ClockThứ Bảy, 09/12/2023 07:15

Đón cơ hội từ xu hướng “sống ở Đông Nam Á trong một tháng”

TTH - Xu hướng “sống ở Đông Nam Á trong một tháng” đang gia tăng, nhất là khách du lịch Hàn Quốc. Chính sách thu hút du khách dài hạn bằng cách kéo dài thời gian lưu trú miễn thị thực cho người Hàn Quốc từ 15 lên 45 ngày từ tháng 8/2023 đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch, trong đó có du lịch Huế.

Trao đổi về “Tinh hoa trong ẩm thực và du lịch”Khai thác dòng khách thị trường du lịch âm nhạcPhát triển city tour có bản sắc riêng

Khách Hàn Quốc đến Huế được chào đón từ sân bay 

Cơ hội cho ngành du lịch

Thống kê từ ngành du lịch Hàn Quốc cho thấy, các sản phẩm du lịch khởi hành vào tháng 12/2023 của ba hãng lữ hành lớn, gồm: Hana Tour, Mode Tour và Very Good Travel thì Đông Nam Á chiếm vị trí đầu bảng. Đối với Mode Tour, 61% tổng số lượt đặt chỗ là đến Đông Nam Á. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam có số lượng đặt tour lớn nhất với 45%, tiếp theo là Thái Lan với 18%, Philippines 12% và Malaysia 5%.

Không phải ngẫu nhiên lại có những con số đó. Các quốc gia Đông Nam Á là nơi nhiệt độ dao động quanh mức 20 độ C ngay cả trong mùa đông, trở thành điểm đến du lịch tránh rét truyền thống với người Hàn Quốc. Cũng vì thế, xu hướng “sống ở Đông Nam Á trong một tháng” đang gia tăng gần đây tại Hàn Quốc. Tour dài hạn đang gia tăng hơn so với tour ngắn hạn trong nhóm người cao tuổi của Hàn Quốc. Trước xu hướng này, ngành du lịch Hàn Quốc liên tục tung ra các sản phẩm dành cho khách lưu trú dài hạn ở Đông Nam Á, trong khi các dịch vụ mạng xã hội (SNS) tràn ngập các đánh giá về cuộc sống ở Đông Nam Á trong một tháng.

 Khách Hàn Quốc đến Huế từ chuyến bay thẳng đến sân bay quốc tế Phú Bài

Chi phí hợp lý là yếu tố quyết định khi khách chọn đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, năm 2022, chi phí sinh hoạt vừa phải cho một hộ gia đình hai người ở Hàn Quốc sau khi nghỉ hưu là 3,14 triệu won (khoảng hơn 58 triệu đồng) mỗi tháng. Số tiền này đủ để trang trải chi phí ăn ở trong một tháng, bao gồm cả vé máy bay, phí du lịch ở Đông Nam Á. Trong khi đó, lợi thế là thời tiết tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á lại ấm áp hơn.

Ông Lee, một du khách Hàn Quốc chia sẻ: “Thời tiết, khí hậu, ẩm thực, văn hóa… ở Việt Nam rất tốt nhưng chi phí lại rất rẻ cho kỳ nghỉ dài ngày. Chúng tôi muốn tận dụng cơ hội này để nghỉ ngơi, du lịch vào mùa đông vì mùa đông của chúng tôi lạnh hơn nhiều”.

Đón cơ hội

Cùng với nỗ lực thu hút khách trong nước đến Huế, ngành du lịch Cố đô đang thúc đẩy chính sách hút các dòng khách quốc tế. Kể từ khi Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài đi vào hoạt động (tháng 4/2023), Thừa Thiên Huế tăng cường khai thác được các đường bay quốc tế, trong đó có nhiều chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến) Huế - Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Hàn Quốc mới đây vẫn chưa nằm trong top những thị trường khách hàng đầu đến Huế. Số liệu công bố của Cục Thống kê Thừa Thiên Huế cho thấy, top 10 thị trường khách hàng đầu đến Huế tháng 10 năm 2023, gồm: Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Úc, Anh, Hà Lan. Trái lại, thành phố sát Huế là Đà Nẵng lại thu hút rất đông khách Hàn Quốc. Đà Nẵng trở thành điểm đến được nhiều người Hàn Quốc yêu thích, thậm chí còn được gọi là “Thành phố Gyeonggi Đà Nẵng”. Đây cũng là bài toán đặt ra cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế.

Nhìn lại những con số gần đây, nhất là năm 2022, khách Hàn Quốc đến Việt Nam nhiều nhất kể từ khi du lịch mở cửa hoàn toàn, nhưng lượng khách ở xứ sở Kim Chi đến với Huế lại rất hạn chế. Dẫn chứng cụ thể là năm 2022, có trên 3,66 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam; trong đó, khách Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất với 26,4% (965,4 nghìn lượt khách). Tại Thừa Thiên Huế, khách Hàn Quốc bắt đầu quay lại, nhưng chưa nhiều, mỗi tháng Huế đón chỉ khoảng trên dưới 1.000 khách Hàn Quốc. Đây là con số còn quá khiêm tốn nếu so với giai đoạn chưa xảy ra dịch bệnh. Trước dịch, giai đoạn 2017 - 2019, Hàn Quốc luôn là thị trường chiếm thị phần khách quốc tế lớn nhất của Huế. Như năm 2019, tổng lượt khách quốc tế đến Huế đạt 2,186 triệu lượt. Khách du lịch Hàn Quốc dẫn đầu các thị trường khách trong năm đó, khi chiếm 19,9%. Tuy nhiên, với các chính sách thông thoáng và nỗ lực của ngành du lịch tỉnh hiện nay, triển vọng thị trường khách Hàn Quốc tăng trở lại vẫn rất sáng cửa.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, nhà ga hành khách mới (T2) của Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đi vào hoạt động đã phần nào gỡ được “nút thắt” về vận chuyển. Ngành du lịch tỉnh đang triển khai nhiều hình thức quảng bá mới, tận dụng triệt để công nghệ để quảng bá; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để làm mới các sản phẩm trên nền tảng văn hóa, di sản... đồng thời các doanh nghiệp lữ hành tổ chức nhiều chuyến bay hai chiều đưa khách đến và đi từ Huế - Hàn Quốc.

Một thực tế là sau một thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hình ảnh điểm đến của Huế ít nhiều bị mờ nhạt ở nhiều thị trường, trong đó có Hàn Quốc. Việc đẩy mạnh chiến lược quảng bá mới đối với các thị trường trọng điểm và làm mới sản phẩm du lịch sẽ tạo điều kiện để Huế thu hút mạnh mẽ các dòng khách quốc tế, trong đó có Hàn Quốc. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp tiếp cận, tiếp thị đúng đối tượng khách đang có nhu cầu với các chuyến “du lịch dài ngày”, kỳ nghỉ dài. Mặt khác, cần kết nối chặt chẽ với các đối tác, doanh nghiệp nước bạn và có chính sách giá hợp lý để tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia

Ghi nhận khảo sát trong thời gian gần đây cho thấy, du khách Ấn Độ đang có nhu cầu du lịch ngày càng cao. Điều này thể hiện rõ khi nhiều người rất háo hức trải nghiệm du thuyền Disney Adventure của Disney Cruise Line, lần đầu tiên có mặt tại châu Á tại Singapore và mong muốn tàu khởi hành sớm hơn so với dự kiến vào tháng 12/2025. Thậm chí, một số gia đình đã lên kế hoạch du lịch đến những nước châu Á khác như Nhật Bản trong thời gian chờ đợi tàu khởi hành.

Ấn Độ là dòng khách tiềm năng cho nhiều quốc gia
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

TIN MỚI

Return to top