ClockThứ Ba, 25/10/2016 13:26

Vườn rau quê nhà

TTH - Tuổi thơ sống trong cảnh nghèo khó, những bữa cơm mẹ nấu thường chỉ vài món đạm bạc. Không thịt cá ê hề, bữa cơm ngày trước chỉ có những món đơn sơ từ rau quả trong vườn. Thế mà, qua bàn tay chắt chiu của mẹ, chị em tôi đã có những bữa cơm thơm thảo hương vị đồng quê mà giờ ít khi tìm lại được.

Nhớ sao những bát canh rau quê mẹ nấu. Không cầu kỳ hay đắt tiền, cơm canh mẹ nấu đơn giản mà thơm mát, ngọt lành. Chỉ là bát canh rau muống trồng bên bờ ao nấu với những con khuyết tươi mua từ các mệ họp chợ đầu làng; bát canh rau tập tàng nấu cùng với những chú cua đồng từ đồng ruộng lúc cày ải; ngọn khoai lang luộc hay dĩa dưa môn xào trộn với đậu lạc rang... Đơn giản vậy nhưng mà ngon đến lạ, đậm đà như tình yêu thương của mẹ. Những bữa cơm “bình dân” mộc mạc mùi quê ngày ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của chị em tôi. Hễ nhớ lại là chúng tôi càng thấy thương, thấy nhớ đôi tay tần tảo, khéo léo của mẹ nhiều hơn. Không thương, không nhớ sao được khi rau tự tay mẹ trồng và chăm, cơm canh tự tay mẹ nấu.

Xa quê đã lâu, cuộc sống cứ cuốn lấy nên khi rỗi rãi, tôi thường về ăn bữa cơm quê do mẹ nấu. Nhiều khi thèm được húp bát nước rau dền luộc, một bát canh rau ngót hay bầu non nấu với tôm đồng, tôm sáo, tôi lại giục mẹ nấu như ngày trước. Mỗi bận đi công tác tranh thủ ghé thăm quê, ngồi dưới bóng giàn mướp hoa vàng có những quả non lủng lẳng ăn bữa cơm trưa, chấm rau diếp cá với sốt cà chua mà nghe vị mát ngọt trên đầu lưỡi, gắp một đũa ngọn rau bí xào mà nghe vị thơm bùi, húp một bát canh khế chua mà lắng đọng cái vị đậm đà của đồng quê. Tuy giản đơn, nhưng với tôi đó là niềm hạnh phúc khó tả.

Mẹ tôi vốn chăm chỉ, lo vun vén cho gia đình. Từng vạt rau mẹ trồng, chăm bón bây giờ không còn xanh non như ngày trước nhưng cũng chẳng thiếu thứ gì. Giàn mướp, giàn bầu lúc nào cũng định vị ngay từ đầu ngõ, mẹ trông ngóng quả lớn từng ngày. Bên hông nhà, mẹ thả rau muống, rau lang và chờ lấy ngọn. Rau mẹ trồng có bận đưa ra chợ bán lấy được cả bạc trăm. Số tiền ấy lại được gói ghém mỗi khi đứa cháu nào về thăm chơi là được mẹ nhét cho vào túi. Việc làm của mẹ hôm nay chẳng khác như ngày trước. Mẹ vẫn thường đưa hàng ra chợ với những quả bí, quả bầu, mớ rau để đổi lấy những đồng tiền được cất giữ làm quà cho con, cho cháu. Một thời mẹ đã bán đi nhiều thứ trong vườn, nhưng bữa cơm ngày thơ của chúng tôi bao giờ cũng được mẹ nấu từ những mớ rau non nhất. Những đồng tiền dành dụm từ gánh rau mỗi ngày của mẹ đã nuôi chúng tôi khôn lớn nên người. Từ những bữa cơm quê mẹ nấu, chúng tôi lớn lên khỏe mạnh.

Bây giờ, người ta nói nhiều đến vấn đề an toàn thực phẩm. Rau ngoài chợ không biết đâu là rau sạch mà lần khi lợi nhuận được đặt lên trên cả lương tâm. Tôi lại nghĩ về những mớ rau quê trồng nơi bờ ao, giếng nước của mẹ, những mớ rau không phun thuốc bao giờ. Những khi mệt mỏi, tôi lại về thăm mẹ để ngắm nhìn những luống rau và tận hưởng những thứ thơm ngon, tinh túy của đồng quê một thời lan tỏa.

Ninh Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà phố có vườn rau

Diện tích nhà ở phố khiêm tốn, nhiều gia đình vẫn có thể sử dụng những khoảng sân, góc ban công nhỏ, không gian hẹp để trồng rau xanh phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Những chậu rau cũng giúp không gian ngoài trời của căn nhà thêm độc đáo và đẹp mắt.

Nhà phố có vườn rau
Hình bóng quê nhà

Năm 2005, nhà báo Dương Phước Thu tặng tôi cuốn sách “Qua sông nhìn lại bến bờ” vừa ra mắt. Đây là tập bút ký tư liệu - nghiên cứu lịch sử, khảo lược quá trình hình thành xứ Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên đến thành phố Huế ngày nay. Lướt qua phần viết về quê mình, tôi gọi điện cho anh, phản ứng vì xưa đến giờ, làng tôi chỉ là một, không có thôn La Chử Thượng, thôn La Chử Trung, thôn La Chử Đông, thôn La Chử Nam, thực chất Thượng, Trung, Đông, Nam là các phường của làng. Vài ngày sau, anh nói tôi tới lấy “vật chứng” với lời phàn nàn: Tức quá, sách mới ra đã có 2 người phàn nàn rằng chưa chính xác! Tài liệu anh đưa là bản sao Quyết định của UBND tỉnh về việc phê chuẩn số thôn, khu vực của các xã, thị trấn thuộc huyện Hương Trà từ tháng 8/2000; căn cứ để anh đưa thông tin vào.

Hình bóng quê nhà
Đem theo quê nhà

Một gốc bầu đã cho trái. Một giàn bí đao vừa ra hoa. Những cành cà chua trĩu quả. Đó là những hình ảnh trên facebook của bạn, với dòng tút mộc mạc “Đem theo quê nhà đến đây”.

Đem theo quê nhà
Vị cá biển quê

Bạn tôi quê ở xã biển Phú Diên (Phú Vang) kể rằng, người dân quê bạn truyền khẩu nhau về Tứ quý ngư của biển là: chim, thu, nhụ, đé vốn là 4 loại cá cực ngon, trữ lượng nhiều, giá trị kinh tế cao của vùng biển Thừa Thiên Huế.

Vị cá biển quê

TIN MỚI

Return to top