ClockThứ Sáu, 14/07/2023 17:24

Viết tiếp yêu thương

TTH - Viết tiếp yêu thương trên trang vở cuộc đời, để góp một phần ý nghĩa trong hành trang mà các thế hệ học trò mang theo, là tâm nguyện của thầy giáo Hoàng Anh Tuấn, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Vinh Xuân, Phú Vang.

Tình nguyện & thiện nguyệnY bác sĩ thiện nguyện Việt Nam khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân CampuchiaChủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho ông Trần Minh Đăng, người cứu 2 người trong vụ ô tô gặp nạn

leftcenterrightdel
Luôn quan tâm thăm hỏi sức khỏe em Thi - học sinh đang được hỗ trợ chữa mắt 

San sẻ và cho đi

Người thầy giáo tuổi gần năm mươi chững lại, mắt loang nước, khiến cái nóng bức giữa trưa hè như “chùng” xuống, khi tôi hỏi về “nhân duyên” thiện nguyện, gom yêu thương cho những phận đời kém may. Anh Tuấn bảo: “Đó là năm 2005, một học trò của trường bị cưa chân vì ung thư. Căn bệnh quái ác, mà để chữa trị thì nhà có điều kiện cũng lao đao, huống hồ gia cảnh học sinh này rất nghèo. Thương quặn lòng! Lúc đó, tôi là Phó Bí thư Đoàn trường, cùng với một thầy giáo nữa, đứng ra kêu gọi trong giáo viên, học sinh. Hồi đó, cuộc sống còn rất khó khăn, nhưng giáo viên và học sinh đã sẵn lòng chia sẻ. Từng xấp tiền lẻ, những tờ 200 đồng, 500 đồng cứ dày dần lên được xếp ngay ngắn, cẩn thận. Đó là tấm lòng, tình yêu thương dành cho trò, cho bạn. Khi chúng tôi mang đến trao tận nhà học trò, mẹ  cháu khóc vì xúc động. Chiến đấu với bệnh tật gần hai mươi năm, em ấy vừa mới mất”.

Nặng lòng với những hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật hiểm nghèo (đặc biệt là học trò, trẻ em), tình yêu thương của thầy giáo Tuấn vượt ra khỏi “biên giới” Trường THPT Vinh Xuân. Có lẽ, mẹ của em Q. (lúc đó Q. là học sinh lớp 11 Trường Nguyễn Sinh Cung, Phú Vang) không bao giờ quên cảm xúc như “được sống lại”, sau thời gian tưởng chừng tuyệt vọng vì không thể kiếm đâu ra khoản tiền tầm 350 triệu đồng, để thực hiện ca phẫu thuật ghép thận cho con gái.

Đọc được thông tin về Q. mồ côi cha; mẹ là nông dân, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị bệnh thận; căn bệnh trở nặng, cần ghép thận, mới có thể tiếp tục sống, anh Tuấn đã nhiều đêm trăn trở, không thể nào ngủ được. Cơ hội lớn cho cô học trò này khi được người mẹ ruột hiến thận vì có kết quả tương thích sau những xét nghiệm, nhưng số tiền tầm 350 triệu đồng là quá khó.

leftcenterrightdel
 Thầy Tuấn tâm huyết với hoạt động bảo vệ môi trường

Thầy giáo Tuấn hồi tưởng, trước lằn ranh sinh tử của cháu bé tuổi học trò, anh quyết tâm, khó mấy cũng phải làm. “Tôi có một niềm tin, cũng sẽ rất nhiều người cùng cảm thương, trăn trở giống như mình; nhiều tấm lòng sẽ cùng nối lại để giúp đỡ Q.”. Niềm tin về tình người của thầy giáo Tuấn đã đúng. Sau khi lan tỏa thông tin về hoàn cảnh của Q. trên facebook, đồng thời ngỏ lời trực tiếp xin một số người thân quen, bạn bè…, anh Tuấn kết nối, gom góp được 80 triệu đồng. Cùng sự đồng hành yêu thương của bạn đọc Báo Tuổi trẻ, gia đình đã nhận được một số tiền lớn hỗ trợ, để ca phẫu thuật được thành công, giành lại sự sống cho Q. “Tôi an lòng khi đến nay sức khỏe em Q. vẫn ổn. Tôi và mẹ của Q. vẫn liên lạc với nhau để trao đổi về sức khỏe, cuộc sống của Q. Hiện, Q. phụ mẹ bán hàng tạp hóa ở nhà. Những mạnh thường quân đã yêu thương Q. chắc chắn cũng an lòng như tôi vậy” - anh Tuấn bồi hồi.

Gắn bó với Trường THPT Vinh Xuân hơn 20 năm qua, có thời gian thầy giáo Tuấn đảm nhiệm cương vị Phó Hiệu trưởng, đồng thời là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của trường; có nhiệm kỳ 5 năm đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng nhà trường; sau đó sức khỏe bị ảnh hưởng vì bệnh, anh Tuấn xin thôi làm quản lý, chỉ giảng dạy chuyên môn. Bất kỳ ở cương vị nào, thầy giáo Tuấn cũng tâm niệm phải cống hiến bằng tất cả tâm huyết. Nhớ lời Bác Hồ: “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, thầy giáo Tuấn và những đồng nghiệp của anh luôn xác định, không chỉ dạy kiến thức khoa học cho học trò, mà “gieo trồng” vào tâm hồn các em tình yêu thương, dạy các em biết cho đi yêu thương, là điều rất quan trọng.

Vậy nên, trước mỗi một hoàn cảnh học trò nghèo bệnh nặng cần giúp đỡ, trước tiên bao giờ thầy giáo Tuấn cũng tổ chức kêu gọi sự hỗ trợ từ trong nhà trường. “Lúc bưng thùng quyên góp đi từng lớp, tôi tâm sự, các em bỏ vào thùng 1- 2 nghìn đồng, tiền bớt ra từ bữa ăn sáng để san sẻ với bạn, con số tuy nhỏ, nhưng giá trị của chia sẻ yêu thương là rất lớn. Các em cũng là người quyên góp năng lượng tích cực, để cùng với đội ngũ y, bác sĩ tạo nên thành công của sự chữa lành”.

Lan tỏa yêu thương

Thầy giáo Tuấn và các đồng nghiệp, dạy học trò san sẻ là cách “trồng” những con người biết cho đi và lan tỏa yêu thương đến người khác, đến cộng đồng. Em Đỗ Thị Thạnh, vốn là học trò nghèo (nhà ở xã Vinh An, Phú Vang), là một trong những tâm hồn đẹp, ảnh hưởng sâu sắc bởi tình yêu thương của thầy Hoàng Anh Tuấn và thầy cô giáo Trường THPT Vinh Xuân dành cho học trò.

Bằng sự nỗ lực học tập, được cấp học bổng sang Pháp học tập; sau đó, Thạnh làm việc tại nước Đức. “Qua mạng xã hội facebok, thầy trò chúng tôi gặp lại nhau. Thạnh nói: Mỗi tháng em sẽ gửi về 300 Euro, để thầy trao cho những bạn học trò nghèo nhất”. Tấm lòng của Thạnh, thầy Tuấn cùng nhà trường sử dụng trong chương trình phát gạo hàng tháng cho các học sinh nghèo. “Thế rồi, có một trường hợp học trò đang học lớp 12 đòi nghỉ học, vì mẹ bị ung thư phổi, sắp qua đời; gia cảnh quá khó khăn. Tôi nói với cháu: Con cứ tiếp tục học, thi đại học, học phí để thầy tính. Nói như vậy để cháu có động lực học tiếp, nhưng bụng tôi vô cùng rối, bởi kết quả kêu gọi hỗ trợ như thế nào còn chưa biết. Thật may, từ nước Đức, em Thạnh nhắn sẽ tăng số tiền quyên góp cho trường lên 400 Euro mỗi tháng. Tôi “xin” Thạnh số tiền này, cùng với tôi, để lo học phí cho bạn học trò nghèo vừa mồ côi mẹ”.

Sau 2 năm học Đại học Bách khoa Đà Nẵng, được thầy Tuấn kết nối, lo học phí, cô học trò mồ côi đã vững vàng, kiếm việc làm thêm, tự trang trải việc học và cuộc sống. Gương mặt thầy giáo Tuấn ngập tràn hạnh phúc, khi nói rằng, trong đại dịch COVID-19, lúc quê hương Phú Vang kêu gọi sự ủng hộ để giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng nặng tại các tỉnh phía Nam, cô học trò này (đang làm việc tại TP. Đà Nẵng) đã tích cực đóng góp.

Yêu thương từ trái tim người thầy giáo đã kết nối được với muôn vàn yêu thương của những bạn bè thân quen, bạn bè trên mọi miền. Để giúp đỡ rất nhiều phận đời kém may. Anh Tuấn đã trao tận tay hơn 30 triệu đồng của những mạnh thường quân cho sinh viên Hoàng Trọng Kiêm Thạnh (ở Phú Diên, Phú Vang), bị bệnh nặng; trao 19 triệu đồng cho một học sinh (ở Phú Diên, Phú Vang) bị bệnh ung thư; quyên góp đồng thời liên hệ với quỹ trợ giúp trẻ em mổ tim của Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, để giúp hai chị em ruột, được mổ tim thành công. Hiện, cả hai chị em đều khỏe mạnh, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Nâng niu ngòi bút mà hai chị em học trò gửi tặng, thầy giáo Tuấn nói rằng, sẽ viết tiếp yêu thương trên trang vở cuộc đời, để góp một phần ý nghĩa trong hành trang mà các thế hệ học trò mang theo.

Gần đây nhất, thầy giáo Tuấn kết nối, vận động được hơn 100 triệu đồng, giúp em Trần Thị Bảo Thi (lớp 6 Trường THCS Phú Diên) phẫu thuật mắt. “Gia đình khổ cực quá, không có tiền nên lần lữa không đi khám. Khi đưa cháu lên Bệnh viện Mắt của tỉnh, bác sĩ liền chuyển viện ra Hà Nội. Các bác sĩ ở Hà Nội cho biết, có thể phải mổ 3 lần. Chi phí mỗi lần mổ khoảng 30 triệu đồng. Vợ chồng tôi đang không biết phải làm sao thì thầy Tuấn đứng ra kết nối và được các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ. Nay con gái tôi đã được mổ lần thứ nhất, tình trạng bệnh tiến triển tốt, hứa hẹn kết quả cháu không bị mất đi ánh sáng. Vợ chồng tôi biết ơn tình yêu thương của thầy giáo Tuấn và các mạnh thường quân vô cùng”- anh Trần Cường, bố của cháu Thi xúc động bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Công Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Vinh Xuân: Thầy giáo Hoàng Anh Tuấn là một giáo viên mẫu mực, dạy tốt và làm tốt công tác thiện nguyện, kết nối mạnh thường quân, đóng góp cho nhà trường và xã hội hiệu quả. Những đóng góp ấy của thầy giáo Tuấn đã được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và đặc biệt, được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Vang tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; được Ban Chấp hành Đảng bộ Trường THPT Vinh Xuân tặng giấy khen vì đã đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” từ năm 2017-2021.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
3.6
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”

Căn nhà là có thật, còn “mảnh ghép” là biểu tượng của sự chung tay từ lời kêu gọi thông qua trang web, fanpage và các đội nhóm tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ tình yêu thương của cộng đồng, một mái ấm dần thành hình và tương lai sẽ có nhiều mái ấm như thế…

Nhà yêu thương từ những “mảnh ghép”
Gom đủ yêu thương

Mỗi khi có chuyện không vui, nàng lại đi mua hoa. Nàng thích đi bộ ra khu chợ gần nhà. Gọi là “gần”, nhưng đến nơi thì mồ hôi cũng lấm tấm trên vầng trán. Mà kỳ thực, ra đến hàng hoa là nàng thấy tâm trạng tốt hơn. Cũng có thể do năng lượng tích cực từ sắc hoa tươi tắn, hoặc đi bộ giúp tinh thần thư thái hơn. Cả hai điều này đều được khoa học minh chứng hẳn hoi.

Gom đủ yêu thương
Chia sẻ yêu thương với người bệnh

Nhằm cải thiện bầu không khí nặng nề, u buồn, đau đớn trong bệnh viện, đặc biệt là ở những nơi dành cho bệnh nhân ung bướu, bệnh nhi..., nhóm tình nguyện viên (TNV) thuộc dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” đã có sáng kiến đặt những bức tranh, ảnh đẹp, tươi sáng vào phòng bệnh và hành lang.

Chia sẻ yêu thương với người bệnh
Chủ nhật xanh lan tỏa tinh thần thiện nguyện

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” được TP. Huế phát động và duy trì tổ chức trên địa bàn thời gian qua đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo nên môi trường sạch đẹp, văn minh, đồng thời lan tỏa tinh thần thiện nguyện thông qua những mô hình, hành động ý nghĩa.

Chủ nhật xanh lan tỏa tinh thần thiện nguyện

TIN MỚI

Return to top