ClockThứ Bảy, 16/01/2021 14:31

Vườn hoa tết trước sân

TTH - Năm ni Huế mưa nhiều, trời còn lạnh tê tái, mạ cứ lo mấy đám hoa trước sân nhà không kịp bung hoa đón tết. Sáng ngồi bên hiên uống trà, nhìn mấy cây hoa lèo tèo lắc lư trong màn mưa sớm, mạ bấm đốt ngón tay đếm đếm mà sốt hết cả ruột. Mưa lạnh như ri, mấy khóm hoa mẹ trồng trước sân chờ tết e nở muộn. Cứ nghĩ tết nhất, trước sân thiếu đi mấy cụm hoa thược dược trắng hồng rực rỡ, lay ơn đỏ thắm, cúc, vạn thọ vàng ươm là mạ đã thấy buồn buồn. Hương vị ngày tết chưa chi mà đã thấy vơi bớt.

Có một vườn hoa nở thắmVườn hoa tết của ngoại

Bây giờ ở quê, hiếm ai như mạ vẫn còn chộn rộn trồng hoa chơi tết. Những ngày cuối năm, người ta chỉ việc chạy xe về phố dạo vài vòng là có ngay một chậu hoa ưng ý. Mạ không thích thế. Con cháu trong nhà có khi muốn tặng mạ đôi cặp cúc, cặp hồng chưng cho đẹp, mạ đều xua xua tay. Mạ chê hoa người ta phun nhiều thuốc, hương có thơm cũng không dám ngửi. Đâu như hoa của mạ, chỉ trồng hữu cơ, nên tha hồ mà hít hà.

Mạ thích cái cảm giác nhìn mấy khóm hoa lớn lên mỗi ngày theo từng cơn mưa nắng. Sáng ra xé xuống tờ lịch treo trên tường, lại ngó nghiêng ngoài vườn xem mấy bụi hoa có cao thêm một chút? Lịch mỗi ngày một vơi, hoa cũng cao lên không ít, rồi đâm chồi, hé nụ. Nhìn những nụ hoa chúm chím trên cành, mạ cười tươi rói. Đâu cần đợi tết, chỉ thấy hoa nở, là lòng đã sang xuân.

Ngày trước, ở quê tôi hầu như nhà nào cũng chộn rộn trồng hoa chơi tết. Hồi đó, giống má còn khan hiếm dữ lắm. Người làng thường ghé nhà nhau trao đổi giống hoa. Những cành hoa giống, hạt giống cứ thế mà chạy quanh quanh khắp cả làng. Ví như vườn hoa của mạ, đôi khi được xin xỏ khắp nơi. Đám thược dược được mạ xin mấy nhánh từ nhà ông Bảy, vạn thọ thì mạ bẻ từ nhà hàng xóm kế bên, đồng tiền, cúc tím, mào gà mạ đổi từ mấy củ lay ơn mùa trước.

Nhờ việc đổi chác, vườn hoa mỗi nhà đều phong phú hết. Để rồi năm mới đến, người ta đến nhà chúc tết lại khen nhau “sao chăm hoa khéo thế?”, “tay mát quá, hoa ra thật nhiều”, hay giống hoa này chị lấy từ nhà tôi, chăm thế nào mà ra hoa nhiều hơn cả nhà tôi?”. Mạ được khen mà cười sung sướng, thiệt không bỏ công mình thương. Không thương sao có những buổi tối trời, mạ mang tơi đội nón, cầm đèn pin soi soi nơi mấy bụi hoa. Mạ cố bắt cho được mấy con sâu vừa đợi tối trời là chui lên khỏi đất, ẩn mình dưới tán lá, mặc kệ mưa với gió rớt trên vai.

Cái vườn hoa bé xíu xiu mà mạ chăm chút dữ lắm. Để đám gà sau vườn không phá loạn, mạ tỉ mẩn, rào cái ô đất ấy bằng những thanh tre chẻ đều ri rí, rồi cắm xeo xéo thành một ô vuông duyên dáng, vừa mộc mạc mà đậm chất quê. Đó là tác phẩm trong một ngày đã xa khi trời rải đầy nắng ấm. Mạ ra đồng chặt về mấy khúc tre, rồi tẩn mẫn tạo dáng cho vườn hoa nguyên một buổi chiều. Cái vườn hoa được rào dậu kín kẽ lắm, chỉ chờ tết đến là hoa bung nở.

Sáng nay thấy mạ lúi húi mặc áo mưa cho đám cây. Tấm ni lông trong vắt được mạ che chắn trên khoảng đất vuông vắn có mấy bụi hoa mãi chưa chịu xanh tốt. Mạ còn thắp thêm bóng đèn điện cho ấm áp. Mạ nói với đám hoa: “chăm chút cho bây dữ ri, mà không chịu ra bông là hết tết nhứt luôn á”. Không biết tụi hoa có chịu nghe lời mạ, để vài hôm nữa mạ xé xuống tờ lịch, không cần phải chộn rộn khi thấy Tết đã cận kề bên hông, mà hoa của mạ còn chưa đơm nụ.

Lê Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Diệt côn trùng tại hà nội Danh mục hộp quà tết 2025 sang trọng, ấn tượng
Return to top