ClockThứ Ba, 04/07/2023 09:34

Vườn chậu mãi xanh

Chốn bình yên dưới mái nhà

Rồi cũng đến ngày cô chuẩn bị cho việc xây dựng ngôi nhà mới của mình. Ngôi nhà bao năm qua cô vẫn luôn thầm mơ ước một mái ấm riêng tư kể từ ngày lấy chồng. Ở đó cô có thể tùy thích bày biện, trang trí tất cả mọi thứ theo ý thích của mình. Vậy mà, sao hôm nay vẫn có một nỗi buồn len lỏi trong lòng, khi chiều nay vì về trễ mà nhóm thợ thi công đã vô tình xáo trộn những chậu hoa để giải phóng mặt bằng chuẩn bị cho việc xây dựng trong những ngày sắp tới.

Nhà cũ của cô, vốn là một ngôi nhà cấp bốn trong nội thành mà cả nhà cô tá túc trên một căn gác nhỏ. Nhưng vốn biết tém vén, biết tạo cho nơi sinh hoạt của mình một không gian sinh động và vì quá yêu hoa nên cô đã biến trước sân thượng của mình thành một vườn hoa mà cô âu yếm đặt tên là Vườn chậu. Có người bảo cô sao đặt gì cái tên nghe chẳng "thơ" gì cả nhưng cô chỉ lắc đầu, vẫn đầy yêu thương mỗi khi nhắc đến khoảng không gian xanh nhỏ bé của mình bằng một tên gọi mộc mạc như thế. Vườn chậu của cô, đó là một khoảng sân thượng mà trong đó cô đặt trên dưới chừng hơn ba mươi chậu hoa. Mỗi chậu là một người bạn nhỏ gắn liền với từng kỷ niệm hàng ngày cô cần mẫn gom nhặt.

leftcenterrightdel
 

Mới đó mà vườn chậu hình thành cũng đã gần năm năm rồi. Những chậu hoa đã là những người bạn thiết thân của cô từ bao lâu nay. Ở đó mùa hè cô mắc một chiếc võng và hương hoa tỏa thơm quanh cô, từ những chậu hoa bốn mùa luôn khoe sắc. Cô đã trút bỏ những mỏi mệt sau cả ngày bận rộn. "Loài cây cũng có linh hồn như con người, cũng biết yêu thương, vui buồn, hờn tủi nũng nịu!". Anh đã từng nói với cô như thế khi nhìn cô rưng rưng bên một cây hoa héo rũ hoặc đã ra đi tức tưởi mà cô không thể cứu vãn. Mỗi lần như vậy cô buồn lắm, buồn đến thẫn thờ suốt cả ngày. Có lẽ ai đã từng làm mẹ mới hiểu, và với cây cối quanh mình cô luôn sống bằng một tình thương bao la của một người mẹ như thế, để ao ước chúng sẽ ở bên cô mãi mãi không rời xa. Vậy mà hôm nay, những chậu hoa bé bỏng ấy bị vứt bừa vào một góc, dập nát, bảo sao lòng cô không nhói, không đau.

Bất giác, cô thấy cây hoa lan tỏi đang héo rũ nơi chiếc cột của chiếc mái che. Cô đã từng mơ ước trong tương lai sẽ đặt chiếc xích đu dưới giàn hoa lan tỏi tim tím dịu dàng lãng mạn. Vậy mà giờ đây cô lại có cảm giác như mình là một người vô tình, phụ rẫy một lời hứa trong tâm tưởng. Cho dù có thể ngày mai cô sẽ không còn được gặp lại chúng nữa, nhưng ít ra hôm nay cô đã cho những đứa con yêu thương của cô một chút thức ăn, một chút nước uống để còn được sống, được thở trước khi những cánh tay thô bạo của chiếc xe múc vươn lên vùi dập. Bất giác, hai dòng nước mắt của cô ứa ra. Và cũng chính ngay trong phút giây ấy một suy nghĩ bất chợt lóe lên trong đầu cô, tại sao cô không đem những cây hoa ấy tặng hoặc nhờ những người bạn của cô, những người yêu hoa và có thể thay cô chăm sóc chúng trong thời gian cô chưa có điều kiện chăm sóc. Nghĩ là làm, cô cầm ngay chiếc máy điện thoại lên và ngay lập tức cô nhận được rất nhiều lời đồng ý thay cô chăm sóc một cách vui vẻ.

Ngày mai, các thành viên trong vườn chậu của cô sẽ không một ai bị bỏ rơi lại. Chúng sẽ không còn bơ vơ đơn độc nữa mà sẽ được tỏa hương trong một môi sinh mới. Ở đó có những đôi bàn tay mỗi ngày ân cần chăm sóc, tưới tắm, những tiếng reo vui đợi chờ ngày hoa mãn khai. Nghĩ đến đó lòng cô đã được xoa dịu đi nỗi niềm băn khoăn phần nào. Yêu thương, nâng niu, cô tưới và bón phân cho những chậu cây lần cuối trước khi đem chúng nhờ những người bạn chăm sóc.

Cô sẽ nhớ hoài những chậu hoa thân thương ấy cho dù ngày mai cô và chúng sẽ tạm thời xa nhau. Vườn chậu của cô sẽ mãi xanh, dù bất cứ ở nơi đâu.

Trang Thùy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top