ClockThứ Hai, 11/04/2011 06:26

Gánh bánh rong xứ Huế

TTH - Ai… bánh bèo… bánh nậm… bánh lọc… không…!!!Mỗi chiều, ở đầu xóm hay cuối đường, trong con hẻm quanh co hay trên vỉa hè phố thị xứ Huế, người ta lại thấy thấp thoáng bóng dáng của người phụ nữ với đôi quang gánh trên vai và tiếng rao trong trẻo, ngọt ngào ấy. Trong ký ức của nhiều người Huế, nhất là những người Huế xa quê, gánh bánh rong mỗi chiều đã trở thành một hình ảnh quen thuộc khó quên.

Ở Huế có nhiều vùng, nhiều người sống bằng nghề làm bánh bèo, nậm, lọc và gánh đi bán rong nhưng tập trung đông nhất là ở làng Đốc Sơ, thuộc phường An Hòa, nằm ở phía bắc kinh thành Huế. Nét đặc trưng của chốn thôn dã đơn sơ nầy là những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, những căn nhà gạch cũ kỹ nằm lẫn khuất sau những khóm tre già che chở cho cuộc sống của hơn bốn trăm hộ gia đình. Từ khi lập làng, theo các cụ bô lão, đa số người dân đã chọn nghề làm giấy thủ công để kiếm sống bên cạnh nghề nông. Nhưng rồi cái nghề “múc giấy” (cách gọi dân gian của nghề làm giấy thủ công) có từ mấy trăm năm trước đã mai một dần theo thời gian, nhiều người bỏ nghề, đến nỗi ít ai bây giờ còn nhớ tới hai từ “múc giấy” nữa. Sau nghề giấy người dân cần cù làng Đốc Sơ lại chọn cho mình những ngành nghề mới phù hợp với cuộc mưu sinh bên cạnh công việc đồng áng là nghề chằm nón lá và nghề làm bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc…tồn tại gần một trăm năm nay.

Hiện nay, có khoảng một trăm năm mươi hộ trong làng theo nghề làm bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc và tùy theo mùa, số người đi bán bánh rong cũng dao động gần đến một trăm. Chị Hường, người có thâm niên trong nghề cho biết, từ khi lấy chồng chị đã bắt đầu công việc này, đến nay đã gần hai chục năm gắn bó cùng gánh bánh rong. Gia đình chị cũng như nhiều hộ ở đây, vợ làm bánh bèo, nậm, lọc, ram ít rồi đi bán rong, chồng làm nông hoặc thợ hồ. Những tháng mùa mưa kinh tế gia đình phụ thuộc nhiều hơn vào gánh hàng của chị vì vào mùa này nghề thợ hồ của chồng chị đang thiếu việc. Làm cái nghề mà như nhiều người vẫn hay gọi là “lấy công làm lãi”, vốn liếng chẳng có bao nhiêu, chị cũng như bao người phụ nữ khác trong làng chỉ biết trông vào sự cần cù của chính bản thân, cầu cho đôi chân mình còn dẻo dai; còn lại thì “nhờ trời”, ngày nào may thì bán hết nhanh, có ngày tới tối mịt mới về đến nhà mà gánh vẫn còn hàng. Tiền lãi cả ngày của các chị không bao nhiêu, một đĩa bánh các chị chỉ bán năm ngàn đồng, tiền kiếm được chỉ đủ lo ăn uống cho gia đình, các khoản khác đặc biệt là tiền học của các con thì phụ thuộc vào công việc của chồng.
 
Hằng ngày các chị và chồng phải dậy lúc năm giờ sáng, khuấy bột làm bánh bèo trước rồi lo bữa sáng cho gia đình. Lúc chồng đi làm và các con đi học, các chị ra chợ và tranh thủ làm công việc gia đình. Mất thời gian và tốn nhiều công là khâu nhào bột và làm nhân bánh lọc, ram ít, nên công việc thường kéo dài qua cả bữa ăn trưa và hoàn tất vào độ hai, ba giờ chiều. Đây là lúc các chị bắt đầu cho một chuyến đi quen thuộc, len lỏi qua không biết bao nhiêu tên đường phố vì cuộc mưu sinh. Địa bàn quen thuộc của các chị chủ yếu ở các phường nội thành và hầu như ai cũng có những khách hàng thân thiết ở những địa chỉ “ăn hoài nên quen”. Các chị đi rất nhiều, mà hầu như không đo được quãng đường đi dài ngắn ra sao, chỉ biết đến khi bán hết hàng đôi chân mới được nghỉ ngơi. Và thường khi về đến nhà thì trời cũng đã tối mịt, nên chi được một buổi tối vui vầy cùng chồng con đối với các chị lắm khi trở thành một niềm ao ước.
 
Do nhu cầu thực tế, một số hộ trong làng chuyển sang công việc làm bánh “chuyên nghiêp”, dạng lò bánh, để cung cấp hàng cho người đi bán rong. Hiện nay, nhà bà Bảy và ông Thảo là hai lò tráng bánh ướt lớn nhất ở trong làng, cung cấp bánh hàng ngày cho cả các làng lân cận.
 
Công việc của các chị đặc biệt vất vả vào mùa mưa, những tháng dài Huế ẩm ướt và lạnh lẽo. Mỗi bước đường của gánh hàng rong cứ như dài thêm và nhọc nhằn hơn trong mưa lạnh. “Nhiều lúc cũng muốn nghỉ làm lắm, nhưng nếu nghỉ thì nhà lấy gì mà ăn, con cái lấy gì để đến trường nên vẫn phải làm thôi”, chị Hường nói. Công việc là thế, vất vả, khó khăn, tiền kiếm được lại không bao nhiêu nhưng các chị, các mẹ vẫn bươn chải cùng nó vì miếng cơm manh áo của gia đình. Gánh bánh rong đã trở thành một cái nghiệp gia truyền qua nhiều thế hệ làng Đốc Sơ.
 
Dẫu hiện nay đã có nhiều gia đình chuyển sang công việc khác như làm nón, đi may,… nhưng vẫn còn nhiều hộ vẫn sống với nghề này từ mấy chục năm qua. Cái nghề vất vả mà vẫn tồn tại bền bỉ đến nỗi dường như đã trở thành một nét riêng của Huế. Con người Huế vốn tính thích ăn vặt nên gánh hàng của các chị là thứ thỏa mãn nhu cầu đó với đủ các tiêu chí nhanh, rẻ và tận nơi.
 
Chị Hường tâm sự, có nhiều đứa trẻ mỗi buổi chiều thường ngồi trước ngõ đợi gánh hàng của chị đi qua, chị thấy trên gương mặt chúng hiện lên vẻ háo hức, trông chờ làm chị cũng vơi đi phần nào sự mệt nhọc của công việc. Có những đứa trẻ mà miền ấu thơ của chúng luôn có một góc dành cho những buổi chiều vui chơi trong xóm nhỏ, bỗng dưng thấy thèm một miếng bánh lọc hay mùi thơm quyến rũ của đĩa bánh nậm còn ấm nóng và rồi thật hạnh phúc khi o bán bánh xuất hiện với tiếng rao quen thuộc. Có những ký ức giản dị mà dù có lớn lên và đi xa, con người vẫn nhớ về với rất nhiều yêu thương, bởi lẽ chúng cùng nhau vẽ nên hình ảnh quê hương trong tâm trí.
 
Bánh bèo, nậm, lọc, ram ít theo thời gian từ món ăn dân dã đã trở thành đặc sản khi có tên trong thực đơn của nhiều nhà hàng. Ở Huế có nhiều nhà hàng nổi tiếng với các món ngon này như quán Bà Đỏ ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quán Tranh ở đường Chi Lăng, các quán ở cung An Định… So với gánh hàng của các chị thì các nhà hàng này nổi tiếng hơn và tất nhiên giá cả cũng đắt hơn nhiều lần, tuy nhiên đối với nhiều người, ngồi bên gánh hàng rong, ăn uống vẫn thoải mái, gần gũi hơn và hình như hương vị của mỗi chiếc bánh vẫn đậm đà hơn.
 
Dù cuộc sống có thay đổi, những con đường có trở nên tấp nập, ồn ào đến mấy thì vẫn còn đó bóng dáng của các mẹ các chị không kể chi ngày nắng gắt hay khi mưa dầm, mỗi chiều vẫn rong ruổi trên các nẻo đường với gánh hàng rong. Và trên những khuôn mắt rám nắng ấy vẫn sáng lên nụ cười thân thiện với tiếng rao quen thuộc “ai… bánh bèo…bánh nậm… bánh lọc… không…!!!”
Trần Thiên Huy
(K33, Khoa Báo chí, ĐH Huế)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Thanh tao mứt vỏ thanh trà

Tôi nhớ lần đầu tiên mình thử món ăn này là vào Lễ hội Thanh trà Thủy Biều 2022, tôi đi giữa những gian hàng màu xanh óng ánh, lúc lại vàng ươm của loại trái cây đặc sản này. Khi ra về, tôi chọn cho mình một túi mứt vỏ thanh trà nho nhỏ. Cho đến giờ, hương vị của thức quà mộc mạc ấy vẫn còn vương mãi.

Thanh tao mứt vỏ thanh trà
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Lan tỏa ẩm thực Huế

Hình ảnh, hương vị đặc sắc của những món ngon đặc trưng của từng địa phương do các hội viên phụ nữ (HVPN) mang đến những hội thi, hay những cửa hàng bán đồ ăn do hội viên làm chủ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở hội tích cực giới thiệu, quảng bá, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế đi muôn nơi.

Lan tỏa ẩm thực Huế
Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

Ẩm thực Huế đang dần khẳng định vị thế trong lòng du khách trong, ngoài nước và mới đây, UBND TP. Huế đã lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

TIN MỚI

Return to top