ClockThứ Bảy, 16/03/2019 12:10

Khai thác tốt, Huế sẽ là “kinh đô ẩm thực”

TTH - Các chuyên gia du lịch đánh giá, ẩm thực chính là lợi thế cạnh tranh nổi bật của vùng đất Cố đô. Nếu khai thác tốt Huế sẽ là “Kinh đô ẩm thực”.

Hỗ trợ xây dựng đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”“Kinh đô ẩm thực” – quảng bá ẩm thực Huế

Huế còn là nơi hội tụ nhiều món ngon

Thương hiệu điểm đến

Các chuyên gia du lịch đánh giá, ẩm thực chính là lợi thế cạnh tranh nổi bật của vùng đất Cố đô. Họ phân tích, khi đi du lịch, ngoài dịch vụ lưu trú, các điểm tham quan thì dịch vụ ăn uống là điều bắt buộc đối với mỗi du khách. Đến Huế, du khách luôn bị thu hút bởi “kho” ẩm thực đồ sộ, khi sở hữu 1.300 món ăn trong tổng số khoảng 1.700 món ăn ở Việt Nam đã được ghi chép lại.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, từ kinh đô một thuở nay trở thành Cố đô, Huế đang thừa hưởng, lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa quý giá của dân tộc; trong đó có ẩm thực, được xem là di sản phong phú và là nền văn hóa ẩm thực tinh tế bậc nhất Việt Nam. Trước bối cảnh và xu hướng cạnh tranh của các điểm đến, Huế cần nhanh chóng có kế hoạch gìn giữ, phát huy tinh hoa ẩm thực đúng như giá trị vốn có, biến từ thương hiệu văn hóa thành một thương hiệu du lịch có vị thế, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách.

Ông Lê Hữu Minh phân tích, ẩm thực đang trở thành một lợi thế cạnh tranh và là nhân tố có tính quyết định trong quá trình xây dựng thương hiệu cho du lịch Huế. Nếu bản sắc riêng của ẩm thực Huế được khai thác triệt để sẽ tạo nên sự khác biệt và làm mới hình ảnh cho điểm đến, tạo nên cảm giác mới, lạ, riêng có của Huế. Tại một số nước trên thế giới, ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong quá trình thiết kế các chương trình phát triển và quảng bá du lịch. Đó được xem là công cụ hữu ích tạo nên sự phát triển cho điểm đến và giúp đáp ứng được những mong đợi của du khách. Do đó, phát triển ẩm thực để trở thành sản phẩm du lịch không thể chậm trễ hơn nữa đối với Huế.

Nhiều năm qua, luôn có những sự kiện, hoạt động để khẳng định lợi thế cạnh tranh của ẩm thực, nhất là trong các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế. Từ ẩm thực dân dã đến cao sang ở chốn cung đình luôn được Huế mời chào du khách. Giữa tháng 2/2019, gần 500 khách mời, bao gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, du lịch… đến tham dự Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” đã khen ngợi bởi những món ăn độc đáo, kiểu cách, trang trí công phu… tại đêm tiệc chiêu đãi do tỉnh ta tổ chức. Những món ăn mà theo các khách mời, họ chưa bao giờ được thưởng thức qua trong đời.

Phát biểu tại tiệc chiêu đãi, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, chủ đề của chương trình là “Huế – Kinh đô ẩm thực”, đây chính là lời khẳng định của Huế đến khách mời và du khách gần xa rằng Huế là kinh đô ẩm thực của Việt Nam và quyết tâm đưa thương hiệu ẩm thực Huế trở thành sản phẩm văn hóa của quốc gia.

Cầu kỳ trang trí

Số hóa tất cả món ăn

“Huế – Kinh đô ẩm thực” phải trở thành một quyết sách có hiệu lực với quan điểm phát triển đột phá, đáp ứng được những yêu cầu mới về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại và tương xứng với tiềm năng, khẳng định vị thế và sự đa dạng của ẩm thực Huế trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong khu vực.

Ông Lê Hữu Minh cho biết, để cụ thể hóa mục tiêu trên, vừa qua ngành du lịch ký kết hợp tác và Công ty CP Đại Nam – Thái Y Viện giúp Huế viết đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Đề án sẽ góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế; nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới. Việc thực hiện đề án cũng là cơ hội để ngành du lịch vận động, thu hút được cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp cùng tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Huế, thúc đẩy phát triển du lịch và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, xây dựng đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” sẽ định hình chiến lược xây dựng Huế trở thành thủ phủ, kinh đô ẩm thực, góp phần đưa Huế sẽ trở thành một điểm đến có lực hút mạnh từ các yếu tố văn hóa cốt lõi, khẳng định là điểm đến du lịch không thể thiếu của du khách khi đến Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Công ty CP Đại Nam – Thái Y Viện mong muốn, để Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực” không chỉ dừng lại câu chuyện Huế có cái gì, mà Huế phải là nơi hội tụ tinh hoa để xây dựng giá trị kết tinh và lan tỏa ẩm thực của Việt Nam.

Ngành du lịch cho biết, trong thời gian đến, khối lượng công việc để cụ thể hóa “Huế - Kinh đô ẩm thực” là rất lớn. Trước mắt, sẽ tập trung ưu tiên sưu tầm và số hóa tất cả các món ăn của Huế, sau đó biên soạn và in ấn; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực”; xây dựng chuỗi các nhà hàng, dịch vụ ẩm thực từ cung đình đến dân gian; xây dựng bảo tàng ẩm thực và đào tạo cho Huế đội ngũ đầu bếp chất lượng, giỏi tay nghề.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho hay, Huế muốn trở thành “Kinh đô ẩm thực” trước tiên phải cho thấy được sự độc đáo và khác biệt mà chưa nơi nào có được. Qua quá trình nghiên cứu, sự khác biệt của ẩm thực Huế là ở ẩm thực cung đình và chay, bởi thể hiện được tinh hoa và tính riêng của vùng đất Cố đô. Do đó, Huế cần tập trung khai thác hai lĩnh vực này, sau đó nhân rộng.

Ngày 10/12/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 2879/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương Đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Dự kiến trong quý III năm 2019, đề án được hoàn thành để phê duyệt triển khai.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng du lịch đường sông ở Huế phát triển vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tài nguyên hiện có. Thiếu dịch vụ, hạ tầng giao thông, thiếu liên kết trong phát triển du lịch đường sông là những trở lực khiến du lịch đường sông chưa thể bứt phá.

Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

TIN MỚI

Return to top