Làm “sang” cho món vả trộn
Những buổi học trở nên hấp dẫn bởi sự sáng tạo tinh tế của “cô giáo” Chisato. Ban đầu là món “Vả trộn-bánh tráng”. Một món ăn thôn quê vốn là đặc sản của làng cổ Phước Tích, được chế biến từ quả vả luộc thái nhỏ trộn lẫn với nhiều thứ gia vị như mè, tỏi, tiêu, muối, rau cho vị thơm... Sau khi chế biến, món vả trộn được ăn kèm với bánh tráng nướng giòn, cho một hương vị đậm đà, khó quên. Đây là món đặc sản ba năm qua đã được người dân Phước Tích giới thiệu với nhiều đoàn du khách đến tham quan làng cổ.
Nhưng lần này, với cách trình bày do chuyên gia Chisato Kogo hướng dẫn, món vả trộn Phước Tích bỗng trở nên sang trọng khác thường, dù nguyên liệu không có gì thay đổi. “Sau nhiều lần đến Phước Tích, tôi thấy ở đây có những sản vật địa phương như con cá ở sông Bồ, rau qủa trong vườn nhà có thể chế biến những món ăn độc đáo để phục vụ du khách. Ở làng cũng có một vài nghệ nhân có thể làm các loại mứt truyền thống, nặn các loại bánh hoa bằng tay nên rất thú vị. Cái quan trọng còn lại là hướng dẫn họ cách trình bày, cách tiếp khách như thế nào cho khéo. Ví dụ món vả trộn, phải xếp như thế nào để khách cảm thấy thú vị, cuốn hút”. Vừa giới thiệu, chuyên gia Chisato Kogo vừa cho chúng tôi xem món bánh lọc quen thuộc do các chị, các mẹ ở làng cổ tự tay làm lấy đã được bày biện khá tinh tế. Trong chiếc liễn tre trang nhã, những chiếc bánh lọc trắng ngần được tô điểm thêm dăm cọng đinh lăng toát lên sự lôi cuốn kỳ lạ.
Chị Kogo và chuyên gia gốm Yoshihiro thảo luận về mẫu gốm thử nghiệm
đầu tiên ở Phước Tích phục vụ ẩm thực. Ảnh: Kim Oanh
Ý tưởng mới cho làng gốm
Ngoài các món ăn, một số sản phẩm ẩm thực khác từ ý tưởng của chị Kogo đã hình thành. Như chiếc “chòi” ẩm thực bằng tre, lợp lá dừa vừa được cất lên trong một ngôi nhà vườn ở làng cổ. Phòng ăn đặc biệt này gồm một chiếc bàn tròn và ba chiếc ghế trang trí tao nhã, được phủ một chiếc màn trắng lạ mắt, vừa có tác dụng trang trí, vừa có thể chống muỗi. Trong không gian ẩm thực độc đáo này, thực khách có thể ngắm nhìn khu vườn, tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành và vẻ đẹp lãng mạn của những ngọn nến lung linh thắp sáng bàn ăn về đêm. “Chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng khoảng 3-4 nhà hàng như thế này mà trong đó, mỗi người dân làng cùng hợp tác làm ăn thông qua hội phụ nữ. Đó là điều quan trọng nhất”-Chị Kogo bày tỏ.
Chuyên gia ẩm thực Kogo còn giới thiệu với chúng tôi những chiếc đĩa ăn cá nhân xinh xắn hình lá vã, từ nguyên liệu tại Phước Tích, do chị tạo mẫu và được chuyên gia gốm Yoshihiro chế tác tại Nhật. Từ thử nghiệm này, chị Kogo đang cùng ông Yoshihiro thực hiện ý tưởng hỗ trợ người dân Phước Tích sản xuất các dụng cụ ẩm thực như bát, cốc, chén...ngay tại lò gốm của làng để sử dụng. “Không chỉ phục vụ du lịch như một đặc trưng riêng, người dân Phước Tích sẽ dùng các vật dụng gốm này để giúp nghề gốm phát triển, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống”-Chị Kogo chia sẻ về chương trình hỗ trợ người dân Phước Tích phát triển dịch vụ ẩm thực mà chị đang phụ trách với rất nhiều tâm huyết. Đây là một trong những hoạt động của Dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua du lịch di sản” do Tổ chức JICA và Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) thực hiện tại Phước Tích từ nay đến năm 2012.
Kim Oanh