ClockThứ Năm, 09/08/2018 07:00

Yên tâm hơn trong mùa mưa bão

TTH - Là một trong hai hợp phần của dự án“Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (GCF), hợp phần xây dựng nhà ở phòng chống lụt bão góp phần đảm bảo an toàn tính mạng người dân trong mưa bão.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án GCF

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Thí, xã Điền Môn sau hoàn thiện

Giảm áp lực nhà ở

Già yếu, mất sức lao động, bà Nguyễn Thị Thí là một trong những hộ nghèo đặc biệt khó khăn của xã Điền Môn (Phong Điền). Không đủ tiền xây nhà tránh lụt ở vùng thấp trũng, vào mùa mưa, gia đình bà Thí phải đến ở nhờ các hộ trong xóm. Với sự hỗ trợ của dự án GCF, bà Thí được hỗ trợ xây dựng căn nhà có sàn vượt lũ theo thiết kế mẫu của Sở Xây dựng. Cùng với bà Thí, nhiều hộ dân thuộc 5 huyện ven biển được dự án GCF hỗ trợ với mức trên 65 triệu đồng/hộ (tùy đối tượng).

Ông Trần Lê Tân Mỹ, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng (KT&HT) huyện Phú Lộc thông tin, theo kế hoạch, năm 2018, Phú Lộc có 51 hộ nhận hỗ trợ và đã triển khai 49 hộ, trong đó 46 hộ hoàn thành nghiệm thu phần móng (2 hộ đã hoàn thành xây dựng) và 3 hộ chờ nghiệm thu phần móng. Quá trình triển khai, huyện phân công cán bộ, đoàn thể theo dõi từng nhà, làm việc với các cơ sở vật liệu xây dựng, chủ thầu xây dựng để hộ nghèo có thể mua nợ vật liệu, nhân công chờ vốn giải ngân mới tiến hành chi trả vì thế tiến độ triển khai rất nhanh. Nhờ dự án mà nhiều hộ nghèo vùng ven biển Phú Lộc bớt đi nỗi lo khi mùa mưa bão cận kề.

Chính thức khởi động cuối năm 2017, đến tháng 5/2018, dự án GCF hỗ trợ cho 135 hộ xây dựng nhà ở theo kế hoạch năm 2018. Theo Ban quản lý dự án tỉnh, đến nay, dự án đã triển khai thông tin hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng chống lụt bão cho 47 xã/5 huyện thuộc dự án. Toàn tỉnh có 107 hộ tiến hành khởi công xây dựng, trong đó, 85 hộ triển khai thực tế và đã hoàn thành nghiệm thu phần móng nhà; một số hộ hoàn thành xây dựng chờ nghiệm thu toàn bộ. Quỹ Khí hậu xanh cũng tiến hành tạm ứng gần 3,8 tỷ đồng; giải ngân trên 3 tỷ đồng cho các hộ hoàn thành nghiệm thu phần móng.

Đề xuất mở rộng đối tượng được hỗ trợ

Dự án GCF triển khai góp phần quan trọng giải quyết các khó khăn về nhà ở cho cư dân vùng dễ tổn thương ven biển. Khó khăn nhất hiện nay đối với các địa phương là việc điều chỉnh đối tượng hưởng lợi từ dự án.

Ông Hồ Ngọc Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng KT&HT huyện Quảng Điền chia sẻ, một số hộ nghèo không phải là hộ nghèo của năm 2014 nhưng hiện nay (năm 2018) đang là hộ nghèo và nhà chưa có sàn vượt lũ, có nguyện vọng tham gia dự án GCF. Nhưng theo quy định, các hộ này không được hưởng lợi từ dự án. UBND huyện đề nghị Sở Xây dựng, UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia hưởng lợi từ chương trình.

Ông Trương Minh Thông, Phó Trưởng phòng KT&HT huyện Phú Vang cho rằng, do thời gian thực hiện chương trình nhà ở theo Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ48) dài nên có sự biến động về hiện trạng nhà ở và đối tượng hộ nghèo so với khảo sát ban đầu dẫn đến các hộ không đủ điều kiện để đăng ký tham gia dự án GCF. Hiện, các hộ già cả, neo đơn, ốm đau, bệnh tật… được xếp ưu tiên thực hiện trước nhưng nhiều hộ không có khả năng để thực hiện dẫn đến việc điều chỉnh, bổ sung thay thế mất nhiều thời gian. Đây là dự án lớn, mức hỗ trợ cao, nhiều xã không nằm trong diện nhận hỗ trợ cũng mong muốn được tham gia dự án, đề nghị ban quản lý dự án có hướng đề xuất mở rộng đối tượng hưởng lợi.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai dự án GCF, ông Đỗ Mạnh Hùng, Ban quản lý dự án GCF Trung ương cho hay, dự án đã có sự linh hoạt mở rộng đối tượng từ hộ nghèo theo QĐ48 ở khu vực ven biển thành hộ nghèo theo QĐ48 thuộc khu vực ven biển và cận ven biển. Các địa phương chỉ cần căn cứ đối tượng trên để xét bổ sung. Trước mắt, các địa phương cần soát xét lại những hộ phù hợp điều kiện, lập danh sách bổ sung trình UBND tỉnh phê duyệt. Quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng đối tượng. Riêng việc mở rộng thêm đối tượng không phải vùng biển hay ven biển, chúng tôi đã đề xuất với đơn vị tài trợ, tuy nhiên rất khó được chấp nhận.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa mùa mưa bão

Thừa Thiên Huế bắt đầu bước vào mùa mưa bão. Đây là thời điểm mà vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường thủy (ATGTĐT) nội địa luôn được ngành chức năng đặt ra. Lực lượng CSGT đường thủy, thanh tra giao thông đã và đang triển khai các phương án nhằm đảm bảo ATGTĐT, tài sản, tính mạng của người dân trước mùa mưa bão.

Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa mùa mưa bão
Giảm nỗi lo trong mùa mưa bão

Sau hai năm đi vào cuộc sống, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã có những tác động tích cực đến người dân, giúp 197 hộ gia đình tại huyện Nam Đông xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở, giảm bớt nỗi lo về nơi ở khi mùa mưa bão đến.

Giảm nỗi lo trong mùa mưa bão
Yên tâm đi lao động ở nước ngoài

Đại diện Công ty Suleco cho biết, từ khi thành lập chi nhánh hoạt động tại Thừa Thiên Huế đến nay, đơn vị đã đưa hơn 600 lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo hợp đồng.

Yên tâm đi lao động ở nước ngoài

TIN MỚI

Return to top