Nhiều cơ hội
Cố đô Huế là nơi còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý báu của Việt Nam, trong đó quần thể kiến trúc Cố đô với nhiều cung điện, lầu gác, hệ thống thành lũy, pháo đài phòng thủ... mang đặc trưng kiến trúc cung đình nhà Nguyễn đầu thế kỷ 19. Đối với Quần thể Di tích Cố đô Huế, công cuộc bảo tồn, trùng tu gặp nhiều thuận lợi khi được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện ưu tiên nguồn vốn và bạn bè quốc tế chung tay hỗ trợ cả về vật chất lẫn nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ đó, hơn 20 năm kể từ ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới, Thừa Thiên Huế đã trùng tu và tôn tạo được hơn 130 hạng mục kiến trúc. Trong đó, nhiều công trình quan trọng ở khu vực Hoàng Thành được ưu tiên, như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, lầu Tứ Phương Vô Sự, hệ thống Trường Lang…
Trùng tu Triệu Miếu (Đại Nội)
Với lợi thế của vùng đất giàu bản sắc văn hóa, Đảng bộ Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng đô thị Huế theo hướng “Di sản, văn hóa, cảnh quan, sinh thái và thân thiện với môi trường”. Theo đó, nhiệm vụ trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di sản Cố đô Huế. Trước mắt, ưu tiên tập trung đầu tư trùng tu các di tích quan trọng trong Đại Nội và Kinh thành, gắn liền với việc giải phóng dân cư trong vùng lõi di sản và chỉnh trang đô thị.
Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong dự án này, nhiều công trình di tích ở khu vực Đại Nội và Kinh thành được quan tâm, như: Điện Kiến Trung, Ngọ Môn (giai đoạn 2), Triệu Miếu (giai đoạn 2), vườn Cơ Hạ, di tích hồ Tịnh Tâm, điện Cần Chánh, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, khu Lục Bộ…
50% công trình chưa được trùng tu, bảo tồn
Mặc dù có nhiều lợi thế và được ưu tiên từ nhiều nguồn lực, nhưng Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng mới chỉ vượt qua tình trạng “cứu nguy khẩn cấp” và dần thu hẹp không gian hoang phế. Hiện nay, chỉ riêng khu vực Đại Nội, vẫn còn khoảng 50% công trình, cụm công trình chưa được trùng tu, bảo tồn. Trong đó, nhiều nhất là cụm di tích nằm trên trục phía Đông Thái Hòa (mới có Triệu Miếu được trùng tu 10%); cụm trung tâm với Ngọ Môn, Thái Hòa, điện Kiến Trung, điện Càn Thành, điện Khôn Thái, chỉ có 2 cụm Ngọ Môn và Thái Hòa… Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Nếu thực hiện một cách bài bản và khoa học thì riêng khu vực Đại Nội cũng phải thêm 50 năm nữa mới có thể trùng tu xong.
Đại Nội và Kinh thành Huế là khu vực quan trọng nhất trong Quần thể Di tích Cố đô Huế. Hằng năm đón khoảng 50% lượng khách tham quan đến Huế, nên định hướng tập trung đầu tư cho Đại Nội và khu vực Kinh thành là ưu tiên phù hợp. Các điểm di tích trong khu vực được trùng tu có ý nghĩa rất lớn trong việc chỉnh trang đô thị và tạo động lực mới cho phát triển dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, trong số khoảng 65.000 dân trong khu vực Kinh thành Huế thì có gần 6.000 dân đang sống trong vùng lõi của di tích và tạo nên nhiều vấn đề tác động trực tiếp đến di tích. Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng và cấp bách để bảo vệ di sản là di dời toàn bộ các hộ dân ra khỏi những “điểm nóng”, tạo cơ hội trùng tu di sản đồng thời ổn định cuộc sống cho người dân.
TS. Phan Thanh Hải: Trong quá trình thực hiện các dự án, chúng tôi sẽ dành sự ưu tiên cho những điểm nóng nhất trong khu vực Đại Nội và Kinh thành với gần 1200 hộ dân liên quan. Nếu việc trùng tu các điểm di tích trong khu vực Kinh thành đồng thời giải quyết được vấn đề ổn định cuộc sống cho hàng ngàn người dân trong vùng lõi thì đây là điều rất ý nghĩa. Hơn nữa, chỉ khi di dời được số dân này thì chúng ta mới có cơ hội thực hiện những dự án lớn trong khu vực Kinh thành, như: xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình, trùng tu đàn Xã Tắc và tôn tạo, chỉnh trang hệ thống ao hồ…
|
Bài, ảnh: THU THỦY