ClockThứ Hai, 16/01/2023 06:37

Sức bật từ Nghị quyết 11

TTH - Ba ngàn lao động được hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm; 285 hộ được vay vốn mua, thuê mua nhà ở xã hội; 600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ làm nhà ở… là những con số khá ấn tượng trong thực hiện hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ - CP, do Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai trong năm qua.

Tặng quà tết, hỗ trợ vốn vay cho người khuyết tật và trẻ mồ côiĐồng hành cùng thanh niên vươn lênĐẩy nhanh tiến độ xây dựng để người dân đón tết trong những ngôi nhà mới

Nguồn vốn từ NQ 11 đã tạo động lực không nhỏ cho các đối tượng chính sách

Hỗ trợ phục hồi kinh tế

Do tác động của dịch COVID-19, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh, người lao động tại địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn để duy trì công việc, bảo đảm đời sống.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, thôn Kim Đôi, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, là một trong số đó. Khi trong 2 năm dịch bùng phát, cơ sở sản xuất mỳ sợi của gia đình bà gặp không ít khó khăn, sản xuất bị đình trệ, máy móc, trang, thiết bị xuống cấp nhưng không đủ vốn để tái đầu tư. Sau thời gian tìm hiểu, bà Loan được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ tạo việc, duy trì và mở rộng việc làm từ NQ11 của NHCSXH huyện Quảng Điền.

Theo bà Loan, với số tiền được vay ưu đãi là 50 triệu đồng, gia đình đầu tư sửa chữa lại máy móc và mua sắm một số trang, thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sợi mỳ. Nguồn vốn này đã phần nào giải quyết được khó khăn do “khát vốn”, giúp cơ sở khôi phục sản xuất sau 1 thời gian bị tác động bởi dịch. Cũng từ nguồn vốn chương trình này, cơ sở đã có những bước tiến trong đầu tư xây dựng thương hiệu, góp phần duy trì việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương.

Bà Loan chỉ là một trong số 3.000 lao động được tiếp cận với chương trình vay vốn hỗ trợ tạo việc, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn NQ 11. Theo số liệu từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho thấy, trong tổng số 310 tỷ đồng nguồn vốn được giao năm 2022 cho vay theo NQ 11, Chi nhánh đã thực hiện giải ngân 304,82 tỷ đồng cho 5.507 khách hàng, cơ bản hoàn thành kế hoạch được giao.

Chi nhánh đã hỗ trợ cho 3.000 lao động vay vốn hỗ trợ tạo việc, duy trì và mở rộng việc làm với số vốn thực hiện 150 tỷ đồng; 285 khách hàng được vay mua, thuê mua nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP với số vốn 114,5 tỷ đồng; 1.580 học sinh, sinh viên được vay vốn mua máy tính và thiết bị học trực tuyến với số vốn 15,8 tỷ đồng. Cùng với đó, 9 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng được vay vốn để đầu tư nâng cấp, mua sắm thiết bị với số tiền 720 triệu đồng.

Ngoài ra, Chi nhánh cũng đẩy mạnh cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Tính đến cuối năm 2022, NHCSXH cũng đã cho vay 23,8 tỷ đồng, hỗ trợ làm nhà ở cho 600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đa phần các hộ đã đầu tư xây dựng nhà ở và dự kiến các căn nhà nhận được hỗ trợ sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào trước Tết Nguyên đán.

Tăng cường công tác giám sát

Tiếp nối các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, việc triển khai thực hiện NQ 11 được xem là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết: Để triển khai thực hiện tốt NQ 11 của Chính phủ, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, cùng các hướng dẫn của các bộ, ngành và của NHCSXH, Chi nhánh đã nhanh chóng triển khai ngay các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh làm cơ sở phối hợp với các sở, ngành, hội đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp các đối tượng thụ hưởng, tập trung nguồn lực giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, cho vay xây nhà ở xã hội, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay học sinh mua máy tính…

Chi nhánh đã tổ chức tập huấn và chỉ đạo cán bộ ngân hàng nghiên cứu văn bản; chuẩn bị đầy đủ điều kiện vật chất và con người; phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương hướng dẫn hồ sơ vay vốn, quy trình và thủ tục cho vay đối với các đối tượng vay vốn đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời, công tác tuyên truyền cũng được NHCSXH các cấp triển khai nhằm cung cấp thông tin, tạo nên sự lan tỏa trong thực hiện chương trình. Thông qua việc phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, còn góp phần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Ông Hồ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kim, huyện A Lưới chia sẻ, với việc xem nguồn vốn tín dụng chính sách là động lực giúp người dân thoát nghèo bền vững, lãnh đạo xã luôn quán triệt với toàn bộ cán bộ, Nhân dân phải đồng hành cùng hoạt động tín dụng để nguồn vốn này được phát huy được tác dụng. Riêng với thực hiện hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sau khi nguồn vốn được giải ngân, lãnh đạo xã đã phân công từng cán bộ, lãnh đạo xã bám sát từng hộ dân để đốc thúc tiến độ, nắm bắt những khó khăn trong quá trình tiếp cận, sử dụng nguồn vốn để hỗ trợ kịp thời.

Ngoài các chương trình hỗ trợ vay vốn theo NQ 11, Chi nhánh đã triển khai việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP. Đến ngày 31/12/2022, chi nhánh đã hỗ trợ lãi suất cho 33.123 khách hàng với 36.950 món vay, với dư nợ 15.179 triệu đồng (dư nợ được hỗ trợ lãi suất đến thời điểm hiện tại là 1.794.002 triệu đồng).

 Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vốn vay cho lao động đi làm việc ở nước ngoài: Cung chưa đến cầu

Với tổng kinh phí 23,5 tỷ đồng được tỉnh phân bổ cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024, đến nay, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này trên địa bàn chưa tới 40%. Trong khi thực tế, rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài đang rất cần và mong muốn được tiếp cận nguồn vốn này.

Vốn vay cho lao động đi làm việc ở nước ngoài Cung chưa đến cầu
Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia

Năm 2025, Thừa Thiên Huế được chọn để đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch Cố đô kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Tạo sức bật từ năm du lịch quốc gia
“Điểm tựa” vốn vay chính sách

“Biết ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang, gia đình tôi đã sử dụng vốn vay thật hiệu quả để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống” - chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Xuân Ổ, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) chia sẻ.

“Điểm tựa” vốn vay chính sách
Hiệu quả từ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thông qua nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP. Huế, nhiều gia đình đã có điều kiện đầu tư cho con em tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (NNTHĐ) tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Hiệu quả từ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Return to top