Kim Anh hiện là sinh viên năm thứ 3 ngành Công tác xã hội – Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Cô vừa được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vinh danh là 1 trong 50 gương mặt “Tỏa sáng nghị lực Việt”.
Tự nhận mình là người may mắn, dù gặp nhiều khó khăn nhưng từ nhỏ đã được giáo dục trong môi trường hòa nhập, giúp Kim Anh xóa bỏ tự ti, mặc cảm với bạn bè đồng trang lứa. Bên cạnh việc học, Kim Anh hiện tham gia nhiều câu lạc bộ, thúc đẩy quyền của người khuyết tật.
Phạm Thị Kim Anh trong một lần trao quà cho các em nhỏ
Kim Anh đã thúc đẩy những quyền đó như thế nào?
Ngoài việc học, mình tranh thủ khoảng thời gian để tham gia các buổi tập huấn cũng như các buổi sinh hoạt dành cho người khuyết tật. Ở đó, mình lắng nghe, tiếp thu những kiến thức mà các chuyên gia, cán bộ truyền đạt như các chính sách, quyền, chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ, dự án…
Từ những kiến thức được tiếp thu đó, mình chia sẻ lại cho những người khuyết tật khác có hoàn cảnh khó khăn, cũng như hướng dẫn cho những người khuyết tật tại địa phương để giúp họ có thể nắm bắt, tiếp cận được thông tin một cách cụ thể. Thông qua các thông tin đó, mọi người có thể tham khảo, tận dụng để nắm bắt các cơ hội dành cho những người yếu thế.
Không phải ai khuyết tật cũng may mắn và có cơ hội đến trường. Vậy, Kim Anh tận dụng cơ hội đó ra sao?
Trong quá trình đi học cũng như sinh hoạt thường ngày, người bình thường vốn đã đối diện với nhiều áp lực. Vì thế, với những người khuyết tất như mình, chuyện áp lực, thử thách là không hề tránh khỏi. Tuy nhiên, để có được cuộc sống như hiện tại, được đến trường mình phải tự nhắc nhở, động viên chính mình. Không còn cách nào khác, phải học thật tốt, luôn lạc quan, và cố gắng để đạt được những kết quả mà mình đặt ra.
Bên cạnh nỗ lực của bản thân, gia đình, nhà trường và bè bạn đóng vai trò như thế nào giúp Kim Anh bước qua những khó khăn?
Gia đình, nhà trường và bè bạn đóng vai trò quan trọng. Đầu tiên phải kể đến là gia đình, đó là nơi dành cho mình những tình thương vô điều kiện, động viên mình vượt qua những khó khăn trong suốt cả hành trình từ nhỏ đến lớn. Khi đến trường, mình nhận được sự quan tâm từ thầy, cô giáo và bạn bè. Mọi người ai cũng yêu thương, giúp đỡ hết lòng không chỉ những giờ trên giảng đường mà còn chăm lo, hỏi han những sinh hoạt đời thường.
Khó nhất của người khuyết tật trong cuộc sống hiện nay là gì và cá nhân Kim Anh vượt qua nó như thế nào?
Khó nhất của người khuyết tật trong cuộc sống hiện nay đó là sức khỏe, trình độ và việc làm. Sức khỏe người khuyết tật thường yếu hơn so với người bình thường, mọi di chuyển đi lại khó khăn, thường xuyên đau ốm. Tiếp theo là trình độ, vẫn còn rất nhiều người khuyết tật chưa được đến trường, khiến họ gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp nhận thông tin. Vấn đề việc làm cũng là vấn đề gây nhiều khó khăn, bởi lẽ chỉ tiêu dành cho lao động là người khuyết tật còn quá ít.
Bản thân mình đang vượt qua những khó khăn đó bằng giữ gìn sức khỏe, cố gắng với khả năng trong giới hạn sức khỏe cho phép, học tập nhằm bổ sung kiến thức nhằm làm tiền đề cho sau này.
Để vượt qua những khó khăn đó, theo Kim Anh cần gì?
Mỗi chúng ta sinh ra trên cuộc đời này là sự may mắn. Thế nên chúng ta không có gì để buồn mà hãy lạc quan, làm những điều mình thích, nghĩ những điều tốt đẹp. Cuộc sống có nhiều con đường khác nhau, mỗi con đường sẽ mang một sứ mệnh, vậy nên chúng ta phải cố gắng sống tốt cũng như giữ cho tâm trí luôn lạc quan.
Bên cạnh nghị lực của chính người khuyết tật, sự động viện của gia đình và bạn bè, các tổ chức xã hội. Theo Kim Anh cần gì nữa để người khuyết tật có thể hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống này?
Đó là sự lắng nghe cũng như sự thấu cảm đến từ mọi người. Từ đó người khuyết tật phần nào có thể hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống. Cũng như cần có các giới hạn riêng để phần nào tạo điều kiện cho những cố gắng của người khuyết tật có thể đạt được cái mà bản thân họ mong muốn.
Nói đôi chút về ước mơ của mình trong tương lai?
Mình mong ước đạt kết quả học tập tốt, ra trường đúng kỳ hạn cũng như sau đó có thể xin được một công việc phù hợp với sức khỏe, nếu đúng với chuyên môn thì vui mà không cũng không sao. Miễn sao có được công việc phù hợp với năng lực bản thân, có thể kiếm thu nhập nuôi sống bản thân mình và góp một phần nhỏ nhoi của mình đến với mọi người. Sau đó có điều kiện thì sẽ giúp đỡ những bạn khuyết tật có hoàn cảnh kém may mắn khác.
Học giỏi, tích cực các hoạt động cộng đồng
Phạm Thị Kim Anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Ở tuổi đến trường, gia đình phát hiện chiều cao của cô phát triển không bình thường. Thương con, dù khó khăn vất vả, bố mẹ cô vay mượn khắp nơi đưa vào bệnh viện với mong muốn cải thiện phần nào chiều cao. Thế nhưng bác sĩ lại chẩn đoán ngoài căn bệnh lùn tuyến yên bẩm sinh cô còn bị biến dạng thân đốt sống L.2. Nếu phẫu thuật thì rủi ro rất cao nên gia đình quyết định trở về.
Năm 2019, Kim Anh trúng tuyển ngành Công tác xã hội - Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Dù khuyết tật, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng thành tích học tập của Kim Anh luôn xếp vào loại xuất sắc. Ngoài học, Kim Anh còn tham gia các CLB vì cộng đồng, người khuyết tật.
|
NHẬT MINH (thực hiện)