Dẻo thơm bánh khoai tía
Mình luôn thích những món ăn dân dã làm từ những sản vật đặc trưng của xứ mình. Mỗi món ăn, đều khơi gợi trong mình cảm hứng tìm về nếp xưa. Nơi đó có bếp củi đỏ rực của ngoại, có đôi đũa tre vàng óng mà ông tỉ mẫn ngồi vót mỗi buổi trưa hè, có cái chảo gang cũ kỹ của mẹ mà nấu ăn ngon đừng hỏi. Và đương nhiên, có cả cái dáng ngoại còng lưng tới lui trong gian bếp chật hẹp đượm mùi thức ăn.
Cái bếp của ngoại hồi xưa, nhỏ xíu xiu, nhưng lúc nào cũng rộn ràng tiếng nồi niêu xoong chảo. Những buổi tan trường về lúc chiều nhạt nắng, mình hay thấy ngoại lui cui ở bếp tỉ mẩn chế biến món ăn. Tụi mình thường lăng xăng quanh chân ngoại, khiến gian bếp xập xệ vốn đã nhỏ càng thêm chật chội.
Ngoại không như mẹ, luôn muốn tự tay mình làm lấy mọi thứ mới yên tâm. Còn ngoại, bà chào đón tất cả sự giúp đỡ của đám cháu chắt luôn háo hức vây quanh mình. Bà hay bảo, có giúp sức, lúc ăn mới ngon được. Bởi món ăn có công sức của mình góp vào, cảm giác khi ăn vị cũng khác. Đó là ngoại nói thế, chứ bọn mình lúc ấy, chỉ muốn giúp ngoại thật nhiều việc, để món bánh dẻo thơm mà rực rỡ của ngoại, có thể “ra lò” nhanh hơn chút nữa.
Cái món bánh khoai tía ngon ngọt tận tim của ngoại, hiếm lắm mới xuất hiện trong gian bếp cũ kỹ ấy. Cái thời mà đường sữa dầu mè đều khan hiếm, nên ngoại cũng ít “vung tay”. Khoai tía phần nhiều ngoại luộc hoặc hấp lên ăn cùng muối mè, nếu không thì mài ra nấu canh với chút ruốc. Chứ khoai tía làm bánh, hiếm khi ngoại mới làm. Nên cái món ấy, luôn được trông chờ nhất trong gian bếp của ngoại.
Mình nhớ những ngày hè oi ả nắng, thường theo ngoại trên chiếc ghe nan, ngược dòng nước lên phía đầu nguồn thu hoạch khoai tía. Khoai tía ngoại trồng dọc triền sông. Hồi đó nhà nghèo, chưa có xe để vận chuyển như bây giờ. Mỗi mùa thu hoạch, ngoại đều dùng ghe chở khoai xuôi theo dòng nước về nhà.
Lần nào thu hoạch khoai, ngoại đều đi rất sớm. Chỉ cần mặt trời vừa lên, ngoại liền chất khoai lên ghe chở về nhà. Những củ khoai to tròn múp míp, được dây khoai xanh mướt phủ bên trên. Ngoại nói, khoai tía phải tránh ánh mặt trời, khoai để lâu mới không bị đam. Đám dây khoai xum xê được ngoại chở theo về, sau khi che chắn cho khoai từ triền sông về đến tận bến nước trước nhà, ngoại tặng hết cho dì Năm hàng xóm, làm thức ăn cho lũ cá trắm được nuôi trong lồng thả trước bến sông.
Sau khi dỡ khoai về, món đầu tiên ngoại làm bao giờ cũng là bánh khoai tía tím rịm mà ngon nhức nhối. Món bánh của ngoại đơn giản lắm. Khoai tía ngoại hấp chín, nghiền nhuyễn, sau đó cho vào ít sữa rồi nắn thành từng viên tròn tròn, rồi lăn qua một lớp mè. Hôm nào thảnh thơi, ngoại lại nặn bánh thành hoa lá bắt mắt. Có bánh rồi, ngoại chỉ cần bắc lên bếp chiếc chảo gang, bỏ vào ít dầu đậu phụng do ngoại tự ép lấy, rồi bỏ bánh vào chiên cho đến lúc vàng rộm.
Bánh khoai tía có vị ngọt vừa đủ, béo của sữa, thơm của mè và vị bùi bùi của khoai. Bánh bên ngoài có màu vàng ươm, phủ thêm lớp mè li ti bắt mắt, bên trong lại tím rịm. Chỉ cần cắn một miếng, sẽ cảm nhận ngay cái vị giòn tan của vỏ bánh, nhai vài ba cái, phần ruột sánh mịn, mềm dẻo như tan ra nơi đầu lưỡi, ngon không nỡ nuốt.
Khoai tía đầu mùa, vừa thơm lại dẻo. Nhưng nếu khoai để lâu, qua hết thu rồi sang đông, độ dẻo thơm cũng giảm. Lúc này nếu làm bánh, ngoại hay thêm chút bột lọc vào, cho tăng độ kết dính.
Từ hồi cái triền sông bị sạt lở gần hết, ngoại thôi không trồng khoai tía nữa. Món bánh khoai của ngoại cũng vắng dần. Cho đến khi ngoại không còn vui vầy cùng con cháu, món bánh ấy cũng mất hẳn trong căn bếp cũ (mà giờ đã được xây lại khang trang). Sáng nay đi chợ, thấy gánh rau trái vườn quê có thêm mấy củ khoai tía nhà trồng, chợt thấy nhớ món bánh của ngoại năm xưa. Lâu lắm rồi chưa được nếm.
Bài, ảnh: LINH CHI