Thứ Năm, 10/03/2011 04:47
(GMT+7)
Đến Phú Diên, khám phá văn hóa Chămpa
TTH - Nằm trên dải cát ven biển thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tháp Chămpa được phát hiện, khai quật vào năm 2001 sau nhiều thế kỷ bị vùi lấp trong cát. Đây là một trong những kiến trúc độc đáo của dân tộc Chămpa, là di tích có giá trị lớn về khoa học, lịch sử, văn hóa và du lịch.
Tháp Chămpa
Đến Phú Diên, men theo con đường cát dẫn ra biển, khu di tích tháp Chămpa Phú Diên hiện ra với tòa tháp cổ rêu phong, trầm mặc được bao bọc cẩn thận bởi một nhà kính khung sắt, gợi mở nhiều điều về nền văn hóa của dân tộc Chăm. Tháp nằm lọt thỏm, cách mặt đất khoảng 10m, có hình đồ kiến trúc hình chữ nhật hướng Đông - Tây. Mặt bằng lớp dưới cùng của tháp dài 8,22m, rộng 7,12m, càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần với các phần khác nhau: móng, chân tháp, thân và diềm mái…
Theo kết quả nghiên cứu, tháp Chămpa Phú Diên thuộc nhóm tháp lùn trong nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Đây là nhóm tháp khởi đầu của kiến trúc tôn giáo Chămpa trước khi chuyển sang xây dựng bằng vật liệu có tính bền vững. Với niên đại thuộc thế kỷ thứ VIII, cụm kiến trúc tháp Chămpa xã Phú Diên được coi là có niên đại sớm nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Chămpa hiện nay. Đó là dấu nối quan trọng chứng minh cho sự xuyên suốt, phát triển có hệ thống trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chămpa – một nền văn hóa phát triển rực rỡ.
Học sinh xã Phú Diên và Phú Hải tham quan di tích
Nằm trên địa bàn được coi là vùng đất cổ của cư dân Chămpa, cụm kiến trúc tháp Chămpa Phú Diên đã cung cấp thêm những hiểu biết khác nhau như vật liệu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật trang trí kiến trúc... Đây là điểm đến thú vị cho du khách, đặc biệt là những ai quan tâm đến văn hóa, lịch sử Chămpa. Đến đây, du khách sẽ hiểu thêm sự độc đáo của tháp cổ và càng mến phục bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, nhất là những đường nét của kỹ thuật chạm khắc trên gạch của người Chăm xưa.
Trang Hiền