ClockThứ Năm, 29/09/2011 04:09

Quán bánh lọc hấp độc nhất ở Huế

TTH - Chẳng biết từ lúc nào có tên quán bánh lọc mụ Cai. Tiếng gọi “mụ” với âm trầm nặng gợi nhắc đến tên xưng thật cổ, ngày xưa ở Huế dùng gọi các bà cụ lớn tuổi. Từ cầu Trường Tiền qua bờ bắc sông Hương, ngang qua chợ Đông Ba, vượt cầu Gia Hội xuôi về phố cổ Chi Lăng, rồi thong thả đi quá chợ Dinh cổ xưa là đến quán bánh lọc mụ Cai, khoảng 10 phút đạp xe. Quán nằm trên vùng đất Bãi Dâu, ẩn mình dưới những rặng cây tươi tốt quanh năm hưởng gió mát từ sông Hương trong xanh. Lần theo ngõ nhỏ quanh quanh dẫn đến một nếp nhà nhỏ với vài chiếc bàn và ghế dài đặt dưới mái hiên. Quán mở năm 1961, cùng lúc với Trường tiểu học Phú Hậu bây giờ.

Nhà mệ giáp với đình làng An Quán, một trong những ngôi làng cổ ở Thừa Thiên Huế, chung khuôn viên với trường. Xưa nay quán chỉ làm duy nhất một món bánh lọc hấp. Đây là quán bánh lọc hấp độc nhất ở Huế từ trước đến nay. Bánh được làm từ bột lọc nhào khô trộn đều, bắt thành từng chiếc nhỏ bằng đồng hào, bọc nhuỵ tôm kho rim đã được cắt bỏ đầu và làm sạch ké. Bánh chỉ được hấp khi khách gọi. Bánh lọc hấp có thể để nhiều ngày, thậm chí hàng tháng trong tủ lạnh. Vì khi hấp, bánh hầu như không ngậm nước, hơn nữa tôm được làm sạch sẽ, kho rim khô thật kỹ. Có người ở tận thành phố HCM đặt mua đem vào dùng dần, mỗi khi ăn chỉ cần bỏ vào chảo, không đổ dầu vì bánh có ngấm sẵn một lớp dầu mỏng, đợi khi dầu sôi lăn tăn quanh vỏ bánh thì đảo là vừa.

 
Bánh được xếp lên mê tròn đan bằng tre. Từ lâu mệ vẫn mua những mê tre đó từ một ông cụ ở làng Dương Đại, một mê giá vài ngàn đồng. Những năm sau này không còn thấy ông cụ đi bán nữa, không biết người còn hay đã mất. Những mê tre cũ được dùng theo năm tháng cứ nâu bóng lên từ những giọt mồ hôi của bánh. Một mê sắp 100 cái, khách đông thì hấp một lần 2 mê, xếp vào nồi hấp, bếp lò đun bằng than cây. Hấp khoảng 5 phút thì chín, da bánh trở nên trong suốt để lộ con tôm đỏ bóng đến ngon lành. Bánh ăn kèm tương ớt, hành tím thái mỏng xào dầu khô giòn, chấm nước mắm ớt trái. Tương ớt làm từ nước mắm trộn ớt bột khử dầu, muốn có vị chua thì thêm ớt trái trộn đều để đến chín. Bánh xếp từng 10 cái mỗi dĩa, rãi hành lên, thêm tương ớt, chấm nước mắm ớt… Chu choa, lũ học trò chúng tôi cứ là mê tơi. Những buổi chiều sau giờ tan học, chúng bạn gom góp vài ngàn đồng bạc rủ nhau vào quán mệ, suy từ cái sự “từ tốn” là từ từ mà tốn (hao dần) để thong thả nhấm nháp từng cái bánh một. Ăn bánh lọc hấp không nên hấp tấp, phải nhấm nháp từng cái một, ăn vừa đủ mới thấy ngon, không nê bụng.
 
Ngày xưa, thầy cô giáo ở trường thường ghé xuống quán, dùng vài đồng bạc bánh, còn học trò nghèo chỉ từ 3 đến 5 hào, học trò giàu thì 1 đồng. Những học trò năm xưa, trở về thăm quê thăm trường, nghiêng mái đầu tóc hoa râm soi bóng trong lu nước bên thềm, bùi ngùi nhớ về một thuở hoa niên. Có những lứa học trò bao năm xa quê, trở lại thăm trường, ghé vào thăm mệ, tổ chức buổi họp mặt đồng niên bên mâm bánh lọc hấp cùng vợ chồng con cái đông vui. Cái tình của chủ nhà và khách cứ quyện vào nhau làm một.

Mệ vẫn dùng những mê tre cũ nâu bóng màu thời gian

 
Đến lứa học trò chúng tôi cũng thế, cái thời chưa có nhiều bánh Tàu bánh Tây với nhiều mẫu mã công nghiệp xanh đỏ tím vàng như bây giờ. Chỉ có những món quà quê mộc mạc đến nao lòng, mà thật lành không sợ có nhiều hoá chất độc hại như bây giờ.
 
Những buổi chiều trời còn rãi những vạt nắng vàng, đi trên con đường dọc bờ sông Hương, ghé vào quán mệ lại thấy những bóng áo trắng cụm đầu bên nhau. Lại thấy những cặp tình nhân ngày xưa học chung lớp nép mình bên nhau, yên lặng bên dĩa bánh âm ấm. Lại thấy bóng mệ lui cui bên bếp lửa mở nồi bánh hấp vừa chín tới nhạt nhoà hơi nước. Tưởng chừng còn văng vẳng bên tai tiếng đọc bài của một thời thơ trẻ cắp sách đến trường, để được học rằng quê hương ta có “rừng vàng biển bạc”. Niềm tin đó của chúng tôi không bao giờ thay đổi:
“Học đi em, học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta liền một dãi….”

Tấn Chính

Mê bánh vừa chín tới

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Thanh tao mứt vỏ thanh trà

Tôi nhớ lần đầu tiên mình thử món ăn này là vào Lễ hội Thanh trà Thủy Biều 2022, tôi đi giữa những gian hàng màu xanh óng ánh, lúc lại vàng ươm của loại trái cây đặc sản này. Khi ra về, tôi chọn cho mình một túi mứt vỏ thanh trà nho nhỏ. Cho đến giờ, hương vị của thức quà mộc mạc ấy vẫn còn vương mãi.

Thanh tao mứt vỏ thanh trà
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Lan tỏa ẩm thực Huế

Hình ảnh, hương vị đặc sắc của những món ngon đặc trưng của từng địa phương do các hội viên phụ nữ (HVPN) mang đến những hội thi, hay những cửa hàng bán đồ ăn do hội viên làm chủ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở hội tích cực giới thiệu, quảng bá, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế đi muôn nơi.

Lan tỏa ẩm thực Huế
Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

Ẩm thực Huế đang dần khẳng định vị thế trong lòng du khách trong, ngoài nước và mới đây, UBND TP. Huế đã lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế
Return to top