ClockThứ Năm, 08/07/2010 17:13

Lên Huyền Không Sơn, trải lòng mình ra với thiên nhiên

TTH - Chùa Huyền Không Sơn Thượng tọa lạc ở thôn Nham Biều, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, thuộc hệ phái Nam Tông.
Chùa Huyền Không
 
Chùa cũ được các sư Viên Minh, Tịnh Pháp, Trí Thâm, Tấn Căn dựng bằng tre nứa vào năm 1973 ở phía Bắc đèo Hải Vân, thuộc xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc. Năm 1978, chùa được sư Giới Đức cho chuyển về vị trí hiện nay, cách chùa Thiên Mụ gần 3 km về phía Tây.

Nếu đã đặt chân lên Cố đô Huế, đừng bỏ phí cơ hội trở về Huyền Không Sơn Thượng, để hoà mình vào với thế giới tâm linh huyền bí. Từ bờ Nam sông Hương, bạn vòng qua cầu Tràng Tiền, dọc theo con đường rợp bóng phượng vĩ ngược lên vùng ngoại ô Kim Long, đi ngang chùa Thiên Mụ, men theo con đường đất đẹp như tranh vẽ sẽ tới được núi Chằm, nơi toạ lạc của chùa Huyền Không Sơn Thượng.

Dưới chân núi cao hơn 300 m so với mực nước biển, là cả một rừng thông bạt ngàn. Trung tâm sơn lũng mở ra “Tả thanh long” là một triền đồi thoai thoải, “Hữu bạch hổ” là một dãy núi cao liền với khối núi mẹ cây cối mọc um tùm. Hướng Tây Nam có một mỏm núi với cây cổ thụ mọc cheo leo trên đá gọi là “Độc thụ sơn”. Vẻ đẹp hoang sơ đến mê hồn của ngôi chùa sẽ tạo cho bản cảm giác thân thuộc mà bí ẩn.

Không gian tự nhiên, cộng bàn tay con người chăm chút, tạo dáng nên ẩn trong sự hoang dã từ cổng chùa đến khuôn viên. Nơi đây, nhiều loài hoa và thảo mộc quý được các nhà sư đưa về trồng trong vườn chùa tỏa hương thơm phảng phất xa gần. Những khu vườn xanh ngắt với những cảnh quan kỳ ảo, đẹp như trong chuyện cổ tích. Một cây cầu gỗ bắc qua dòng suối nhỏ nở đầy bông súng tím ngát đưa khách bước vào Thanh tâm viên, sân trước toà Phật điện.

Những giò hoa phong lan quý hiếm lơ lửng, được chọn trong 500 giò lan quý nuôi trồng ở vườn dưới sân chùa, thay đổi mỗi ngày, với đủ sắc màu rực rỡ, đua sắc, khoe hương. Những cây sứ, thiên tuế, tùng, bách… cổ thụ hàng trăm năm tuổi, điềm đạm xòe những tán lá rậm rạp, ung dung che chở nắng gió cho những khoảng sân và lối đi lát gạch bát tràng màu nâu đỏ, tạo vẻ đẹp tao nhã mà sang trọng. Đó đây, dưới bóng những cây tre ngà lao xao hay trong khu rừng trúc um tùm là những bộ bàn ghế giả gỗ để khách ngồi nghỉ, tận hưởng sự yên ả thanh bình nơi cửa Phật.

Chính điện là ngôi nhà nhỏ, giản dị, mái thấp và đơn sơ vách gió lùa. Tượng Phật đặt chính giữa gian mà có cảm giác lộ thiên, như hòa thân bất hoại vào vũ trụ, tỏa tinh thần hỷ xả tới mọi tâm linh, để ngay sau khi dâng hương làm lễ, ta đã có cảm giác thân thuộc với từng góc nhà, từng gốc trúc trong sân chùa.

Yên Hà Các nằm bên phải Phật điện, với những đường nét kiến trúc uyển chuyển, được dùng làm nơi đón khách. Mái ngói, cột trụ, nội thất đều có màu cánh gián của phong cách Nhật Bản, giản dị nhưng sang trọng. Bộ bàn ghế thấp, bình trà nghi ngút hơi và những cái chén nhỏ sạch sẽ, tạo nên một không gian giản dị mà đầm ấm. Bạn chợt cảm thấy như mình vừa trở về nhà sau một chặng đường dài.
 

Hòa nhập vào thiên nhiên, đất trời
 
Băng qua khu vườn trúc, bạn đến am Mây Tía, là nơi những người yêu thích văn chương thi phú tìm đến để đàm đạo, bình thơ, ngắm gió trăng mây núi, là nơi các nhà thư pháp tập họp để luyện bút, phô chữ. Có lẽ vì thế, thư pháp hiện diện khắp nơi, khắc trên đá trong vườn, chạm trên gỗ, trang trọng treo trên tường, ghi trên cột cổng tam quan…

Đó là những lời Phật dạy, những điều hay lẽ phải răn đời và răn người, là những cảm xúc bất chợt của các cây bút, là những bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng. Nơi đây, dưới gốc cây cổ thụ là bức tượng đá nổi tiếng do cố điêu khắc gia Điềm Phùng Thị tạc, gửi tặng chùa một dáng ưu tư của thiền sư trong bóng núi mây ngàn.

Lên Huyền Không Sơn Thượng, giữa đất trời bao la, được trải lòng mình ra với thiên nhiên, để một phút sống thật với chính mình… là những cảm xúc không dễ gì bạn bắt gặp nơi ồn ào, náo nhiệt của chốn thị thành…
 
Đình Duy (gt)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top