ClockThứ Năm, 29/08/2013 05:36

Chè... thương chồng

TTH - Tiến sĩ Thái Kim Lan khi trả lời phỏng vấn về văn hóa ẩm thực Huế, bà có nhấn mạnh đến việc người phụ nữ Huế nấu ăn ngon và cái điều làm cho món ăn Huế ngon đằm thắm, ngon dân dã, bình dị mà “hiền bụng” đó là vì người phụ nữ Huế nấu ăn vì thương mà nấu.

“Thương mà nấu”, cao hơn tất cả các kỹ thuật. Bởi lẽ người phụ nữ Huế đã dùng cái tình của mình mà chăm sóc cho bữa ăn gia đình, cho từng mỗi món ăn. Ca dao Huế có câu nói về một món ăn mà người vợ Huế nấu vì thương rất rõ ràng, đó là: “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen”. Chắc chắn đó là những món ăn ngon, lành và dân dã, không phải là món cao lương mỹ vị.

Chè hạt sen bọc nhãn lồng. Ảnh: Internet

Khi tiếp một người bạn ở xa về Huế chơi, chúng tôi đã mời bạn món chè hạt sen Huế. Câu chuyện vui trong lúc thưởng thức hương vị chè hạt sen hồ Tịnh, tôi đọc câu ca dao trên cho bạn nghe và bạn bật ra một ý, thôi để mình đặt chè hạt sen là “chè thương chồng” đi. Đó là một cái tên thật hay chứ nhỉ!

Và đâu phải chỉ có người phụ nữ Huế mới nấu được món chè “thương chồng” bởi lẽ sen được trồng ở khắp các miền quê. Ở đâu có ao hồ là ở đó có sen. Sen bình dị, sen hiền lành và tỏa hương thơm ngát như tấm lòng của những người vợ Việt Nam. Cho nên nói như bạn tôi, cái tên “chè thương chồng” chắc không ai phản đối.

Tháng bảy âm lịch về cũng là thời gian vào cuối mùa sen Huế. Nhưng vào thời điểm này, Huế cũng vào mùa nhãn lồng, cho nên món chè hạt sen bọc nhãn lồng cũng là một món chè thương chồng mà nấu của người phụ nữ Huế nhưng có tăng thêm độ cầu kỳ.

Đối với món chè hột sen bọc nhãn lồng thì câu này có lẽ đúng đến… hai lần. Bởi lẽ vì thương nên người phụ nữ Huế không nề hà mệt nhọc, công kỹ từ đoạn chọn mua hột sen, chọn mua cho được nhãn lồng vùng Thành Nội, rồi mua cho được đường phèn để nấu. Giai đoạn chế biến là cả một quá trình tỉ mẩn. Hạt sen tươi bóc vỏ, lấy cho hết phần tim sen để khỏi bị đắng. Sau đó đem hột sen hấp chín. Nhãn lồng lột vỏ, dùng dao nhíp (loại dao có mũi nhọn của các mệ ngày xưa thường dùng để bổ cau ăn trầu) khéo léo tách lấy hạt làm sao cho cơm nhãn không bị tách làm đôi, có như thế khi bỏ hột sen vào mới đẹp. Nước đường phèn nấu sôi lên rồi mới cho hạt sen đã bọc nhãn lồng vào. Vì thế khi múc chè ra chén, những hạt sen với sắc màu vàng mơ đặc biệt càng làm tăng thêm vẻ thanh cao của món chè.

Có người bảo “con đường ngắn nhất để chinh phục người đàn ông là ẩm thực”. Tôi nghĩ, đó chỉ là câu nói có ý đùa chơi, không hoàn toàn đúng. Vẫn biết cái sự ăn là một nhu cầu của cuộc sống, ai cũng phải ăn để mà sống. Nhưng ăn uống- ẩm thực cũng là một nghệ thuật. Không hợp gu, không hợp khẩu vị, không chân thành thì đâu dễ gì người khác chấp nhận món ăn của mình. Chinh phục người đàn ông bằng con đường “dạ dày” thì nên hiểu dạ dày ở đây là tấm lòng hơn là nơi chứa đựng thức ăn. Qua món ăn mà bạn nấu, người đàn ông của bạn đã hiểu được phần nào về tâm hồn, tính cách của bạn rồi đó. Và người ấy sẽ nhận ra anh ta có tìm thấy sự hòa hợp với bạn không. Cho nên không nên nghĩ đơn giản, con đường ẩm thực là con đường ngắn nhất để chinh phục đàn ông.

Trở lại với món “chè thương chồng” mà bạn tôi đặt tên, ai cũng có thể nấu những món ăn đầy tình thương cho người thân của mình: cha, mẹ, anh em, vợ , chồng, con cái hay bạn bè. Ẩm thực giúp mọi người xích lại gần nhau không chỉ vì đó là nhu cầu của sự sống con người mà đó còn là cơ hội để mọi người thể hiện tình cảm của mình, sự quan tâm, chăm sóc. Đó chính là giá trị sâu sắc của ẩm thực, tức là ngoài giá trị nuôi sống con người còn có giá trị nâng cao tâm hồn con người, là văn hóa, là đạo đức. Vì thế, đâu chỉ có món “ chè thương chồng”, mà mỗi người đều có thể nấu những món ăn bằng tình thương của mình với những tên gọi khác nhau… Đó là điều mà tôi bất chợt nhận ra sau khi nghe bạn nói về món chè được nấu bằng tình thương…

Nguyên Khoa
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Thanh tao mứt vỏ thanh trà

Tôi nhớ lần đầu tiên mình thử món ăn này là vào Lễ hội Thanh trà Thủy Biều 2022, tôi đi giữa những gian hàng màu xanh óng ánh, lúc lại vàng ươm của loại trái cây đặc sản này. Khi ra về, tôi chọn cho mình một túi mứt vỏ thanh trà nho nhỏ. Cho đến giờ, hương vị của thức quà mộc mạc ấy vẫn còn vương mãi.

Thanh tao mứt vỏ thanh trà
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Lan tỏa ẩm thực Huế

Hình ảnh, hương vị đặc sắc của những món ngon đặc trưng của từng địa phương do các hội viên phụ nữ (HVPN) mang đến những hội thi, hay những cửa hàng bán đồ ăn do hội viên làm chủ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở hội tích cực giới thiệu, quảng bá, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế đi muôn nơi.

Lan tỏa ẩm thực Huế
Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

Ẩm thực Huế đang dần khẳng định vị thế trong lòng du khách trong, ngoài nước và mới đây, UBND TP. Huế đã lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

TIN MỚI

Return to top