Cúc biển là loại rau dại mọc trên triền cát ven biển, xen lẫn với cỏ lông chông, với phi lao, dứa dại cùng vùng trời ầm ào tiếng sóng. Rau cúc thân cao chừng nửa mét, những đọt những chồi mọc chi chít, có bụi ngại ngùng e thẹn lại lúp xúp đan nhau như tấm áo len. Thân cúc phơn phớt tím, lá xanh ngát dịu dàng.
Hình như chẳng nhiều người biết đến sự tồn tại của cúc biển, trừ những người con xứ biển, tiếng sóng sát vách nhà. Bao nhiêu bước chân du khách hằn lên bãi cát đều không biết rằng ven lối cát dẫn xuống biển có một loại rau lạ, mùa hè lơ thơ, mùa đông mới dâng tràn nhựa sống, và thơm ngon với hương vị lạ.
Cúc biển thơm nhẹ nhàng. Vị mằn mặn của mạch ngầm hương biển, vị béo bùi chắt chiu từ bãi cát khô cằn. Một vị gì đó nữa rất khó diễn tả, nó mát lành, tự do. Tôi đặt tên cho nó là “vị của nắng”, sáng trong và tươi tắn.
Rau cúc biển dùng để nấu canh, luộc, xào tùy thích. Giã tép ném phi mỡ cho thơm, thêm chút ruốc, thế là có ngay bát canh rau cúc biển tươi mát, ngọt lừ. Cúc biển cũng có thể góp vị đưa hương cho món canh rau tập tàng nổi tiếng xứ Huế mộng mơ. Húp ngụm canh, nhai kỹ lá rau thấy người như nhẹ bỗng. Nắng gió không phải từ thiên nhiên mang vào, ngọn nguồn của nó ngay trên đầu lưỡi, lan tỏa cùng cảm xúc đến lận nơi sâu kín nhất của tâm hồn. Không biết có ngoa hay không, nhưng khi ăn canh cúc biển tôi lại thấy mình hiền lành hơn, yêu người và yêu đời hơn.
Chẳng rõ bạn tôi có mang chút hơi lạnh nào của mùa đông ở biển của Huế vào Sài Gòn không. Nhưng tôi hiểu những dòng tâm sự trên facebook, rằng trĩu nặng nỗi nhớ nhà của cô ắt hẳn mang một phần nỗi nhớ thương cây cúc biển, loại rau dại mà mạ cô hay len lỏi từng trảng cát ven bờ tìm về để xào nấu cho đứa con gái út.
Mai Huế