ClockThứ Năm, 13/08/2015 15:20

Phát triển du lịch tâm linh ở Huế

TTH - "Việc hình thành ý tưởng xây dựng một tuyến du lịch tâm linh sẽ rất hữu ích và thiết thực, điều đó không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân tại chỗ, mà trong tiến trình hội nhập văn hóa thương mại, du lịch là một yếu tố quan trọng để tạo dựng bản sắc địa phương", nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn và Tôn Nữ Khánh Trang, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã bày tỏ quan điểm như vậy khi bàn về "Tín ngưỡng dân gian vùng Huế với vấn đề khai thác du lịch tâm linh"...

Nghi lễ tôn giáo – nét đặc trưng có thể khai thác để phát triển du lịch tâm linh ở Huế

 

Tiềm năng, lợi thế có sẵn

Ngoài hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn, hiện ở Huế có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ; trong đó, có những ngôi tổ đình, cổ tự nổi tiếng từ hàng trăm năm như các chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, Bảo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân, Trúc Lâm, Thiền Tôn, Tra Am, Vạn Phước… Những ngôi cổ tự không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là một địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc, là tiềm năng, lợi thế sẵn có để khai thác du lịch tâm linh.

Một cuộc hội thảo khoa học được tổ chức tại TP Huế vừa qua đã thu hút nhiều PGS, TS, nhà nghiên cứu đi sâu phân tích, làm rõ hơn những giá trị di sản tôn giáo không chỉ có Huế mà cả khu vực miền Trung. “Chúng ta cần đánh giá một cách khoa học, khách quan, nêu bật giá trị về các di sản tôn giáo vật thể, phi vật thể ở miền Trung; về giá trị di sản của các tôn giáo; các giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của di sản tôn giáo, trong đó có Phật giáo, Công giáo và các tôn giáo truyền thống khác”, TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định.
Theo các nhà nghiên cứu, trên nền tảng của những lễ hội truyền thống mang đặc trưng đời sống tính ngưỡng của Huế, nếu có sự đầu tư kết hợp logic, những lễ hội này, có thể trở thành điểm nhấn để hình thành một tuyến du lịch tâm linh khác lạ với nội dung truyền tải toàn bộ đời sống tinh thần của người Huế. Hơn nữa, dấu ấn Phật giáo với tầm ảnh hưởng lớn, sức lan tỏa sâu rộng, đậm nét và phổ biến với việc duy trì thường xuyên các nghi lễ cúng trong ngày sóc, ngày vọng; trong đó, đáng đề cập đến là lễ cúng rằm tháng 7 – ngày lễ Vu lan cũng liên quan đến đời sống tâm linh của cư dân vùng Huế. Từ những lễ hội và hoạt động tín ngưỡng đa dạng trong loại hình, nếu xâu chuỗi chúng theo trục xuyên suốt: “Vu lan – Mẫu – Thu tế” sẽ trở thành mô hình du lịch tâm linh ấn tượng với những tour tuyến cụ thể.
Ths Đỗ Duy Hưng, Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận xét: “Ở Huế, lễ hội điện Hòn Chén không chỉ dừng lại một lễ hội văn hóa dân gian, mà nó thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Vậy mới biết, sức hút lan tỏa của Huế không chỉ ở những đền đài lăng tẩm, mà còn có những lễ hội linh thiêng”.
Khai thác để phát triển du lịch
Thời gian qua, tỉnh đã chú ý đến du lịch tâm linh. Trong đó phải kể đến Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Phú Lộc), Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (Huế), Khu du lịch tâm linh Tượng đài Quán Thế Âm (Hương Thủy)... bước đầu thu hút du khách. Thế nhưng, so với vị trí là một trong những trung tâm tôn giáo của cả nước, du lịch tôn giáo ở Huế vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Mới đây, Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Phân viện Nghiên cứu nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Vấn đề di sản tôn giáo miền Trung”. Hội thảo nhận được nhiều bài viết, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các PGS, TS, nhà nghiên cứu trong và ngoài khu vực miền Trung. Từ đó, nêu bật hệ giá trị di sản của tôn giáo; góp phần mang lại nhận thức đầy đủ, khoa học hơn đối với di sản tôn giáo ở Huế.   
“Việc xây dựng các trung tâm du lịch Phật giáo ở Huế là hướng đi cần thiết. Tuy nhiên, sẽ rất lãng phí tài nguyên du lịch nếu không chú ý khai thác các di sản sẵn có, nhất là trong điều kiện Huế có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, với nhiều cổ tự giàu văn hóa – lịch sử. Tại sao Huế được biết đến là xứ sở của “thiền kinh” nhưng vẫn chưa phải là điểm sáng có sức hấp lực đối với du khách thập phương là dấu hỏi cần có câu trả lời”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Tâm Hạnh (Phân viện Nghiên cứu nghệ thuật Quốc gia tại Huế) đặt vấn đề.
Theo một số nhà nghiên cứu, xây dựng các tour du lịch hợp lý là một trong những điều kiện hết sức cần thiết. Kết hợp các loại hình du lịch (nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng, văn hóa, tôn giáo...) là hướng đi tích cực. Bất cứ loại hình hay bất cứ điểm đến du lịch nào, các yếu tố khác cũng cần phải tính đến, nhằm làm hài lòng du khách”.
TS Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định: “Miền Trung là một trong ba vùng trong cả nước có số lượng di sản văn hóa khá phong phú. Mỗi một di vật trong các di tích là một di sản văn hóa tôn giáo. Đây là cơ sở để xã hội nhận thức một cách đầy đủ, khoa học hơn đối với di sản tôn giáo ở Việt Nam nói chung và di sản tôn giáo ở miền Trung nói riêng; là điều kiện quan trọng giúp ngành du lịch Thừa Thiên Huế phát huy thế mạnh di sản tâm linh trong phát triển du lịch”.  
Bài, ảnh: Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Tượng Quan Âm đặt ngoài trời Giải mã bản đồ sao cá nhân website https://thansohoc.app/ miễn phíLàm Trống đồng quà tặng theo yêu cầu Đúc Đồng Truyền Thống Nam Định
Return to top