được tỉnh hỗ trợ đưa về bằng nhiều chuyến bay, tàu hoả từ đầu tháng 10 đến nay.

Ước nguyện “vượt cạn” ở quê nhà

Vừa hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Phú Bài, chị Nguyễn Khánh Linh được hướng dẫn làm các thủ tục trước khi lên xe để đưa về khu cách ly có trả phí ở Khách sạn Công Đoàn (đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế). Về đến khu cách ly, ngay lập tức chị gọi điện báo với gia đình ở phường An Cựu: “Con và cháu đã về đến nơi, an toàn. Mong hết thời gian cách ly để hội ngộ với cả nhà”.

Những ngày ở TP. Hồ Chí Minh, như nhiều người khác, tâm lý của chị Linh luôn mong được về nhà, bên cạnh người thân, đặc biệt là chuẩn bị cho sự chào đời của đứa con thứ hai. Linh bảo, dù tạm ổn nhưng tình hình nếu kéo dài đến khi sinh nở sẽ khó khăn hơn bởi tiền tiết kiệm vơi dần, trong khi đó phải nghỉ việc, không có người thân bên cạnh.

“Mọi kế hoạch đã được tính toán, nhưng rồi dịch bùng phát. Sau hơn 4 tháng ở yên ở nhà trọ, cuối cùng tôi cũng nhận được thông tin có chuyến bay ưu tiên cho thai phụ. Mất một vài thao tác đăng ký và khoảng một ngày để nhận được phản hồi phê duyệt được về, tôi mừng đến rơi nước mắt”, chị Linh nói.

Chuẩn bị một số tư trang, giấy tờ cần thiết, người mẹ trẻ bụng bầu khệ nệ cùng con gái di chuyển rất sớm ra sân bay để làm xét nghiệm, thủ tục. Vẫn không tin đó là sự thật. Đến khi lên ngồi trên ghế máy bay, nhìn quanh thấy nhiều người cùng cảnh, chị Linh rưng rưng cảm xúc và thì thầm “đây đích thực là chuyến bay về nhà, về bên người thân”.

Chị Linh kể thêm, trước đó đã nhận được sự hỗ trợ tận tình từ lực lượng tình nguyện viên qua điện thoại lẫn trực tiếp ngay sân bay. “Ngay cả chuyển đổi chỗ cách ly theo nguyện vọng, chỉ cần một cuộc điện thoại mình đã được hỗ trợ. Hành trình trở về lần này là kỷ niệm sẽ không bao giờ quên”, chị Linh tâm tình. Một vài ngày tới, khi hết cách ly ở khách sạn, chị Linh và con sẽ tiếp tục cách ly ở nhà, rồi sẽ có một thời gian ngắn bên gia đình trước khi chuẩn bị “vượt cạn”.

Chuyến đi đáng nhớ của cuộc đời

Sau các chuyến bay, hành trình đưa 600 bà con là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những người yếu thế bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 từ phương Nam bằng tàu hoả cũng đã cập Ga Huế chiều 14/10. Vừa bước xuống tàu, nhiều người không khỏi xúc động bởi sau bao nhiêu tháng chờ đợi cũng được đặt chân về đến quê nhà. “Đọc và xem bao nhiều hình ảnh về các chuyến đưa bà con về quê, hôm nay mới tới lượt mình. Đúng là cảm xúc khó nói thành lời”, bà Trương Thị G. (54 tuổi, Quảng Điền) tâm sự.

Anh Nguyễn Tiến – Hội đồng hương tỉnh ở TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ một em nhỏ lên tàu. Ảnh: K.K

Bà G. kể cùng chồng vào thăm con ở TP. Hồ Chí Minh và bị mắc kẹt lại do dịch. Sau nhiều lần đăng ký để được hỗ trợ đưa về, bà cùng chồng đã được chấp nhận. Chưa khi nào cuộc sống với bà G. bị đảo lộn như thế. Cứ nghĩ vào thăm con một vài ngày rồi ra, ai ngờ khi dịch bùng phát, các phương tiện không thể di chuyển, cả hai vợ chồng phải ở lại với con.

“Có lẽ đây là chuyến đi dài nhất trong cuộc đời tui. Và chuyến trở về ni cũng là chuyến trở về đáng nhớ nhất. Được trở về nhà, vẫn còn khoẻ mạnh, bình an là mừng rồi”, bà G. nói và cũng gửi lời cảm ơn vì tất cả hành trình đều được hỗ trợ miễn phí từ phía chính quyền.

Trong hành trình trở về quê tháng 10 lần này, còn có nhiều hoàn cảnh là sinh viên, học sinh… vì nhiều lý do khác nhau bị mắc kẹt suốt 4 tháng liền ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Thời điểm trở về này, với các em bên cạnh giải toả được tâm lý bức bí, lo lắng còn rất kịp thời để bắt nhịp lại với việc học trong những ngày tới.

Võ Văn H. (TX. Hương Thuỷ) – một trong những sinh viên mắc kẹt ở TP. Hồ Chí Minh được hỗ trợ về trong chuyến tàu giữa tháng 10 bằng tàu hoả cho hay, chuyến trở về quê lần này là hành trình đáng nhớ, ngập tràn yêu thương. Không chỉ giải toả được sự lo lắng, bức bí lâu nay, mà còn giúp chàng trai 21 tuổi này có thể theo đuổi việc học một cách kịp thời, sau khi rời khỏi khu cách ly tập trung.

Anh Nguyễn Tiến – Hội đồng hương Thừa Thiên Huế ở TP. Hồ Chí Minh, người trực tiếp hỗ trợ cho bà con trở về quê ở đầu cầu TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhìn những ánh mắt, cử chỉ của bà con mới hiểu hết được cảm xúc, sự háo hức, ao ước được trở về quê của bà con mãnh liệt như thế nào. Nhiều hoàn cảnh và vì nhiều lý do, nhưng trong họ có chung một hành trình, hành trình trở về quê hương.

“Tiễn bà con đi, bước chân ai cũng vội vàng. Mong bà con về, hết thời gian cách ly lại được đoàn tụ với gia đình, người thân”, anh Tiến cho hay.  

Nhật Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa
Return to top