|
Vọng Cảnh là điểm ngắm sông Hương tuyệt đẹp. |
Gặp lại ngọn đồi trẻ thơ, cu cậu có vẻ rất ngạc nhiên bởi sự đổi thay đến không tưởng nơi đây. Từ một nơi hoang vắng, ít bóng người và chao chát nắng. Nay Vọng Cảnh rợp mát bóng thông, lại thêm lối đi, ghế đá, thảm hoa quá đỗi thơ mộng. Và thay cho cái cảnh vắng lặng năm nào, Vọng Cảnh bây giờ quá đỗi đông vui, không chỉ có dân Huế mà còn đông đảo du khách đến từ mọi miền, tây có, ta có. Nhóm thì say sưa chớp ảnh, nhóm lại quây quần chuyện trò, ca hát, nhóm lại nhâm nhi tách cà phê bên những chiếc bàn nhỏ xinh được bài trí dưới những gốc thông…Một không gian thơ mộng nhưng cực kỳ tươi vui, cực kỳ sinh động.
Nằm ở phía tây nam thành phố, Vọng Cảnh chỉ là ngọn đồi cao chưa tới 50m nhưng lại được rất nhiều người biết đến bởi đây là điểm ngắm cảnh tuyệt đẹp của Huế. Đặc biệt, view sông Hương nhìn từ đây có lẽ là đẹp nhất, thơ nhất mà không vị trí nào có thể đối sánh. Vọng Cảnh còn được xem là ngọn đồi thiêng bởi tọa lạc giữa một vùng lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Hiếu Đông (của vợ vua Minh Mạng), Xương Thọ (của bà Từ Dụ, vợ vua Thiệu Trị), lăng Hoàng tử Cảnh…
Mé tây bắc chân đồi có nhà máy nước Vạn Niên tuổi đời hơn trăm năm. Đây là một trong những công trình công nghiệp đầu tiên gắn với lịch sử hình thành và phát triển đô thị Huế. Tuy là công trình công nghiệp, nhưng nhà máy được thiết kế, xây dựng trông như kiến trúc của một ngôi cổ tự, cho thấy những người xây dựng nó đã nâng niu, tôn trọng cảnh quan của sông Hương, của Huế đến chừng nào.
|
Nhà máy nước Vạn Niên |
Không biết xa xưa thì sao, nhưng khoảng cuối những năm 1980, khi lần đầu tiên đặt chân đến đây thì bản thân Vọng Cảnh gần như là một ngọn đồi trọc. Cây cối chủ yếu chỉ là những bụi sim, mua, mấy chiếc lô cốt cũ từ thời chiến tranh còn lại và rải rác một số ngôi mộ của bá tánh. Điểm ngắm cảnh thì tuyệt đẹp nhưng bản thân ngọn đồi thì khiến khách thăm hơi cám cảnh. Thế rồi cách đây hơn hai chục năm, chính xác là vào năm 2001, thành phố Huế đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Công viên cây xanh (CVCX) triển khai trồng thông cho ngọn đồi. Mừng, nhưng thú thực là trong lòng tôi không mấy kỳ vọng. Bởi lẽ, cách Vọng Cảnh không xa là ngọn Ngự Bình nổi tiếng. Sau ngày hòa bình thống nhất, ngọn núi này đã được cho triển khai phục hồi rừng thông từ rất sớm. Nhưng rồi mãi gần ba chục năm, cho đến lúc đó, rừng thông cảnh quan Ngự Bình vẫn đang phát triển rất nhọc nhằn...
|
Vọng Cảnh nay đã rợp mát bóng thông. |
Vậy nhưng thật bất ngờ, thông Vọng Cảnh sau khi trồng xuống đã có tỉ lệ sống rất cao, rồi bám rễ vươn chồi, tỏa tán “phà phà” thật sướng mắt. Sau hai chục năm tạo dựng, chăm sóc, bảo vệ, nay thì cả ngọn đồi Vọng Cảnh đã rợp mát bóng thông. Thêm quyết định đầu tư, tôn tạo của thành phố, Vọng Cảnh đã trở thành một điểm đến tuyệt đẹp, một điểm xanh làm mê đắm lòng người.
|
Trung tâm CVCX đã phải vất vả không chỉ trong trồng, chăm sóc mà cả bảo vệ rừng thông Vọng Cảnh không bị xâm hại do những người vô ý thức (Trong ảnh: rừng thông Vọng Cảnh từng bị cháy vào năm 2012) |
Có lần ngồi chơi với ông Phan Đình Ngôn, nguyên Giám đốc Trung tâm CVCX Huế. Nói về thông ở Vọng Cảnh, ông tiết lộ cho chúng tôi về mẹo trồng thông tỉ lệ sống nhiều và cây chóng lớn. Ông Ngôn kể, sau khi đơn vị ông được giao nhiệm vụ triển khai trồng thông cho đồi Vọng Cảnh, ông suy nghĩ rồi cho anh em tìm mua thông con mọc hoang ở các khu rẫy của nhà dân. Ấy là những cây thông do hạt phát tán tự nhiên mà tự mọc. Thông mọc tự nhiên nên là những cây thông có sức chống chịu mạnh, cây lớn, và chắc chắn là giá sẽ rẻ, bởi người dân chẳng tốn công gieo trồng chăm bón, lại có khi còn mất công cuốc bỏ do chiếm chỗ của hoa màu. Trong một lần theo anh em đi tìm thông giống như vậy, bất ngờ ông Ngôn gặp một ông lão người bản địa. Ông lão hỏi:
-Mấy đứa bây mua thông ni để mần chi?
- Dạ, để trồng ạ?
-Rứa tụi bây tính trồng cách răng?
- Dạ, đánh bầu, đào lỗ, lót phân tro, cho cây xuống và tưới tắm cẩn thận, ôn!
Nghe thế ông lão cười cười: Bây trồng rứa cả đời không sống, mà có sống cũng không lên. Để tau vẻ cho mà trồng nì…
Té ra theo kinh nghiệm dân gian, khi trồng thông non, làm chi thì làm cũng phải có chút mùn thông (lá thông mủn mục) lót ở dưới hố trồng. Không có món ấy thì thông sẽ rất khó sống, mà có sống cũng không phát triển được. Việc ấy không quá khó. Vậy là ông Ngôn hò hét anh em tuân thủ cái mẹo được ông lão bày vẻ mà làm. Kết quả thật ngoài sức mong đợi. Tỷ lệ thông sau khi trồng sống rất cao, “trồng 10 cây thì sống gần như một chục”. Thông sau khi trồng chừng 5 năm thì vươn cành “thắp nến” đều rí, và nay thì như mọi người thấy, đã trở thành một cánh rừng cảnh quan đẹp tuyệt vời.
|
Khách thăm vẫn lên với Vọng Cảnh dù trời đã vào trưa. |
|
Du khách quốc tế đến với Vọng Cảnh. |
… Sau gần 2 tiếng đồng hồ lang thang chiêm ngắm và chụp ảnh thỏa thuê, nhìn đồng hồ đã gần 11h, cha con tôi kéo nhau ra về để còn ăn trưa cùng cả nhà. Thật bất ngờ, trên đường ra lại gặp “bầu đoàn thể tử” gia đình người bạn cùng lớp thời phổ thông lên chơi Vọng Cảnh, trong đó có cả người cha của bạn. Ông cụ bằng tuổi ba tôi, năm nay đã ngoài 85 mà vẫn hăm hở theo chân con cháu. Nhìn cụ, bỗng thấy sống mũi cay cay. Ôi, Vọng Cảnh của Huế tôi…