ClockChủ Nhật, 07/04/2019 12:06

Quên đường về với mắm cá thia

TTH - Cũng do “có mà đầy” nên khi ăn không hết, bà con Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) lại nghĩ cách làm mắm cá thia, vừa không lãng phí lại vừa giúp “kho tàng” về mắm của xứ Huế càng thêm phong phú.

Gỏi cá trích, món ngon mùa này

Mắm cá thia ăn với sung - món mới trong kho tàng mắm Huế

Đâu không biết chứ ở Huế, cá thia được chia thành 2 loại: thia đá và thia tho. Với lũ trẻ ngày ấy, dù không ăn được (hoặc chẳng ai ăn) nhưng những chú thia đá bằng ngón tay cái vô cùng hiếu chiến luôn được ưu ái, cưng nựng trong những lần đi câu, tát ao, lội hồ, bởi khi thả vào chậu, thia đá là tác nhân chính cho thú vui giữa trưa hè của những mái đầu khen khét nắng.

Còn thia tho, câu được, lưới được thì tốt, không cũng chẳng sao, dù rằng những chú cá có khi to bằng ba ngón tay người lớn có thể giúp mâm cơm đạm bạc thêm chút chất tanh, chất đạm, bởi, cái ngai ngái bùn, ngai ngái mốc của thia tho (vì thế, thia tho còn có tên là thia mốc) không làm người ăn mấy hào hứng. Và khi mà đồng ruộng, sông hồ vẫn còn những chú lóc, chú trê, hay bầy cá rô, cá lác dai, ngọt thì nồi cá thia kho nước hay dĩa thia hấp chấm mắm gừng dần đi vào quên lãng.

Vậy mà hôm rồi về Thủy Thanh, bên gốc cây sát chân cầu ngói Thanh Toàn, sau một trận bình luận về rô, trê, ốc, ếch – những đặc sản của đồng ruộng Thủy Thanh, của dòng Như Ý hiền hòa, Lê Nguyên Sửu – một nông dân chính hiệu đang “lăm le” khởi nghiệp bằng mấy trăm con vịt trời cùng dịch vụ du lịch cộng đồng – bất chợt cao giọng: “Anh ăn mắm cá thia chưa. Đặc sản… chưa quảng bá của Thủy Thanh nhé”.

Không đợi người đối diện trả lời, sau một cú điện thoại, Sửu nhanh chóng rời ghế để rồi xuất hiện với chùm trái sung còn vương mủ trắng, miếng thịt ba chỉ tươi rói, vài quả ớt đỏ cùng nhúm rau thơm xanh ngắt đặt trong chiếc rổ tre nâu bóng màu thời gian. Lui hui rửa, luộc thịt, tranh thủ chờ nước sôi, Sửu nói cá thia thì mô cũng có, mà Thủy Thanh càng nhiều. Sáng, trưa hay chiều chi cũng được, cứ ra sông buông câu một chút kiểu chi cũng có. Còn muốn “ăn sỉ” thì lưới đó, chài đó, quăng thả một chút thì có mà đầy.

Vì có mùi mốc nên thia tho bắt về, sau khi cắt vây, bỏ ruột, bỏ đầu, người chế biến cho cá vào rổ tre, thả vào nhúm muối chà cho tróc vảy, bay mùi mốc, sau đó rửa sạch, cắt từng khúc chừng ngón tay cái người lớn đem ngâm nước muối. Trong thời điểm chờ vị mặn của muối thấm vào khúc cá, giúp thịt cá “chín”, săn, lâu hư, hỗn hợp những riềng, tỏi, ớt, măng vòi xắt nhỏ cùng ít xôi dẻo thơm mùi đồng ruộng cũng đã sẵn sàng.

Cá sau khi ngâm nước muối, vớt ra, để ráo, trộn đều với riềng, tỏi, ớt, măng vòi cùng xôi (xôi thay cho thính gạo, lên men giúp cá chuyển thành mắm). Tất cả cho vào thẩu, bên trên đậy lá chuối, sau đó gài chặt bằng nẹp tre, để chừng 10 ngày là dùng được.

Câu chuyện về cách làm mắm cá thia vãn cũng là khi miếng thịt ba chỉ trên bếp chín tới. Lăng xăng một hồi với nước lạnh và chanh để miếng thịt heo trắng, giòn, ngọt, Sửu quay qua giã ít tỏi, đường, ớt rồi cẩn thận trộn đều với gắp mắm cá thia thơm mùi thính gạo, nồng vị riềng lẫn cùng những miếng ớt đỏ, măng vòi đang quấn quýt chờ người thưởng thức.

Gắp miếng thịt cùng lát mắm, cọng rau thơm, với tay ngắt trái sung rồi tất cả bỏ vào miệng nhai rau ráu, Sửu quay qua nói mắm các loại ăn kèm với vả, chuối chát, khế chua, rau sống, còn mắm cá thia Thủy Thanh, anh thử đổi vị với sung coi ra răng, biết mô ăn là quên đường về…

Trước khi chia tay, Sửu nói ở Thủy Thanh có vài ba hộ làm mắm cá thia, nhưng hầu như chỉ để ăn, biếu bà con, họa hoằn lắm mới bán một vài thẩu cho những người biết mà tìm mua. Hình như bà con chưa đủ tự tin, cũng như chưa nghĩ món này có thể xuất hiện trên thị trường cùng với mắm cá rò, cá cơm, tôm chua… để phát triển quy mô, xây dựng thương hiệu.

Bài, ảnh: LÊ TRANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top