ClockThứ Sáu, 20/10/2017 10:21

Nhung nhớ cá dìa

TTH - Nhớ có lần một vị cao niên xa Huế vài mươi năm rủ rê: “Về Tam Giang – Cầu Hai ăn cá dìa với mình hí, mới đặt được mấy con…”.

Cá dìa hấp hành ăn ngậm mà nghe

Vùng biển Việt Nam có hai loại cá dìa thường thấy là cá dìa bông và cá dìa vân sọc. Cá dìa là loài di cư, cá cái đẻ ở vùng nước lợ, cá bột và cá con sống quanh quẩn ở vùng đầm phá cửa sông, khi trưởng thành chúng bơi ra biển và tìm các ghềnh đá, bãi san hô, quanh bờ đá của hải đảo để sinh sống. Thức ăn chính của cá dìa là rong tảo cho nên chúng còn được gọi là tảo ngư. Không giống như các loại cùng họ, chúng hoạt động và kiếm mồi vào ban đêm, lúc các cọng tảo cũng bắt đầu những giấc mơ trong sóng nước.

Cá dìa ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chủ yếu là dìa bông, là một đặc sản “trưởng thượng” trong các món hải sản của ẩm thực Huế. Cá ngon là nhờ hệ rong tảo ở đây rất phong phú, đa dạng và phì nhiêu. Đến mức, khi cá dìa lớn, chúng vẫn còn quanh quẩn ở trong đầm phá, không vội ra biển, như thể bị níu vi vây bởi các loài rong tảo bao giờ cũng hào phóng với chúng.

Phá Tam Giang - Cầu Hai thì dài, chảy qua nhiều làng xã, nhưng ngày xưa chỉ có cá dìa ở hai vùng Quảng Thái, An Truyền mới được tiến cung. Là bởi phía bắc Quảng Thái là hai con sông màu mỡ phù sa có tên Ô Lâu và sông Nịu. Cá dìa ở Quảng Thái cũng là giống đặc hữu, thân hoa nâu đen, hình như lá mít, các điểm lấm tấm trên thân có kích thước lớn hơn. Cá dìa ở vùng An Truyền ngon là bởi ở đó có đầm Sam mênh mông mọc rất nhiều rong tảo… Nhưng cá dìa đầm phá thơm ngon hơn cá dìa biển lại là chuyện khác nữa. Có lẽ là bởi hương vị rong tảo mọc lên được nuôi dưỡng từ phù sa nguồn sông, mùa này sang mùa khác đắp bồi.

Con cá dìa ngon thì đến cái vi cái vây cũng ngon. Nhưng mà người sành ăn thì khoái nhất là bộ lòng con cá dìa. Kể tiếp chuyện vị cao niên mời về ăn cá dìa. Hôm đó đứa cháu là sinh viên nơi khác về Huế học, lanh chanh làm cá dìa mà bỏ ruột. May mà vị cao niên lòng dạ nôn nao sao đó tự nhiên đi xuống bếp bắt gặp, ngay lập tức không cho làm nữa, kêu bà vợ xuống làm. Người vợ hiểu chồng tủm tỉm cười, nhớ lại: “Cũng năm trước, khi về có đứa làm cá dìa hắn vứt ruột cá của ông đi, lúc dọn lên không có ruột cá dìa ông ngồi ông… khóc…”.

Cá dìa làm được nhiều món ngon: nướng, hấp nấm, hấp mồng tơi, hấp bún tàu, kho nước, nấu cháo, hấp hành… Nhưng có vẻ món hấp hành là giữ được cái ngọt của cá, cái thơm lừng của ruột, như sở thích của vị cao niên sành ăn kia.

Cá dìa mua về có người không cần làm vây vi, là để cho đẹp con cá. Làm ruột cá nhớ chỉ vứt đoạn ruột già gần hậu môn, còn bộ lòng giữ nguyên, dùng dao khứa xiên thân cá. Tiêu hột rang thơm bỏ vào cối giã với hành hoa đập dập, cho thêm chút vị tinh rồi hòa thêm vài muỗng nước mắm ngon. Rưới nước mắm tiêu hành lên khắp mình cá, để riêng cho cá thấm, sắp lên trên vài trái ớt đỏ điểm xuyết. Lấy cái nồi lớn cho dĩa cá vào hấp cách thủy, khi cá vừa chín tới, cho ít đầu hành lá vào hấp thêm một lúc. Bày đĩa cá ra bàn, cho thêm ít hành ngò, vài lát ớt đỏ lên trên…

Món này phải nói là món “ăn ngậm mà nghe”. Cái thơm ngọt của cá, cái mặn mòi của nước mắm tiêu hành, chút cay của ớt khiến lòng thực khách say sưa. Trong cái mênh mông gió Tam Giang, cái hương vị cá dìa không hề bay đi mới lạ, nó vẫn thơm trên đĩa, thơm trong lòng, đeo mãi hàng bao nhiêu năm.

Người vợ vị thực khách cao niên kể, nhiều lần ông trở về kiếm con cá dìa sống trong đầm phá, hấp hành lên như thế này, chỉ ăn một bộ lòng rồi thôi, kiên quyết không phẻ thêm tí thịt cá nào. Chiều đó cũng vậy, ông cũng chỉ ăn bộ lòng cá rồi ngồi yên nhẹ nhàng đưa chuyện, khuôn mặt phúc hậu với chòm râu trắng như tạc thêm nhiều câu chuyện lạ lùng vào sông nước Tam Giang…

HẠ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
Hoàng hôn trên phá Tam Giang

Hoàng hôn trên phá Tam Giang có gì thú vị? Bạn đặt câu hỏi khi tôi nói rằng vừa mới rời khỏi phá Tam Giang và đã có dịp ngắm hoàng hôn ở đó. Tôi muốn nói với bạn thật nhiều điều nhưng lạ thay phút chốc tôi lại chẳng biết phải nói từ đâu, từ khoảnh khắc nào. Bởi, nếu ai từng đến phá Tam Giang, tận hưởng từng phút giây mới có thể hiểu được nỗi lòng.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang
Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang

Ngày 27/5, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” năm 2024 cho biết, lần đầu tiên địa phương tổ chức biểu diễn bộ môn dù lượn trên phá Tam Giang và trên các bãi biển địa phương để phục vụ người dân và du khách.

Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang
Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai

Không chỉ nổi tiếng với hệ thống đầm phá quan trọng và đẹp nổi tiếng Việt Nam, Tam Giang - Cầu Hai còn có tiềm năng phát triển du lịch. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, các làng quê nằm trải dài, lại sở hữu rất nhiều lễ hội dân gian vô cùng độc đáo..., các chuyên gia cho rằng sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, đưa vào các tour tuyến, trở thành điểm nhấn cho du lịch.

Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai
Trải nghiệm cung đường chạy bên phá Tam Giang

Giải chạy Half Marathon huyện Quảng Điền lần thứ I, năm 2023 (Quảng Điền Half Marathon) hứa hẹn mang đến cho các vận động viên (VĐV) được trải nghiệm những cung đường chạy giữa thiên nhiên bạt ngàn màu xanh của ruộng đồng và điệp trùng sóng nước Tam Giang.

Trải nghiệm cung đường chạy bên phá Tam Giang
Return to top