Chị bán quán nhỏ phía sau trường, chủ yếu là văn phòng phẩm dạng lẻ như bút, thước, cờ, cầu lông, bảng... phục vụ nhu cầu của học sinh phòng khi chúng quên mang hoặc tiện đường ba mẹ ghé mua cho con cây bút, cục gôm. Thỉnh thoảng cũng chêm thêm vài món ăn vặt. Khách hàng của chị vì thế chỉ quanh quẩn là người quen. Chỉ ít khi có vài cô cậu học trò nhỏ nghỉ giờ tranh thủ mua cái bánh, cái kẹo. Còn lại thường là sau giờ tan học quán chị mới đông học sinh vây quanh. Chúng thường chỉ mua những món đồ có giá vài ngàn đồng. Hiếm khi đến tiền chục. Nếu hôm nào có đứa đưa tiền mệnh giá quá 50 ngàn đồng đều được chị giữ lại tiền thừa và gửi thầy trả ba mẹ chúng.
Chị kể, từ lúc mới ra đời tờ 500 ngàn đồng đã có một học sinh cầm tờ tiền đó đến mua quà vặt. Chị cũng lần đầu tiên thấy tờ tiền mệnh giá lớn cũng có phần bối rối nhưng cũng kịp bình tâm lại để giải thích cho cháu và giữ tờ tiền gửi thầy, cô trả cho bố mẹ học sinh nọ. Sau khi nhận lại tiền, hai vợ chồng kia đến nhà cảm ơn và mang tặng chị gói quà nhỏ nhưng chị từ chối.
Chị bảo, mình dù buôn bán nhỏ nhưng cũng phải cho đàng hoàng. Một vài trăm ngàn có thể không lớn với người này, nhưng biết đâu với người khác là cơm áo gạo tiền, là tiền học, tiền thuốc thang của họ. Mình có nghèo khổ cũng phải sống cho trung thực, đừng lấy tiền của ai nếu nó không phải để trả công lao động cho mình hoặc mua hàng hóa của mình. Có lẽ cũng từ suy nghĩ đó nên dù chỉ bán cái quán nhỏ ở góc sau của trường và quán cà phê cóc trong xóm, nhưng bao giờ hàng quán của chị cũng đông khách hơn những quán lân cận. Có những khách hàng quen, họ thậm chí nhà ở khá xa nhưng vẫn luôn “trung thành” với quán cà phê của chị, dù nó chưa hẳn đã ngon và chỗ ngồi cũng không được đẹp đẽ, sang trọng.
Tôi cũng là một trong số những khách hàng đó, dù không phải ngày nào cũng ghé qua. Nhưng mỗi lần đến lại được nghe những mẫu chuyện tử tế về chị. Là bữa cơm tươm tất cho ba mẹ chồng mỗi ngày, món ăn sáng vừa ý cho con dâu, là cái áo mưa mang tặng cho người khách qua đường vội vàng, hay chỉ là bán đúng giá cho khách du lịch...
Và, những câu chuyện bình dị ấy vẫn thường lặp lại mỗi ngày nơi xóm nhỏ khiến quán cà phê như có thêm chất xúc tác để níu kéo khách quen. Ở đó dường như những câu chuyện của khách cũng được kể ít đi một chút để nhường cho chuyện của chủ quán. Bởi những câu chuyện về sự tử tế, về lòng trắc ẩn, sự trung thực bao giờ cũng chạm đến trái tim. Vì vậy, nó luôn có chỗ đứng và được ưu tiên.
Hồng Tâm