ClockThứ Bảy, 04/06/2016 08:08

Cá dét đồng quê, ai đi xa cũng nhớ

TTH - Đứa bạn vừa xuống sân bay Phú Bài liền gọi: “Mi kiếm cái quán mô hay hay ngồi chút. Mà phải có cá dét đó nghe, tau thèm cái món ni quá chừng!”. Cũng may là món cá dét ở Huế không khó tìm…

Mùa gặt. Khi những thửa ruộng sát với con đường làng vừa cắt lúa xong. Chân ruộng vẫn còn đọng nước, sền sệt bùn non là nơi trú ngụ của loài cá dét. Cá dét là loài cá da trơn sống dưới bùn giống mấy loại cá lấu, cá măng ở suối.

Cá dét làm lẩu ở nhiều quán nhậu. Ảnh: Lê Thọ

Quê mình không gọi là đi bắt cá dét mà là đi đào cá dét bởi cứ dùng tay đào bùn là cá dét hiện ra cứ thế dùng hai tay bụm lại cho vào oi. Cá dét sống nhiều nhất ở những thửa ruộng sát với đường làng có bóng cây che mát cả ngày. Con to khoảng bằng ngón chân cái màu vàng ươm, con nhỏ cũng bằng ngón tay… Ai nhanh tay, “sát ngư” thì khoảng một tiếng đồng hồ là đã có gần rổ cá dét đầy. Cá dét được chế biến thành nhiều món ăn từ cá dét kho khô với ớt, cá dét chiên tẩm bột chấm nước mắm. Nhưng ngon nhất vẫn là món canh chua cá dét. Đó là món khoái khẩu đồng quê  ai đi xa cũng nhớ và sau này nó đã phát triển thành món lẩu cá dét nơi các quán nhậu đó đây từ quê đến phố…

Những người dân làng Kế Môn cạnh làng mình là những người sành ăn với hai món đặc sản của quê hương là con dông trên độn và con cá dét dưới đồng. Họ làm bẫy bắt dông về nấu canh với mướp đắng và dùng rổ xúc cá dét về nấu canh chua. Trẻ con làng tôi hay đọc câu vè: “Phù Lai đan rổ đan tràn- Kế Môn xúc cá hai làng ăn chung” mỗi khi thấy những phụ nữ người làng Kế Môn về tận làng mình mang oi, cầm rổ đi xúc cá.

Họ thường đi xúc cá vào buổi trưa đến chiều, tay cầm rổ, bên hông đeo một cái oi để đựng cá. Cái rổ xúc cá được đan thiệt sâu, thiệt chắc để người xúc cá có thể đặt vào các chỗ nước ngang bắp chân rồi dùng chân kia xủi nước, bùn cho cá chạy vào rổ. Tất nhiên mỗi lần xúc có đủ loại cá tôm cua cáy; nhưng quý nhất vẫn là cá dét… Mình nghe nói người dân làng trên còn phơi khô cá dét đóng bao bì gửi cho người làng ở phương xa như là một món quà quý của quê hương. Đặc biệt, họ còn biết cách dự trữ cá dét cho bằng cách xay cá dét khô thành bột cho vào hũ. Mùa đông đến, mỗi khi nấu canh, bà nội trợ chỉ bỏ vào vài muỗng là món canh chua có vị cá dét ngon tuyệt…

Lâu rồi không còn thấy lại hình ảnh những người đi xúc cá ở những chân ruộng, ao hồ. Có lẽ cái nghề xúc cá ở quê đã không còn nữa vì cá ít dần và cả những phương tiện đánh bắt thủy sản hiện đại và hủy diệt hơn đã làm cho bao nhiêu loài cá cứ xa dần đồng ruộng, ao hồ. Không biết bữa ni sau mùa gặt cá dét có còn ẩn nấp nhiều dưới những lớp bùn non chân ruộng không nhỉ? Hay cũng như lũ trê, rô, cá dét đã thành của hiếm của đồng quê rồi?

 Trưa ni, thưởng thức món lẩu cá dét ở quán cùng người bạn mà răng không có cái vị béo bùi như xưa nên cứ ngờ ngợ là cá dét nuôi chứ không phải cá dét đồng quê tự nhiên như vẫn thường được ăn trong mỗi buổi cơm mạ nấu nên cảm giác không được ngon cho lắm…

Bài, ảnh: PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhớ gác bếp của ngoại

Mỗi khi mùa đông gõ cửa, trong tâm trí tôi lại hiện về những kỷ niệm gắn liền với căn gác bếp nhỏ bé của ngoại, nơi đã từng là trái tim của ngôi nhà, lưu giữ biết bao ký ức ngọt ngào và thân thương.

Nhớ gác bếp của ngoại
Tĩnh lặng đồng chiều

Lần nào chạy xe ngang qua cánh đồng đoạn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tôi cũng tắt máy, tự cho mình thêm một chút thời gian để ngắm nghía, thưởng thức thật lâu bức tranh thiên nhiên vừa mênh mông, óng ả, vừa trù phú nhưng cũng rất đỗi yên bình.

Tĩnh lặng đồng chiều
Nhớ đồng

Đúng chiều tối đầu tháng 5, Thừa Thiên Huế bất ngờ có mưa to, tôi ngủ ở làng với nội. Gọi là bất ngờ bởi hơn cả tuần liền, trời nắng như thiêu như đốt, nhiệt độ ngoài trời liên tục đạt mốc kỷ lục trên 40 độ C. Ở phố, cả gia đình tôi ru rú trong nhà, chẳng ai dám ra đường. Có được trộ mưa đã quý, lại mưa to, kéo dài cả hàng tiếng đồng hồ, ai mà chẳng hả lòng mát dạ và tôi cũng thế.

Nhớ đồng
Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng facebook về những chiếc xe lam - một thời đã hiện diện trên đất Huế và điện thoại hỏi tôi: “Anh còn nhớ mấy con trâu cày đường nhựa” không? Tôi trả lời ngay với chú em rằng: Làm sao quên được- nó là một phần đời tuổi thơ của chị em tôi trong những năm còn khó khăn.

Nhớ những chuyến xe lam
Cò về

“Người thương cò, cò đến. Cò quý người, cò về” - tôi đã đọc được câu ấy khi xem những thước phim rộn ràng tiếng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con cò chíu chít gọi nhau bay về miền đất lành. Cò như bạn. Ở Thừa Thiên Huế, nhiều năm nay, môi trường sống cho các loài chim dần được cải thiện, lãnh đạo tỉnh cũng giữ “đất lành” bằng cách yêu cầu các địa phương ngăn chặn tình trạng săn bắt, mua bán chim trời, động vật hoang dã nên đón được nhiều loài chim trời di trú, nhất là những vùng cây cối, sông nước và nguồn thức ăn dồi dào...

Cò về

TIN MỚI

Return to top