ClockChủ Nhật, 28/05/2017 09:30

Bữa cơm gạo mới

TTH - Ông anh ở xa quê điện thoại: “Tính về nhà kịp ăn cơm gạo mới mà ngoảnh lại đã thấy đồng trơ gốc rạ rồi”.

Cơm gạo mới ăn với cá nục kho cũng dễ "lủng nồi"

Đã mấy lần viết về mùa màng quê nhà nhưng thiệt tình là  tôi vẫn nói không hết được cái cảm giác như tan chảy trong lòng của một đứa của con ruộng đồng đi xa, gặp lại màu và mùi của bùn, của lúa, của rơm, của khói đồng, của những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi… Và khi nghe ông anh nhắc mới nhớ mùi và vị của bữa cơm gạo mới ở quê nữa.

Hồi trước, khi quê tôi còn sản xuất các giống lúa cổ truyền; bữa cơm gạo mới của nhà tôi là gạo de. Cái giống lúa de có gạo hạt nhỏ, trắng trong và nấu thành cơm thì dẻo, mềm và thơm dìu dịu. Cơm gạo mới ăn với thức ăn chi thì ngon? Cũng không nhớ nữa. Là cá lóc đồng kho tộ, cá nục biển kho với ớt tươi, là ruốc kho quẹt, là muối mè, là canh hến với bầu hay thịt vịt kho sả...? Mà hình như đã là cơm gạo mới thì ăn với bất cứ món chi cũng ngon cả; bởi vì hạt gạo mới còn vấn vương mùi của đất đai, của phù sa sông quê, nồi cơm thơm vừa chín tới hương thơm tỏa khắp nhà. Mâm cơm gạo mới còn là mâm cơm vui vầy trong cái khung cảnh mùa màng no đủ khi hột lúa đang ươm vàng từ nhà ra sân… Cho dù ngày mùa thì bao nhiều công việc nặng nhọc, vất vả lại đổ xuống vai người nông dân. “Làm ruộng ăn cơm nằm- nuôi tằm ăn cơm đứng” hay “no ba ngày tết, lết mấy ngày mùa”.

Nhớ bữa cơm gạo mới là nhớ những giống lúa địa phương cổ truyền mà từ ấu thơ tôi đã từng được thấy, được ăn. Những giống lúa de, ngang cổ, nước mặn, chiên, bác don, nếp trứng, nếp ba trăng bây giờ đã bị mất giống thật đáng tiếc! Huế có câu: "Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi - Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già" viết về giống lúa de ở cánh đồng An Cựu nổi tiếng thơm ngon tương truyền là để tiến vua. Ở quê tôi giống lúa de cũng được trồng rất nhiều. Như đã nói, lúa de hạt vàng tươi, gạo trắng tinh và cơm có mùi thơm dìu dịu. Một giống lúa cổ truyền khác là giống lúa ngang cổ, có lẽ được đặt tên theo chiều cao của cây lúa, khi đến kỳ thu hoạch thì cao đến ngang cổ người. Đây là giống lúa được trồng ở những chân ruộng sâu thường gọi là ruộng Ô mà cứ sau khi gặt xong lúa, nông dân lại be bờ tát cá. Cá đồng hồi đó nhiều, trê, tràu, diếc, thác lác... con mô con nấy béo ụ. Cứ mỗi ô ruộng tát xong, ít nhất cũng là một bao cá mang về theo những bó lúa…

Tôi cũng rất thích những giống lúa cho ra gạo màu đỏ, đó là các giống: Nước mặn, chiên, bác don... Trong 3 giống lúa gạo đỏ cổ truyền này thì gạo nước mặn ăn ngon nhất, nó có vị béo và bùi. Rồi các giống nếp trứng, nếp ba trăng vừa dẻo, vừa thơm; nông dân làng tôi chỉ cấy mỗi nhà một hai sào để nấu xôi trong những dịp giỗ chạp và nấu bánh chưng, bánh tét ngày Tết.

Là ông anh đang sống xa quê cả trăm, ngàn cây số thèm một bữa cơm gạo mới; chứ như tôi, quê nhà chỉ cách một giờ đi xe máy thôi, cũng không còn cách sông trở đò chi nữa mà cứ ngoảnh lại là thấy mùa qua, năm qua và cả người qua nữa…

Bài: PHI TÂN - Ảnh: VÕ NHÂN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phú Lộc:
Ấm áp chương trình “Bữa cơm công đoàn”

Trưa 16/8, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Phú Lộc phối hợp với Công đoàn cơ sở và Ban Giám đốc Công ty cổ phần One One miền Trung tổ chức “Bữa cơm công đoàn” cho 150 đoàn viên công đoàn là lãnh đạo, nhân viên và công nhân của công ty.

Ấm áp chương trình “Bữa cơm công đoàn”
“Bữa cơm tri ân” trên biên giới

Ngày 20/7, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân phối hợp cùng chính quyền địa phương xã Hồng Thuỷ (A Lưới) tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023).

“Bữa cơm tri ân” trên biên giới
Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 2: Cuộc hội ngộ hy hữu

Theo lời của Trung đội trưởng Nguyễn Đình Kiên, sáng đó ở chốt, anh em phát hiện từ đồi đối diện có hai binh lính Sài Gòn đang đi xuống suối lấy nước. Do họ xâm nhập khu vực kiểm soát của mình nên anh em hỏi tôi “có bắn không?”.

Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 2 Cuộc hội ngộ hy hữu
Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 1: Đường đến hòa bình

Sau nhiều lần hò hẹn, cuối cùng những chiến binh năm xưa đã có dịp tề tựu về nhà ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong chiến tranh, ông Võ Nguyên Quảng là Chính trị viên kiêm Huyện đội trưởng Hương Thủy, thủ trưởng trực tiếp của họ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng mỗi khi nhắc nhớ lại bữa cơm trong ngôi nhà Hòa hợp năm ấy, lòng các cựu chiến binh luôn ngập tràn hạnh phúc vì sự kiện độc đáo diễn ra đúng vào ngày 19/5/1973 - sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trên chiến trường Thừa Thiên Huế!

Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 1 Đường đến hòa bình
Bữa cơm vượt bão

Vội tấp xe vào một góc vỉa hè có mái che tránh cơn mưa vần vũ do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới...

Bữa cơm vượt bão
Return to top