ClockThứ Hai, 26/09/2016 21:45

Bình dị bánh đúc

TTH - Cuộc sống ngày càng hòa nhịp và phát triển, nhiều món ăn ngon, lạ xuất hiện. Thế nhưng, những ai sinh ra và lớn lên ở quê đều biết bánh đúc, món ăn hương đồng gió nội, vẫn được ưa chuộng.

Bánh đúc, món ăn bình dân, mộc mạc hơn tất cả các món ăn nào trở thành ký ức thời ấu thơ không thể nào quên với những người sinh ra ở làng. Ngày trước, cuộc sống nông thôn thiếu thốn trăm bề, khi mà hạt gạo làm ra không đủ ăn, nhà nhà phải chắt chiu để đủ ăn ba bữa thì món bánh đúc trở thành “đặc sản”, không phải lúc nào cũng được ăn cho thỏa sự thòm thèm. Chỉ những mùa bội thu, vài ba gia đình mới rủ nhau “đậu gạo” khuấy bánh đúc. Các mẹ, các chị đem ngâm gạo từ 5-6 giờ đồng hồ, vo thật sạch rồi hì hục đưa vào xay trên cối đá để tạo bột khuấy bánh. Kỹ thuật khuấy là điều quyết định cho mẻ bánh đúc ngon. Người khuấy phải là người mạnh tay, khấy liên tục, lơ là một chút là bột không mịn, bánh không nhuyễn. Khuấy bột làm bánh đúc không thể thiếu vôi (vôi ăn trầu), vì có vôi bánh sẽ dai, giòn, nhưng lượng vôi bao nhiêu tùy thuộc vào kinh nghiệm của người làm, nếu thừa vôi bánh sẽ hôi nồng, mà thiếu thì nhão.

Nồi bột quấy xong đổ thành khối vuông dài, đưa vào nồi để hấp. Sau đó để nguội, bánh cứng lại, có màu trắng đục. Tùy theo người dùng mà cắt từng lát mỏng hình chữ nhật, hoặc vuông xếp vào đĩa. Làm bánh đúc giản đơn thì nước chấm ăn kèm cũng mộc mạc không kém. Đó là chén mắm tổng hợp được chế biến với ít mắm nêm (mắm cá nục) với gia vị gồm ít dầu, hoặc mỡ, ớt, tỏi, đường, bột ngọt rắc thêm ít đậu phộng rang vàng giã nhuyễn. Bánh đúc dân dã dai dai, giòn giòn, ăn cùng nước chấm, thi thoảng vướng mùi vôi quyện hòa hương vị đồng quê trong từng miếng bánh.

Bây giờ bánh đúc ở quê và các chợ đã vắng. Không ngờ vừa rồi về xã Quảng Thái, thăm ngôi chợ xép nhỏ bên đường lại thấy mệ già nách nia và cái đòn gỗ rao - “Ai bánh đúc không”. Nghe tiếng rao mà những kỷ niệm một thời chưa xa ở quê trong tôi lại rạo rực ùa về. Hỏi, mệ bảo vẫn cách làm và hương vị như ở quê tôi ngày trước, chỉ khác là bánh đúc của mệ hôm nay có thêm nhân tôm, mỗi dĩa 6-8 lát giá chỉ 5 nghìn đồng. Rẻ, bình dân nên khách qua lại thường ghé ăn. Mệ nói, bán mỗi buổi chỉ kiếm vài chục ngàn, kiếm thêm để ăn cau trầu chứ có nhiều nhặn gì đâu. Nhưng không làm, không bán thì thấy nhớ vì món bánh dân dã mộc mạc đã theo suốt cuộc đời mệ…

Ninh Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cá nục - món ngon bình dị

Khi những chú ve bắt đầu dạo nhạc báo hiệu mùa hè đang đến, những chú cá nục béo ngon nung núc cũng đã có mặt khắp các rổ trong hàng cá. Mấy bà nội trợ lại kháo nhau: “Hôm ni cá nục xanh chợ!”.

Cá nục - món ngon bình dị
Về đâu, bánh đúc mật?

Hôm ấy ngang qua đường Trường Chinh (TP. Huế), tôi chợt trông thấy bóng hình quen quen, một mệ già tóc bạc phơ chừng bảy lăm, tám mươi đang ngồi nghỉ bên đôi quang gánh. Đến gần hơn, tôi mới nhận ra đó là mệ Gái bán bánh đúc mật mà nhiều bạn trẻ giới thiệu trên Tiktok.

Về đâu, bánh đúc mật
Bình dị giữa phố phường

Giữa bao hối hả của dòng người qua lại, đâu đó trên những góc phố có những con người lặng lẽ với những công việc mà mình lựa chọn. Họ làm để mưu sinh, để tìm niềm vui thường nhật và để khẳng định ý nghĩa của cuộc sống là được làm việc, được lao động như bao nhiêu người khác.

Bình dị giữa phố phường
Những bình dị đẹp đẽ

Cuối tuần vừa rồi trời mưa rả rích, nhưng ở quê chồng có đám giỗ nên tôi vẫn quyết định cùng con trai về quê cho ông bà vui.

Những bình dị đẹp đẽ
Những câu chuyện bình dị

“Thầy ơi, thầy là chủ nhiệm lớp 4. phải không? Cho tôi gửi lại 200 ngàn đồng nhờ thầy đưa phụ huynh cháu M. giúp. Cháu cầm tờ tiền này mua kẹo. Tôi bán cho cháu và giữ lại tiền thừa”. Thầy D. cầm tiền và cảm ơn chị rồi đi thẳng tới quán cà phê nơi góc xóm sau giờ tan học. Đây không phải lần đầu thầy D. nhận lại tiền của học sinh từ chị. Mấy năm trước, với các lớp chủ nhiệm khác, thầy cũng từng nhận tiền và trả lại cho phụ huynh.

Những câu chuyện bình dị

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top