ClockThứ Tư, 10/07/2019 17:07

Vị ngọt trà sung

TTH - Sau nhiều năm nghiên cứu, sản phẩm trà sung Trường Lưu thiên nhiên phù hợp cho mọi lứa tuổi có tác dụng lợi tiểu, nhuận trường, nhất là trị bệnh sỏi thận của cử nhân Nguyễn Xuân Hiền, công tác tại Khoa Gây mê hồi sức A, Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu gặt hái được “quả ngọt”.

Trà Nhất Sung Trường Lưu được thị trường đón nhận

“Duyên”

Trong căn nhà riêng tại 151 Đặng Huy Trứ, TP. Huế vào chiều cuối tuần, anh Hiền điềm đạm kể cho tôi hiểu rõ ngọn ngành về thương hiệu trà sung Trường Lưu đã và đang có mặt ở thị trường miền Trung. Anh chia sẻ, cách đây hơn 5 năm, người thân của anh bị sỏi thận nặng, dù từng uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm. Thậm chí qua cuộc đại phẫu bóc sỏi nhưng sau một thời gian bệnh lại tái phát làm anh mệt mỏi. Tình cờ cuối năm 2017, anh lên mạng tra cứu và được một đồng nghiệp bảo nên lấy quả sung phơi khô nấu nước cho người bệnh uống hàng ngày một thời gian sẽ khỏi. Từ đó anh tìm hỏi, nghiên cứu, kiểm chứng tính chất an toàn, chất lượng dược liệu của sung.

Anh tìm đến các giáo sư đầu ngành để nghiên cứu, nhận biết trái sung chứa nhiều chất dinh dưỡng, như protein, vitamin A, B, C, D, axit amin, chất xơ và các khoáng chất, như canxi, sắt, kẽm, kali... Sau một thời gian, khi qua kiểm chứng, quả sung khô có tác dụng chữa trị sỏi thận vì người thân của anh không còn những cơn đau dai dẳng như trước... Bắt được “mạch”, anh Hiền ấp ủ giấc mơ chế biến, sản xuất quả sung thành sản phẩm trà, với mong muốn mang đến cho những người bị bệnh sỏi thận một phương thuốc điều trị đặc biệt và hiệu quả.

Theo anh tìm hiểu, ở Huế cây sung rất nhiều, mọc khắp nơi và hầu như vùng nào cũng có, thậm chí nhiều nơi người dân mặc nhiên để rụng đầy dưới gốc. Anh nói rằng, nguồn nguyên liệu bước đầu sẽ không phải lo nhiều. Đầu năm 2018, anh cùng một số người bạn thực hiện chuyến tham quan nhằm nắm quy trình sản xuất trà xanh ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Sau chuyến đi ấy, anh mạnh dạn chung vốn đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc để chế biến, đóng gói...; đồng thời, xin giấy phép, xây dựng thương hiệu. Gần một năm sau, sản phẩm trà sung Trường Lưu ra đời, một trong những sản phẩm trà sung đầu tiên của xứ Huế.

Dây chuyền đóng gói trà Nhất Sung Trường Lưu của anh Hiền

“Theo đến cùng”

Anh Hiền chia sẻ, ban đầu cái gì cũng khó. Đối với một sản phẩm mới lạ như trà sung lại càng khó hơn khi mọi người vẫn còn rất mới lạ với dòng trà này. Vì đam mê, vì mong muốn tạo ra một sản phẩm an toàn cho những người bị bệnh sỏi thận và người dân bình thường có thể sử dụng nên anh đã quyết tâm “theo đến cùng”.

Hiện tại trong nhà xưởng chế biến trà sung Trường Lưu thuộc Công ty TNHH Nhất Sung, tại tổ 7, KV 4, phường An Tây, TP. Huế, anh Hiền giao cho người thân quản lý, với 6 công nhân, lương bình quân 3, 5- 5 triệu đồng/tháng. Anh Hiền chỉ đảm trách khâu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Quy trình sản xuất sạch, khép kín từ việc thu mua sung tươi, phơi sấy, xay, đóng gói... đưa ra thị trường. Bình quân mỗi ngày, tại phân xưởng này thu nhập khoảng 100-150kg sung tươi, chế biến khoảng 100 hộp/ngày, mỗi hộp gồm 20 túi lọc, giá bán 35.000 đồng/hộp. Anh Hiền cho biết, bước đầu sản phẩm đang làm theo đơn đặt hàng, có mặt ở thị trường Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng và đang tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm đến các vùng miền trên toàn quốc.

Một người bạn đồng hành cùng anh Hiền từ những ngày đầu xây dựng ý tưởng ra đời trà sung Trường Lưu chia sẻ, đây là một sản phẩm trà hoàn toàn từ thiên nhiên, đơn vị luôn kỳ vọng trà sung Trường Lưu sẽ là thực phẩm quen thuộc và gần gũi  không chỉ cho người bị bệnh lý mà còn cho tất cả người dân sử dụng hàng ngày như một loại nước uống giải khát, thanh nhiệt. Hiện, ngoài sản phẩm trà túi lọc, Công ty TNHH Nhất Sung sẽ đầu thêm các thiết bị máy móc để cho ra đời nhiều loại sản phẩm từ quả sung, như mứt sung, rượu sung, sung chua ngọt…, tạo thêm sản phẩm của Cố đô Huế.

Để phát triển bền vững, nhất là sản phẩm trà sung Trường Lưu, anh Hiền đã triển khai kế hoạch đầu tư trồng nguyên liệu ở xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang) và tại Hải Lăng (Quảng Trị) với quy mô gần 5.000m2. Trong quá trình trồng, anh Hiền chỉ sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh đạt tiêu chuẩn để chăm bón. Hiện, các vườn sung phát triển tốt, dự kiến trong năm đến cho quả để chủ động nguyên liệu đầu vào cho công ty.

Bài, ảnh: Văn Minh

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

Đưa đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du lịch được xem là một trong những loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc. Huế có nhiều lợi thế lĩnh vực này, song việc khai thác các tiềm năng và thế mạnh của đông y vào du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK) vẫn chưa phát huy hết các giá trị.

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch
Xây dựng ý thức sử dụng sản phẩm có bản quyền

Tạo dựng thói quen sử dụng của người tiêu dùng với các sản phẩm, dịch vụ có bản quyền đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng mua bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ - một vấn nạn đang gây thiệt hại không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần chú trọng thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này.

Xây dựng ý thức sử dụng sản phẩm có bản quyền
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo
Return to top