ClockThứ Hai, 26/08/2019 14:51

Chặt to, kho mặn

TTH - Mỗi lần có dịp về quê, thể nào tôi cũng tìm cho bằng được o bán bánh bèo ở góc chợ, dưới cây vông già. Đó là đĩa bánh bèo “chặt to, kho mặn” như cách ví von của người nhà quê, về cái sự thô mộc của lối ẩm thực dân dã.

Nhớ mùi ruốc sảĐậu hũ gánh

Những chiếc bánh bèo với nét ẩm thực nhà quê mộc mạc

Không mỏng mảnh, yểu điệu như cái bánh bèo bé xíu, mỏng tang vốn thấy ở phố thị, mỗi cái bánh bèo của o dày sịch. Độ dày của bánh, nói một cách hình ảnh, một lão nông chỉ cần ăn dăm cái, đã đủ sức cuốc hết sào ruộng…

Tôi mê món bánh bèo của o từ bé, mỗi lần được theo mẹ ra chợ. Bánh đựng trong cái thúng tre, xếp từng lớp trên tấm lá chuối. Bàn tay o thoăn thoắt đặt bánh vào đĩa. Thoăn thoắt chầy dầu lên mặt bánh. Thoăn thoắt rắc nhụy. Rồi ghé cái đĩa vô miệng chai nước mắm, té một ít để vừa đủ xâm xấp.

Mê món bánh ấy bởi cái màu trắng tinh của bánh ánh lên vẻ vàng óng của dầu lạc khử ném và những hạt đậu phộng giã nhỏ lấm tấm. Miếng bánh cho vào miệng mềm múp, có vị thơm gạo ruộng, thấm tháp nước mắm pha vừa tới. Thích nhất là cái chầy dầu bằng sống lá chuối đập dập. Và cái dao xắn bánh bằng thân tre, được chẻ, gọt rất khéo. Dùng cái dao tre xắn, cho bánh vào miệng, ghé môi húp tý nước mắm từ đĩa… Ngon không cách chi tả xiết. 

Mới đây về quê, như thường lệ, tôi lại ghé chợ, tìm gánh bánh bèo dưới gốc vông già. Không còn o ở đó. “Bây chừ cái bánh chặt to kho mặn ấy ít người dùng. Bánh bèo chừ phải mỏng mới ngon’’. Chị bán bánh trẻ phân trần…

Dò mãi, cuối cũng, tôi cũng tìm được o, bây chừ về mở quán bánh tại nhà.

Trên hiên nhà, bếp bánh vào chiều cũng vừa đỏ lửa. Ngọn lửa bùng lên, trùm gần kín chiếc nồi hấp bánh. Những mẻ bánh của một thời xa ngái vẫn còn đây. Những chiếc bánh dày sịch, trắng tinh có cái xoáy “trâu” ở giữa như cái lúm đồng tiền trên má cô gái quê mười bảy. Vẫn cái chầy dầu bằng sống lá chuối và cái dao bằng tre. “Khó nhất là để bánh có được cái xoáy ấy. Lửa phải đỏ rực, trùm hết đít soong. Gạo làm bánh phải là gạo gốc trồng ở quê. Nước pha bột phải đủ 3 sôi hai lạnh…”. O bán bánh vừa tiếp thêm củi vào bếp, giải thích.

Hôm ấy, tôi cứ nấn ná mãi bên lò bánh bèo của o. Để ngắm nhìn những đĩa bánh chân chất hương đồng gió nội. Ẩn trong đó là vẻ đẹp mộc mạc, thân quen của một món ăn “chặt to, kho mặn” đi ra từ đồng ruộng… Cả những bí quyết nghề có lẽ đã được đúc kết từ xa xưa, làm nên một nét đẹp về văn hóa ẩm thực….

Bài, ảnh: Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đuốc hoa

Sau những cơn mưa dầm dề, ngôi làng quê tôi xanh ngát một màu lá của cơ man nào là cây. Thế mà bên con mương nhỏ nước chảy róc rách ngay bìa làng, từng đốm lửa nhỏ của những đóa hoa chuối mỏ két lại nở rực rỡ hơn bao giờ hết, hệt như những ngọn đuốc li ti, bập bùng trong màu xanh ngút ngàn của lá.

Đuốc hoa
Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

Nhiều món ngon trứ danh đại diện cho một số vùng miền được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có thể kể đến như mì Quảng (Quảng Nam), nghề nấu phở (Nam Định). Trước những thông tin này, những thực khách đặt câu hỏi vậy bún bò Huế đứng ở đâu trên bản đồ ẩm thực và tại sao chưa được ghi danh?

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế
Lan tỏa ẩm thực Huế

Hình ảnh, hương vị đặc sắc của những món ngon đặc trưng của từng địa phương do các hội viên phụ nữ (HVPN) mang đến những hội thi, hay những cửa hàng bán đồ ăn do hội viên làm chủ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở hội tích cực giới thiệu, quảng bá, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế đi muôn nơi.

Lan tỏa ẩm thực Huế
Ẩm thực Huế và triển vọng đến UCCN

Huế có nhiều lĩnh vực nổi bật để tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Điều này không chỉ quảng bá được bản sắc văn hóa địa phương ra với thế giới mà còn cơ hội để thu hút du khách, nhà đầu tư đến với Huế. Tuy nhiên, việc lựa chọn lĩnh vực nào để làm nổi bật lên sự đặc trưng, riêng biệt của Huế khi tham gia UCCN là chuyện cần tính toán kỹ lưỡng.

Ẩm thực Huế và triển vọng đến UCCN
Return to top