Bà Hoàng Thị Bi giới thiệu về đồng đội
Con người vui vẻ và nhiệt huyết ấy còn là Chi hội trưởng Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) thôn Tây Thượng, Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh, Ủy viên BCH Nữ Chiến sĩ Trường Sơn toàn quốc.
Những ngày mở đường Trường Sơn
Người con gái quê quán xã Kỳ Tân, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ấy mang cái tên cũng chân chất như đồng ruộng làng mình: Hoàng Thị Bi. Năm 1965, lúc vừa tròn 20 tuổi, o tình nguyện đi TNXP và vào Tiểu đội 1, Đại đội 313, Tiểu đoàn 31 thuộc Tổng đội TNXP Hà Tĩnh. Nhiệm vụ đầu tiên của o là cùng đồng đội mở tuyến đường 128 Tây Trường Sơn- nơi chưa hề có dấu chân người.
Cô gái trẻ Hoàng Thị Bi đến Tây Trường Sơn vào tháng 5/1965, đúng mùa mưa ở Lào. Những cơn mưa rừng dai dẳng. Nhớ nhà, rồi thiếu ăn, thiếu áo ấm nhưng tình đồng đội, ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, với chiến trường miền Nam đã giúp cô và đồng đội vượt qua tất cả. Ban ngày chặt cây, phá đá mở đường, tối về nghe loa phóng thanh thông báo tình hình công việc, tuyên dương người làm giỏi, rồi ca hát nên mọi mệt nhọc nhanh chóng qua đi trong trái tim những người con gái tuổi đôi mươi. Cô gái Hoàng Thị Bi lúc ấy là Tiểu đội trưởng với 12 người.
Năm 1965, chúng ta bắt đầu mở đường vận tải bằng cơ giới ở Tây Trường Sơn để tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam. Cô gái trẻ Hoàng Thị Bi cùng đồng đội tham gia mở đường 128 từ km số 0 đến Km 15, ngã ba Lung Bùng (Trung Lào). Chỉ sau 1 năm vào Tây Trường Sơn, nhờ những sáng kiến và tinh thần đi đầu trong phá đá, mở đường mà cô TNXP mới bước qua tuổi 21 Hoàng Thị Bi được bầu là chiến sĩ thi đua, đi dự Đại hội thi đua của Đoàn 559 và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng và một bằng khen của Trung ương Đoàn. Đoàn 559 Tây Trường Sơn có lúc quân số lên gần 20.000 người, nên cô gái trẻ Hoàng Thị Bi phải thật xuất sắc mới đạt được thành tích ban đầu ấn tượng như thế.
Giọt nước mắt chảy dài trên má người phụ nữ một thời căng mình dưới làn mưa bom Tây Trường Sơn khốc liệt làm cho cuộc nói chuyện của tôi với bà Hoàng Thị Bi (bây giờ đã 73 tuổi) lắng lại. Ấy là khi bà kể về những lần tự tay chôn đồng đội. Rồi những trận sốt rét, mưa rừng, đói và lạnh, những lần đối mặt với cái chết trong gang tấc khi vừa mở đường, vừa lấp hố bom, đứng bên bom nổ chậm cho xe thông qua, xe vừa qua, chị em vừa rời khỏi hiện trường thì bom nổ….
Chỗ dựa, niềm tin của bà con
“Đường Tây Trường Sơn 128 là con đường tuổi xuân của chúng tôi. Thời ấy, ở hậu phương có câu “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, thì ở chiến trường, chúng tôi có câu “Đường chưa thông, đời không tiếc”. Ác liệt lắm. Có đồng đội vừa chào tôi đi làm nhiệm vụ thì chỉ 30 phút sau, xác anh đã tan tành vì bom đạn. Biết bao là mất mát, hy sinh”, bà Bi bùi ngùi lau nước mắt.
Bây giờ, trong ngôi nhà của mình, bà Bi dành hẳn một gian để làm phòng lưu niệm, trưng bày ảnh đồng đội. Bà nói: “Hàng ngày nhìn ảnh đồng đội, lòng tự dặn lòng cố gắng phấn đấu, sống thật tốt, đồng đội hy sinh chưa được hưởng cuộc sống hòa bình, ấm no thì mình không được quên những ngày gian khổ”.
Cầm tấm ảnh những người còn lại của Tiểu đội cũ trong dịp gặp mặt bộ đội Trường Sơn năm 2010 ở Hà Nội, bàn tay bà Bi bỗng run run khi chỉ vào từng người: “Bà này vừa mới mất, bà này đang ốm nặng”. Tình đồng đội được tiếp mạch khi bà nhắc nhở tên từng người: “Chị Minh và chị Liên bị ung thư qua đời rồi. Chị Duyên lấy chồng, sinh được 3 người con thì cả 3 đều bị mù. Chị Nhi lấy chồng không sinh được con nên xin con nuôi. Chị Đuyên không lấy chồng”…
Trường Sơn - nơi bà Bi sống và chiến đấu 11 năm, cũng là nơi kết duyên vợ chồng của bà cùng với anh cán bộ - Trưởng ban tác chiến Binh trạm 42 thuộc Đoàn 559. Cả hai vợ chồng ông bà sống giản dị, chân chất và rộng lòng thương yêu bà con làng xóm nên rất được mọi người tin yêu, nể trọng. Ông cũng vừa mới mất sau hơn 10 năm đau ốm do ảnh hưởng chất độc da cam. “Bà Bi là chỗ dựa, là niềm tin tưởng của bà con ở đây. Bà ấy sống nhân hậu lắm, bà con ai có chuyện chi cũng tìm đến nhà bà”- chị Lê Thị Liễu, hàng xóm của bà Bi cho biết.
Khi tôi hỏi tại sao 73 tuổi rồi bà vẫn đảm nhận Đội trưởng Đội văn nghệ thôn, đi khắp nơi xây dựng phong trào, quyên góp, tặng quà người nghèo, thăm đồng đội, thăm làng xóm ốm đau…, bà cười thật vui: “Vì cô là bộ đội Trường Sơn nên phải sống đúng chất với bộ đội Trường Sơn”.
Bài, ảnh: Xuân An