ClockThứ Năm, 11/08/2011 04:55

Về Huế, ăn chè hột sen bọc nhãn lồng

TTH - Chè sen bọc nhãn lồng xứ Huế đã nổi tiếng gần xa, đã đi vào nhiều trang văn thơ. Những ai xa quê thì nhớ vô cùng, những ai chưa biết Huế thì mong có ngày về Huế vào đúng mùa sen, mùa nhãn để được ăn chén chè hạt sen thơm lừng, vị ngọt thanh tao, đã ăn rồi là nhớ mãi, không thể nào quên.

Tháng sáu âm lịch là mùa sen tươi ở Huế, lại thêm có nhãn lồng. Ở miền Nam cũng có hột sen nhưng tại sao chỉ có món chè hột sen ở Huế là nổi tiếng. Có lẽ đó là nhờ vào Huế có hồ Tịnh Tâm trồng sen cho hột thơm ngát. Sen hồ Tịnh nổi tiếng cũng từ đây mà ra.

Chè hột sen bọc nhãn lồng là món ăn khá phổ biến của Huế nhưng dựa vào việc bày biện mà gần như trở thành đẳng cấp khác nhau. Những gia đình quý tộc, khi ăn chè hột sen bọc nhãn lồng thường dùng những chiếc chén quý, vua chúa thì có chén bịt vàng, quan lại thì có chén bịt bạc hay chén cổ… Chính vì thế món chè hột sen bọc nhãn lồng càng trở nên có giá trị vô cùng. Với những gia đình người Huế thì khi nấu chè hột sen bọc nhãn lồng, người Huế luôn lựa những kiểu chén đẹp nhất mà gia đình mình có để múc chè hột sen. Cái quý không chỉ vì chè hột sen ăn bổ, mát mà còn quý vì cách nấu chè hột sen bọc nhãn lồng ở Huế đầy công kỹ.
 
Mạ tôi năm nay đã ngoài tám mươi tuổi nhưng bà vẫn còn nhớ như in cách nấu chè hột sen bọc nhãn lồng. Mạ nói, phần nguyên liệu cần phải cẩn trọng, phải là hột sen hồ Tịnh và nhãn lồng của Huế nấu chén chè mới ngon. Tại sao cái gì cũng phải là của Huế nấu mới ngon. Mạ có quá yêu Huế không đó, mạ ơi. Mạ tôi đã trả lời tỉnh bơ rằng sen hồ Tịnh hột nhỏ, nấu chín vừa bở vừa thơm vừa bùi. Nhãn lồng của Huế có đặc biệt là cơm (cùi) khô, vừa giòn vừa thơm. Hột sen nhỏ dễ lồng vào trong cùi nhãn. Cơm nhãn giòn sẽ tạo được độ “săn” khi ăn hột sen. Bây giờ ở Huế, hột sen có nhiều xuất xứ, có loại sen biển, hột to nấu cũng bở nhưng ít thơm, nhãn tươi nhập từ miền Nam về cũng khó nấu chè bởi lẽ cơm nhãn ướt, mềm, hạt nhãn to khó lấy hạt mà khi lồng hột sen vào rồi ăn cũng không ngon vì không có độ “săn, giòn” của cơm nhãn.
 
Khi nói về những món ăn truyền thống của Huế, Tiến sĩ triết học Thái Kim Lan nói rằng, đằng sau một món ăn Huế là hình bóng của hàng vạn bà mẹ, bà mợ, bà dì… đó chính là sự kế thừa kinh nghiệm. Như hôm nay đây, khi nói về món chè hột sen bọc nhãn lồng của Huế xưa, nếu không có mạ giải thích cặn kẽ như trên thì tôi dù có nấu được nồi chè hạt sen bọc nhãn lồng thì hương vị Huế xưa cũng “phai nhạt mấy lần”…
 
Tiến sĩ Thái Kim Lan khi nghiên cứu về ẩm thực Huế đã rút ra được một ý rằng “ người phụ nữ Huế nấu ăn ngon vì… thương mà nấu”: “Thương chồng nấu cháo le le. Nấu canh bông lý, nấu chè hột sen”. Đối với món chè hột sen bọc nhãn lồng thì câu này quá đúng. Bởi lẽ vì thương, vì nghĩ đến người ăn nên người phụ nữ Huế không nề hà mệt nhọc, công kỹ từ đoạn chọn mua hột sen, chọn mua cho được nhãn lồng vùng Thành Nội, rồi mua cho được đường phèn để nấu. Giai đoạn chế biến là cả một quá trình tỉ mẩn. Hạt sen tươi bóc vỏ, lấy cho hết phần tim sen để khỏi bị đắng. Sau đó đem hột sen hấp chín. Nhãn lồng lột vỏ, dùng dao nhíp (loại dao có mũi nhọn của các mệ ngày xưa thường dùng để bổ cau ăn trầu) khéo léo tách lấy hạt làm sao cho cơm nhãn không bị tách làm đôi, có như thế khi bỏ hột sen vào mới đẹp. Cứ nghĩ đến chuyện phải tách cả trăm quả nhãn như vậy, người không kiên nhẫn, nóng nảy chỉ muốn vừa bóc nhãn… vừa ăn cho nhanh mà thôi. Nhưng chưa phải đã xong, để có chén chè hột sen bọc nhãn lồng nước trong, cơm nhãn vẫn giữ được độ giòn, việc nấu đường phèn cũng có kỹ thuật, phải nấu đường phèn với lửa nhỏ, khi đường tan cho hột sen đã bọc nhãn lồng vào, lại canh lửa nhỏ để hạt sen thấm đường… Một chén chè hột sen bọc nhãn lồng chỉ độ mươi hột, chè được múc trong những chén kiểu đẹp, màu nước chè trong, những hạt sen bọc nhãn như những quả nhãn nhân vàng, nằm thật hiền lành bên nhau. Nhìn chén chè mà như thấy cả tấm lòng của người nấu, mà như thấy được cả một bề dày nghệ thuật nấu ăn của người phụ nữ Huế.
 
Một chén chè hột sen bọc nhãn lồng, không phải dễ mà bạn có cơ hội nếm thử. Bởi lẽ món chè này nhiều công nên chỉ ở các gia đình quý phái mới nấu. Hy vọng bạn sẽ có dịp may được thưởng thức món chè hột sen bọc nhãn lồng ở Huế trong một khu nhà vườn Kim Long dậy tiếng ve ngân dưới gốc nhãn già nào đó.
 
Nguyên Khoa
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Lan tỏa ẩm thực Huế

Hình ảnh, hương vị đặc sắc của những món ngon đặc trưng của từng địa phương do các hội viên phụ nữ (HVPN) mang đến những hội thi, hay những cửa hàng bán đồ ăn do hội viên làm chủ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở hội tích cực giới thiệu, quảng bá, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế đi muôn nơi.

Lan tỏa ẩm thực Huế
Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

Ẩm thực Huế đang dần khẳng định vị thế trong lòng du khách trong, ngoài nước và mới đây, UBND TP. Huế đã lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế
Ẩm thực Huế và triển vọng đến UCCN

Huế có nhiều lĩnh vực nổi bật để tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Điều này không chỉ quảng bá được bản sắc văn hóa địa phương ra với thế giới mà còn cơ hội để thu hút du khách, nhà đầu tư đến với Huế. Tuy nhiên, việc lựa chọn lĩnh vực nào để làm nổi bật lên sự đặc trưng, riêng biệt của Huế khi tham gia UCCN là chuyện cần tính toán kỹ lưỡng.

Ẩm thực Huế và triển vọng đến UCCN

TIN MỚI

Đơn vị cung cấp Công Nghệ Thiên Nhiên Từ Trà Việt uy tínĐơn vị cung cấp Đẳng Cấp Đích Thực Với Trà Việt uy tín
Return to top