Mát ngọt canh chua cá lóc “đọt đợi”
Đã lâu lắm chưa được ăn lại canh chua cá lóc nấu với đọt đợi muối dưa, chiều nay cô hàng xóm sang chơi còn đem cho một “vắt” đọt đợi thơm lừng. Vợ tôi nấu canh chua, cả nhà ăn xong mà tấm tắc mãi. Nhìn ngoài bụi tre cạnh bờ ao, cứ nghĩ đã bao lâu rồi tôi quên loài cây "đọt đợi".
Không biết cái tên quê mùa ấy có từ bao giờ và ai gán cho loài cây độc đáo ấy. "Đọt đợi" ưa mọc ở nơi ẩm ướt như bờ tre, hàng hóp và nhất là bờ ao, bờ rào, chúng đẻ con sinh cháu hàng đàn, sinh sôi mà chẳng lo âu. Thân "đọt đợi" có màu tím, lá to bằng lá cây khoai môn nhưng lại chia nhiều mảnh như tàu chuối rách trước gió, thân cây xốp, bên ngoài đầy gai nhọn, nếu vô tình để nhựa cây dính vào người thì ôi thôi ngứa như ăn nưa.
Phần hấp dẫn nhất của "đọt đợi" trong mắt lũ trẻ con chiều chiều lủi bụi hái măng vòi, hái rau rớn là những thân non "đọt đợi" tim tím, lá chưa kịp bung hết mà còn cuốn mình như một phong thư tình đầu e ấp, đầu lá đâm lên nhọn hoắt - một phần thưởng lớn cho việc bỏ công lội xuống bùn. Những thân đọt đợi non ấy có một mùi thơm khó tả như mùi của hoa sen, hoa súng...
"Đọt đợi" non đem về, xắt ra đem phơi khô một nắng cho héo, rồi làm muối dưa. Chỉ ít ngày sau, trong hũ sành của mẹ thơm lừng không kém gì dưa cải, dưa môn, vẫn một màu tím ấy nhưng làm chộn rộn khó tả. Canh cá nấu dưa đọt đợi, thêm chút hành ngò thì mấy cơm cũng hết, những miếng dưa ấy vừa béo ngậy vị của dầu ăn vừa bùi bùi của cây cỏ. "Đọt đợi" hết bỏ muối dưa thì đem phơi khô, đóng trong bao kín để dành mùa lụt ăn “đưa cơm”. Những ngày mưa gió, đem nắm "đọt đợi" phơi khô ấy, ngâm với nước, thêm ba lát thịt mỡ hoặc không thì chỉ cần xào qua ít mỡ, rắc tiêu, ớt... lên cũng đủ hết mấy lon gạo rồi!
Vợ tôi người miền trung du, chưa biết cây "đọt đợi" nhưng ăn rồi cứ xuýt xoa. Còn tôi đã vô tình quên đi một loài cây gắn bó với mình thuở bồng em hông phải, tay trái xung phong hái củi, bẻ rau. Mười năm trời loài cây ấy vẫn đợi người xưa nhớ lại...
Bài, ảnh: HOÀI NHÂN