Với ba nội dung, gồm thi làm bánh chủ đề “Bánh ba miền” sẽ có 25 nhóm từ 25 trường THCS với 125 học sinh cả nam lẫn nữ tham gia. Các em sẽ chọn cho nhóm mình từ 2 đến 3 món bánh các vùng miền mà mình yêu thích dành cho 6 người ăn. Nội dung thứ hai là “Bữa ăn sum vầy” cũng với số lượng đội và người tham gia như trên, mỗi nhóm sẽ lên thực đơn và thực hiện một bữa ăn gồm 3 đến 4 món cho 6 người ăn. Nội dung cuối cùng là “Bữa tiệc vui” dành cho 6 người ăn với 2 đến 3 món ăn mang tính tiệc tùng dành cho 6 người ăn hình như không “làm khó” cho hầu hết các nhóm học sinh được tham gia ngày hội ẩm thực lần này.
Chuẩn bị món bánh Huế
Tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, ngay khi tiếp nhận công văn, trường đã giao cho tổ công nghệ thực hiện. Với đội hình 15 học sinh chọn từ những em đăng ký học nghề nấu ăn và các em tình nguyện tham gia do yêu thích và khéo tay, đội hình Trường Nguyễn Thị Minh Khai đến với hội thi khá tự tin với tôn chỉ “Những món ăn quê sẽ thành đặc sản qua bàn tay khéo léo của người nội trợ”. Thầy hiệu trưởng cho biết, Trường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ “đột phá” bằng những phẩm vật địa phương.
Tại Trường THCS Thống Nhất, thầy hiệu trưởng Dương Luyến lại cho biết, trường đã giao cho Tổng phụ trách Đội chịu trách nhiệm trong việc tổ chức. Cô giáo trẻ tên Ý, người sẽ “đứng mũi chịu sào” trong lần ra quân này rất tự tin khi cho rằng chỉ cần chuẩn bị trước một hai ngày là “ổn”. Để có được sự tự tin này, chúng tôi được biết, Trường THCS Thống Nhất luôn tổ chức các hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt chuyên đề cho học sinh và ẩm thực là một trong những sinh hoạt khá đều tay và được các em cả nam lẫn nữ của trường yêu thích nên luôn có trong các kế hoạch hoạt động ngoại khoá thường niên của trường. Như vậy, đội trường THCS Thống nhất xem như chỉ cần… lên thực đơn, chọn thực phẩm là có thể… vào cuộc.
Thi “Bạn gái khéo tay” của Trường THCS Nguyễn Tri Phương
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Bi, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương khẳng định, đây là một chủ trương lớn của tỉnh nên trường vào cuộc với tinh thần tự giác cao. Với học sinh, các em rất hào hứng vì có cơ hội “biểu diễn” tài năng ở quy mô rộng hơn vì trường đã chọn đội hình từ kết quả cuộc thi “Bạn gái khéo tay” tổ chức dịp 8/3 hàng năm.
Mặc dù các đơn vị tham gia đều đang giữ cho mình những “bí mật” về bí quyết để thành công. Nhưng như tôn chỉ của cuộc thi là tạo một sân chơi vui tươi lành mạnh, giao lưu học hỏi và nhất là để giới thiệu với du khách đến Huế trong dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2011 về ẩm thực Huế và tiềm năng bảo vệ nét đẹp ẩm thực của vùng đất trong giới trẻ, hầu hết các trường đều hướng đến các món ăn từ sản vật địa phương. Nếu trường T. chọn những món ăn dân dã như “rau đắng nấu canh” thì trường H. lại chọn những món bánh có gốc tích từ cung cấm…Sau một vòng “tham khảo trước” các thực đơn, hy vọng sẽ có những “bữa tiệc chân quê” gồm các món dân dã như mít trộn, vả kho, nhưng cũng sẽ có nhiều món ăn thuộc hàng “nem công chả phụng”… đầy ấn tượng từ bàn tay con trẻ. Bởi hầu hết các món ăn sẽ đem đến hội thi đều có nét chung là sự gia công tỷ mẫn theo phong cách Huế trong ẩm thực. Bạn sẽ gặp một món rau luộc tưởng như đơn sơ nhưng món nước chấm lại là cả một kỳ công tạo ra nét Huế chẳng nơi nào có được, từ các em học sinh THCS tại Festival Nghề truyền thống 2011 được tổ chức tại Nhà Thiếu nhi Huế vào 1/5.
Hương Giang