|
Sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt dèng thổ cẩm ở A Lưới ngày càng được du khách ưa chuộng |
Tạo cơ chế cho người dân
A Lưới là căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, với 72 điểm di tích; trong đó, có 12 di tích đã được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh. Bên cạnh đó, còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh vật phong phú, đa dạng. Đặc biệt, truyền thống văn hóa mang đặc trưng riêng của các dân tộc thiểu số (DTTS) là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Theo UBND huyện A Lưới, hiện có khá nhiều chính sách mà người dân, đồng bào DTTS có thể tiếp cận để làm du lịch, như Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới...
CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi với dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa. Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trùng tu các điểm di tích lịch sử và đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn, giữ gìn với phát huy giá trị văn hóa và phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, tiểu dự án 1, dự án 6: Giảm nghèo về thông tin của CTMTQG giảm nghèo bền vững cũng sẽ hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn lực để ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch; phát triển du lịch nông nghiệp gắn với CTMTQG xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả và phát huy giá trị truyền thống, gắn với môi trường sinh thái, tạo không gian đổi mới, sáng tạo, sản phẩm mới, xanh và bền vững, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, trải nghiệm.
A Lưới đang đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch và đã được nhiều dự án của tổ chức chính phủ, phi chính phủ đầu tư, hỗ trợ bà con làm du lịch, phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, những năm qua, A Lưới đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn. Cụ thể, huyện tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất. Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch cũng như chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và khuyến khích, kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng người dân tham gia phát triển du lịch trên địa bàn.
Nhiều chính sách
Huyện A Lưới đã ban hành các nghị quyết, đề án về bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch. Thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện và xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển du lịch hàng năm và dài hạn. Tập trung tôn tạo các điểm di tích lịch sử, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch sinh thái và hỗ trợ bà con, thôn bản phát triển homestay, nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch. Xây dựng quy chế phối hợp tổ chức hoạt động các điểm du lịch tại khu vực biên giới. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và tạo động lực, khuyến khích bà con làm du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng tranh thủ các nguồn dự án để phát triển du lịch trên địa bàn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và điểm đến là mục tiêu mà A Lưới đã và đang hướng đến, phấn đấu để A Lưới là “nơi đáng đến, đáng ở lại và có thứ đáng để mang về”. Những sản vật nông sản từ núi rừng, sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt dèng, đan lát mây tre, các làng hoa, các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực như thịt bò vàng, chuối già lùn, cá tầm, gạo ra dư, sâm Bố Chính… ngày càng được du khách ưa chuộng, tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình, góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững. Nhiều sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao như dèng A Lưới, thịt bò vàng, chuối già lùn và gạo ra dư. Chợ phiên vùng cao đã được khai thác và đi vào hoạt động. Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc thiểu số huyện A Lưới sắp hoàn thiện và đưa vào vận hành, khai thác, để có thêm điểm đến cho du khách, cũng là nơi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của địa phương.
Vừa qua, nhãn hiệu “Du lịch A Lưới” được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ đã giúp xây dựng thương hiệu điểm đến đối với du lịch A Lưới, đồng thời tạo dựng niềm tin đối với du khách sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ của địa phương. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên nguồn lực tập trung phát triển du lịch. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch trên địa bàn. Tiếp tục bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, ứng dụng chuyển đổi số ngành du lịch và đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
|
A Lưới có 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng, 24 điểm du lịch đang khai thác, 33 cơ sở lưu trú (trong đó 24 homestay, 9 nhà nghỉ). Các loại hình kinh doanh dịch vụ khá đa dạng, phong phú như dịch vụ lưu trú, du lịch trải nghiệm, mua bán các mặt hàng lưu niệm, truyền thống, đặc sản địa phương và các dịch vụ giải trí, chương trình văn hóa nghệ thuật, chợ phiên vùng cao, văn nghệ dân gian, ẩm thực, tour sinh tồn trong rừng nguyên sinh, đan chiếu, dệt dèng…
|