Dân dã mà ngon!
Chiều mưa lất phất, ngang qua khu vực Đá Bạc, nhìn những tấm biển “Lò bánh lọc” và lời mời đon đả của mấy mệ, mấy dì khiến tôi và một số khách qua đường không thể cầm lòng. O Bòng, chủ một lò bánh lọc gói cho tôi một túi bánh 30 nghìn đồng cười rất duyên: “Đó là lời mời chân thành đó. Chú mới ghé lần đầu, chứ bánh lọc Đá Bạc ngon, rẻ, đặc biệt lắm...”. Đưa chuyện qua lại một lát mới hay o Bòng là một trong những người khai sinh làng bánh lọc Đá Bạc. O Bòng cho rằng, vào những năm đầu thập niên 1980, các chị, các mệ sáng sáng chiều chiều đưa từng xô, từng túi bánh lọc ở Truồi về bán dạo ở khu vực Đá Bạc. Họ bán hàng xách theo kiểu “xe đậu bánh chạy” như mọi người thường nói. Thấy họ theo nghề mọn ấy mà sống được nên bà con ở địa phương nảy sinh ý tưởng “chiếm” thị trường. O Bòng nhớ lại: “Hồi đó, gia đình tôi làm nông, tranh thủ vào buổi nông nhàn ra dựng lều bên trục QL1A bán vài chai nước, tủ thuốc lá, kèm theo thùng bánh lọc. Với o, nghề làm bánh lọc là không khó, bởi từ bé đã được bà ngoại và mẹ chỉ bảo, truyền đạt. O thực tình: “Bánh lọc ở đây khác nơi khác là ngoài sự khéo tay giáo ủ bột, nhân bánh được làm từ con tôm đất đánh bắt ở đầm Cầu Hai rất ngon và tươi”. Thời gian trước, bình quân một ngày, gia đình o Bòng làm 20 kg bột. Bánh của o vừa bán lẻ và bỏ sỉ ở các chợ Truồi, Cầu Hai, Lăng Cô... Nhiều ngày làm ra không kịp bán, có lúc khách phải đợi và đặt trước mới có bánh. Bây giờ, con cái o đã thành gia thất, ở riêng, công suất làm bánh của gia đình giảm hẳn. Hiện tại, mỗi ngày o làm khoảng 5-7 kg bột với 500-700 cái bánh. Tiền lãi mỗi trăm cái bánh chỉ 25- 30 nghìn đồng. Mức thu nhập như thế với o bây giờ chỉ làm để nhớ nghề...
Công đoạn làm bánh lọc của gia đình anh Phúc
Cùng thời với o Bòng, có hàng loạt lò bánh lọc ra đời ở khu vực Đá Bạc. Quanh một vòng ở đây, tôi cảm nhận những lò, quán bánh lọc ở Đá Bạc đều dân dã. Bên trong chỉ vài bàn ghế gỗ xập xệ; bên ngoài là chiếc ô che xô hoặc thùng đựng bánh nằm san sát bên trục QL1A với “thương hiệu chung” ghi ở những tấm bảng: Bánh lọc Đá Bạc. Bên dưới ghi thêm chữ lớn lò bánh lọc O Hoa, O Huê, Dì Mè, Dì Huệ... để phân biệt. Các quán dù nhỏ nhưng ngày càng đông khách nhờ truyền miệng, người- xe qua lại đến khu vực đều ghé vào ăn, mua; có người đặt mua bánh sống đưa ra tận Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh để làm quà...
Cạnh tranh mưu sinh
Gần 20 lò bánh san sát nhau với giá bánh đồng đều từ 1-2 nghìn đồng/cái, chất lượng cũng tương đương nên xuất hiện tính cạnh tranh. Đa phần các lò bánh ở đây đều tự cung tự cấp, lo từ đầu vào lẫn đầu ra. Chị Lê Thị Bé- một chủ lò bánh lọc ở khu vực Đá Bạc đang đưa bánh vào lò hấp không ngại dành mấy phút buông chuyện với tôi về nghề. Chị nói: “Nhiều lúc làm cả ngày mệt lả người nhưng cũng cố ra phía ngoài để ngồi dưới nắng dưới mưa, hứng bụi đường để bán bánh. Khi thấy người- xe chạy đến, có ý định dừng lại là mình căng mắt, tay vẫy, miệng tươi tắn để mời chào. Chỉ cần chậm chân, khách có thể bước sang quán bánh khác ngay”. Gọi cô con gái trong nhà ra giúp mẹ chùi lá bánh, chị Bé mô tả tính chất khó nhọc trong chuyện mưu sinh của mình: “Nghề này không phải dễ ăn. Bán buôn ở đây cũng vất vả, phải đội nắng đội mưa mà bán. Khi xe khách đậu mình phải mang bánh đến chào mời. Chưa kể có những lúc gặp phải một số tay lái “thiếu tỉnh táo” tông thẳng vô thùng bánh, hay sự nhắc nhở của lực lượng chức năng... Cũng vì thế mới có câu nói đùa “xe đậu bánh chạy” được nhiều người ví cho nghề của chị em tui”.
Trò chuyện với tôi, chủ lò bánh lọc O Nhung là anh Trần Văn Phúc cho biết gia đình anh đã gắn bó với nghề làm và bán bánh từ 10 năm nay. Anh Phúc vốn trước đây đã kinh qua nhiều nghề, từ thợ làm đá sang thợ may đến sửa đồng hồ nhưng rồi chuyển qua làm bánh lọc để sống và nuôi con cái học hành. Hồi đầu, thấy một số gia đình xung quanh sống được với nghề bánh lọc, thế là vợ chồng anh nhập cuộc. Nhờ bản tính cần mẫn của chồng và tài nữ công gia chánh của vợ, nên “thương hiệu” bánh lọc O Nhung của gia đình anh Nhân từng bước được khẳng định. Mỗi ngày vợ chồng anh bán trên dưới 10 kg bột với khoảng một nghìn cái bánh. Trừ chi phí mọi khoản như củi lửa, lá, nhân, bột..., gia đình anh thu lãi khoảng 2- 3 trăm nghìn đồng, đủ trang trải mọi chi tiêu trong gia đình. Trong vòng hơn năm nay, bánh lọc của gia đình anh Phúc được lên máy bay ra nước ngoài. Nhờ được chữ tín với chất lượng bánh ngon và đặc biệt là để bánh chưa hấp (bánh sống) được lâu, nên một số Việt kiều Mỹ, Úc cũng từng về đặt mua bánh của gia đình anh mang sang làm món ăn đặc sản. “Buôn có bạn, bán có phường. Và quan trọng là cách chế biến. Mỗi lò bánh đều có một bí quyết riêng, nhưng tựu chung là phải có kinh nghiệm trong cách trộn nhân, ủ bột sao cho cả nhân và bột đều có độ dẻo dai hoàn hảo. Hương vị đậm nhạt cũng phải được nêm nếm sao cho khách ăn một lần là nhớ mãi”- anh Phúc trò chuyện.
Anh Minh Quân, Phó phòng Công Thương huyện Phú Lộc cho biết, sắp đến, huyện sẽ tiến hành khảo sát và đi đến xây dựng thương hiệu cho bánh lọc Đá Bạc- thị trấn Phú Lộc. Nhưng cách làm thế nào cũng đang suy tính để các chủ lò bánh đồng tình, hưởng ứng để nơi đây trở thành địa chỉ món ngon hấp dẫn thu hút du khách gần xa.
Bài, ảnh: Minh Văn