ClockThứ Năm, 01/08/2013 11:01

Ngước nhìn Hải Vân Quan

TTH - Xe chạy vào hầm đường bộ, bất chợt ai đó buột miệng: “Ước chi được lên đèo để nhìn một cái cho đã hè”. Tôi nhìn sang, một người đàn ông tuổi chừng lục tuần, có vẻ như dân Huế đi làm ăn xa lâu ngày mới có dịp quy hương. Chợt nghĩ, thì ra cũng 8 năm rồi mình không qua đèo, kể từ dạo hầm đèo Hải Vân, dài nhất Đông Nam Á được mở ra.
 
Một thời, qua đèo Hải Vân vừa sợ lại vừa thích. Là đỉnh núi cuối cùng của mạch Trường Sơn đâm ra biển Đông, Hải Vân cao tới 500 mét so với mực nước biển, cao nhất trong số các đèo ở Việt Nam. Chênh vênh giữa một bên là núi cao chót vót và một bên là biển khơi, địa hình phức tạp, đường quanh co, độ dốc cao, lại thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa lũ, không sợ khi vượt đèo Hải Vân là chuyện khó tin. Còn có lạ lùng chi mô là câu ca một thuở: “Đường bộ thì sợ Hải Vân/ Đường thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”.
 
Hầm đèo Hải Vân đã xóa tan bao nỗi sợ hãi, lo lắng một dạo qua đèo. Để rồi còn lại trong ta là một Hải Vân bí ẩn, gợi nhớ, giàu những cung bậc cảm xúc. Sử chép, khi vua Chiêm Thành là Chế Mân cắt châu Ô, Rí làm sính lễ cầu hôn Huyền Trân công chúa vào năm 1306 thì đèo Hải Vân chính là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Sử cũ cũng lại tiếp, một thế kỷ sau đó, nhà Hồ đem quân đánh thắng khiến vua Chiêm là Ba Đích Lại phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa, Hải Vân thuộc hẳn nước Việt. Hải Vân trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
 
Ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân còn lại dấu tích của một cửa ải xưa. Cửa ải này gọi là Hải Vân Quan, xây từ thời Trần và được trùng tu vào thời Minh Mạng. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, còn cửa trông xuống Đà Nẵng đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Tương truyền là do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi ông dừng chân ở đây vào năm 1470. Cái tên này được vua Minh Mạng cho khắc lên cổng đá trên đỉnh đèo. Người Pháp sau này bổ sung thêm một lô cốt, còn gọi là đồn Nhất và con đường sắt quanh co qua đèo.
 
Xưa băng đèo Hải Vân rất ít người dám mạo hiểm bởi kẻ cướp và thú dữ. Người đời bảo, cũng bởi thế mà văn hóa giữa hai miền Bắc- Nam ít được giao lưu. Bây giờ khoảng cách về văn hóa đã xích lại gần, vậy nhưng sự khác biệt khí hậu thì vẫn như xưa bởi con đèo vẫn là “hàng rào” ngăn cản dựng đứng và khó vượt. Và cái heo may, mưa nhiều và lạnh lẽo của gió mùa phương bắc như bị chặn lại, để rồi ở phía bên ni đèo mưa lạnh thì phía bên kia lạ thay vẫn là nắng ấm.
 
Khi mà sợ hãi, đắn đo được bỏ lại thì lên Hải Vân là đi tìm cảm giác lạ, đầy mê hoặc. Đường đèo quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời. Chiều về, mây che phủ cả đoạn đèo, như quấn quýt níu kéo khiến bước chân người đến đây như lạc bước vào cõi nào khác lạ, khói sương huyền ảo. Hải Vân còn được mệnh danh là “đèo Mây”. Và vào một buổi đẹp trời, từ Hải Vân nhìn xuống, đầm Lập An và làng chài Lăng Cô như tranh vẽ. Những ngôi nhà nhỏ nhắn soi mình nơi biển xanh, rồi bãi cát trắng tinh khôi trải dài tít tắp, phía xa là dãy núi điệp trùng với mây trắng bao phủ. Đẹp và nên thơ khiến ai kia đứng lặng ngắm nhìn.
 
Không còn là vượt đèo nữa như xưa mà bây giờ là lên với Hải Vân. Lên để thưởng ngoạn, lên với nơi giao thoa giữa hai vùng đất để hòa mình trong âm vọng sử thi của bao dấu chân người Việt xưa đi mở cõi. Nó cũng cách đi tìm những trải nghiệm với dốc đèo quanh co, thỏa mãn tâm lý chiếm lĩnh đỉnh cao rạo rực lòng người. Còn nữa, trong ai đó xa quê, đầy hoài niệm và cả trong tôi là đi tìm lại những ký ức và cảm giác của một thuở vượt đèo đầy tâm trạng.
Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Return to top