Nhắc đến Huế nhiều người không chỉ nhớ đến những nhà vườn đẹp nổi tiếng mà còn nhớ ngay đến các món ngon của đất cố đô. Cùng với cơm hến và bún bò, nhiều món bánh - chè truyền thống từ lâu đã trở thành hồn cốt của văn hóa ẩm thực Huế, vừa thân thiết với người Huế, vừa làm say lòng du khách đến với cố đô thơ mộng, cổ kính.
BÁNH HUẾ
Bánh ướt thịt nướng Kim Long
Bánh ướt thịt nướng Kim Long không những ngon lành mà dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế, nó còn trở thành một món ăn hấp dẫn và đẹp mắt. Bánh ướt được làm bằng bột gạo có pha một lượng nhỏ bột lọc, được tráng mỏng. Thịt nướng thường là thịt lợn ba chỉ hoặc thịt bò thái mỏng, ướp tiêu, hành, nước mắm, vừng. Thịt ướp sau vài giờ thì đem nướng trên bếp than hoa cho tới khi đủ độ chín, dậy mùi thơm. Lấy thịt nướng kẹp với rau thơm, xà lách để làm nhân cuốn với bánh ướt. Bánh ướt thịt nướng ngon, hấp dẫn một phần là nhờ vào loại nước chấm được pha chế từ nước mắm nguyên chất, đường, chanh, tỏi, ớt... theo một tỷ lệ và bí quyết riêng.
Bánh khoái
Bánh khoái thuộc hàng đặc sản xứ Huế. Gần giống bánh xèo của miền Nam về nguyên liệu nhưng bánh khoái được người Huế nâng lên thành đỉnh cao nghệ thuật ẩm thực bởi quy trình đồ bánh rất công phu: khi thịt vừa chín vàng, gắp nhân tôm, thịt, nấm, giá đỗ… cho vào một nửa phần bánh, dùng đũa lật phần bánh còn lại thành hình bán nguyệt. Trở bánh cho vàng hai mặt có thể cho ra đĩa đến hơn 10 phút sau ăn vẫn giòn.
Món bánh khoái ngon còn nhờ vào nước lèo từ hàng chục nguyên liệu khác nhau. Đây cũng là điểm khác biệt giữa bánh khoái và bánh xèo. Từ bánh xèo dân dã, bánh khoái được nâng lên thành món ăn cung đình, vương phủ. Từ cung phủ, bánh khoái lan truyền trở ra dân gian, trở thành một món ăn đặc trưng và phổ biến của xứ Huế.
Bánh nậm
Đây là loại bánh làm bằng nguyên liệu nguyên chất từ bột gạo vừa thơm vừa mát được phết rất mỏng đúng điệu trên lá dong, rải lên trên là lớp nhân vàng gạch thơm lừng của thịt heo trộn với tôm bằm cùng chút hành lá. Khi ăn mở bánh nóng ra, trải lên đĩa, để nguyên lá gói. Mùi thơm mát của lá dong hòa quyện với chút nước mắm cay nồng tạo nên hương vị thơm ngon, mềm mượt, thanh tao của bánh nậm tưởng chừng như có thể tan chảy ra khi đặt vào miệng.
Bánh bột lọc
Nếu bánh nậm có màu trắng đục và mềm mượt thì bánh lọc lại dai dai, giòn giòn, trong suốt, nhìn thấu con tôm đỏ và một xíu thịt mỡ kho. Bánh được gói nhỏ nhắn, xinh xắn và cầu kỳ trong lá dong. Lột lá bánh xong, chấm bánh vào chén mắm ớt loãng đặc trưng xứ Huế rồi cho vào miệng cắn sực một cái, cảm giác giòn giòn ngon ngon, ăn hoài mà không thấy ngán.
Bánh ram ít
Là một món ăn dân gian được truyền vào cung đình Huế, đến nay bánh ram ít đã có mặt ở tất cả các hàng quà vặt của bất cứ con hẻm nào ở xứ Huế. Người Huế không dùng bánh ram ít trong bữa ăn chính hàng ngày, mà thường dùng bánh để ăn sáng hay là ăn vào buổi chiều.
Phải là những người khéo tay và tỉ mỉ mới có thể làm ra được những chiếc bánh vừa ngon vừa dẻo lại vừa bùi, vừa có vị thanh mát, nước chấm pha phải vừa miệng, không quá mặn hay quá ngọt, ăn kèm với ớt Huế cay đến xuýt xoa. Bánh ram ít có hai phần rõ ràng, phần bánh ram và phần bánh ít. Khác với bánh ít, bánh ram rất giòn. Nếu như khi làm bánh ít cần phải hấp lên để đảm bảo độ dẻo và màu trắng ngần của bánh, thì đến phần bánh ram người ta dùng loại vỏ bột nếp dẻo ấy trộn với khoai lang cho có vị ngọt và màu sắc đẹp tự nhiên, sau đó đem chiên.
Bánh ram ít được ăn kèm với bột tôm và nước chấm chua ngọt của người Huế nên có hương vị hết sức đặc biệt. Cái hấp dẫn nhất của bánh ram ít chính là sự kết hợp giữa vị giòn tan của bánh ram với vị thơm, dẻo rất đặc trưng của nếp từ bánh ít và vị ngọt thanh của nước mắm.
CHÈ HUẾ
Nếu bạn đến Huế vào ngày hè, giữa cái nắng cháy da, cháy thịt của miền Trung, hãy thử thưởng thức chè Huế như một cách giải nhiệt hiệu quả. Mỗi loại chè có một hương vị riêng, ngon bổ, tinh tế và cầu kỳ như chính con người nơi đây.
Chè khoai tím
Rất nhiều người tưởng nhầm đây là chè khoai môn của miền Bắc hoặc cho rằng chè có phẩm màu, bởi lẽ chẳng ai nghĩ lại có một loại khoai có màu tím sậm tự nhiên, mang nét đặc trưng của xứ Huế đến vậy. Chè khoai tím không chỉ có màu sắc tự nhiên bắt mắt mà còn có vị thơm và bùi. Do vậy không phải ngẫu nhiên mà chè khoai tím được chọn là một trong những sản vật cung tiến vua chúa xưa kia.
Chè chuối
Chuối sứ chín vàng đem ra bóc vỏ, đem nướng thơm nức trên than hoa cho đến khi chảy mật. Cắt từng miếng chuối nhỏ dải trên bát nước cốt dừa thơm ngậy cùng với những hạt trân châu trong vắt, nhỏ li ti, mới nhìn thôi đã cảm nhận được vị thơm mát, ngọt nhẹ của món chè nổi tiếng xứ Huế này.
Chè bột lọc
Được làm bằng nguyên liệu khá quen thuộc nhưng để có được một bát chè đặc sắc thì quả là khá cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo của người đầu bếp. Bột lọc, đường chưng, gừng, nho khô, dừa tươi, lá nếp được chọn lọc và kết hợp tinh tế với nhau làm nên một bát chè thật hấp dẫn với những viên bột lọc nhân dừa, nhân nho dẻo dẻo, dai dai thơm mùi gừng hòa cùng hạt é đã tạo cho món chè một phong cách riêng rất Huế.
Chè sen
Là loại chè thanh tao, được chế biến từ hạt sen hồ Tịnh Tâm. Chè sen nấu theo kiểu Huế được hấp chín, sau đó nấu chung với nước đường cát trắng hay đường phèn trong vắt cho đến khi sôi nhẹ. Vị ngọt của đường đủ thấm vào hột sen với vị thanh mát là bắc ra khỏi bếp. Để nồi chè ngon, người nấu phải túc trực bên nồi chè để lửa cháy vừa phải, tay khuấy thật nhẹ nhàng, thời gian cũng chỉ vừa đủ để hạt sen “không già không non”. Nấu già hột sen sẽ mất hương thơm tự nhiên. Nấu non, hương sen sẽ không tỏa ngát hương.
Theo Travellive