ClockThứ Ba, 14/05/2024 17:03

Du lịch có trách nhiệm với môi trường

TTH.VN - Vào mùa hè, xu hướng nhiều gia đình, nhóm bạn chọn đi du lịch tự túc và tìm đến các khu vực núi rừng, sông, hồ, suối, thác, bãi biển. Là những nơi chưa tổ chức dịch vụ du lịch phục vụ khách, không có nhân viên bảo vệ, cứu hộ nếu du khách bất cẩn trong việc nhóm lửa, vứt tàn thuốc bừa bãi, xả rác ra môi trường, nguy cơ cháy rừng, ô nhiễm môi trường trở thành nỗi lo thường trực.

Cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựaRa mắt điểm đến du lịch giảm rác thải nhựa tại Thủy BiềuHướng đến giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch

Du lịch tự túc được nhiều nhóm bạn trẻ ưa chuộng 

Tiềm ẩn nguy cơ

Vừa qua, trên mạng xã hội facebook chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm người leo núi tổ chức đốt pháo hoa tại khu vực lán nghỉ ở xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Nhóm leo núi khoảng 20 người tổ chức đốt pháo hoa để mừng sinh nhật một thành viên trên hành trình đang trên đường chinh phục đỉnh Pu Ta Leng. Khu vực này được bao quanh bởi cây rừng khiến nhiều người lo ngại lửa bén từ pháo hoa gây hỏa hoạn.

Xu hướng du lịch tự túc hiện nay đang rất phát triển. Vào mùa hè, xu hướng nhiều gia đình, nhóm bạn chọn đi du lịch và tìm đến các khu vực núi rừng, bãi biển để trải nghiệm. Đó thông thường là những điểm chưa được khai thác dịch vụ du lịch nên ít có sự xuất hiện của các các cơ quan quản lý, giám sát. Cũng do chưa có các dịch vụ du lịch phục vụ khách, nên các đoàn trải nghiệm thường mang theo dụng cụ, thức ăn, đốt lửa để nấu ăn. Nhiều trường hợp còn hút thuốc, vứt tàn thuốc bừa bãi dẫn đến hiểm họa cháy rừng.

Thừa Thiên Huế có nhiều điểm đến ưa thích của các đoàn phượt, các gia đình, hội nhóm bạn tổ chức các chuyến dã ngoại, du lịch tự túc, đặc biệt là các khu vực rừng núi, suối thác, hồ ở huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền… Để tạo sự không gian thoải mái thực sự, các đoàn dã ngoại, đi du lịch tự túc này thường tìm đến những nơi hoang vắng, tự do trải nghiệm mà không lo bị ai kiểm soát. Họ dựng lều trại, gom củi rừng để nấu nướng thức ăn và thậm chí đốt lửa để giữ ấm, xua đuổi côn trùng.

 Đốt lửa nướng thức ăn, nếu bất cẩn có thể dẫn đến cháy rừng

Anh Nguyễn Thành Phong, thành viên của một đoàn phượt kể: “Mình từng chứng kiến nhiều đoàn dã ngoại đốt lửa nấu nướng thức ăn hoặc đốt lửa ban đêm ở khu vực khe suối, gần bìa rừng trong lúc ngủ. Nhiều đoàn ý thức kém, khi rời đi không chủ động dập lửa. Với thời tiết nắng nóng ngày hè, chỉ cần một cơn gió có thể dẫn đến nguy cơ cháy lan cả cánh rừng”.

Bên cạnh nỗi lo cháy rừng khi nhóm lửa, vứt tàn thuốc bừa bãi, các chuyến du lịch tự túc thường mang vác theo nhiều đồ ăn, nước uống. Nhiều hội nhóm sau khi kết thúc hành trình không thu gom rác, vứt bừa bãi chai nước uống, bao ni lông, đồ ăn thức uống tại các khu vực khe suối, cánh rừng, bãi biển dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Du lịch có trách nhiệm

Những năm qua, chuyện bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ, nhất là cháy rừng được các cấp ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn khó giải quyết dứt điểm do ý thức của một bộ phận người đi du lịch tự túc, trong khi những khu vực này thường ít có lực lượng chức năng có mặt để giám sát, nhắc nhở.

Tại Thừa Thiên Huế, các địa phương, ban ngành chức năng, ngành du lịch cũng thường xuyên có các khuyến cáo, nhắc nhở về vấn đề này. Đặc biệt, đối với vấn đề bảo vệ môi trường, Sở Du lịch đã chủ động xây dựng kế hoạch giảm rác thải nhựa của ngành du lịch tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 với rất nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể.

 Các bạn trẻ tham gia chương trình dọn rác, làm sạch bờ biển

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và của UBND tỉnh, Sở Du lịch tỉnh thường xuyên phối hợp các ban, ngành, địa phương để tổ chức hướng dẫn các điểm du lịch và các doanh nghiệp du lịch, tuyên truyền nhắc nhở đến du khách và cộng đồng thực hiện theo nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp liên quan về đảm bảo môi trường, an toàn tại các điểm du lịch, phòng tránh tai nạn và các rủi ro có thể xảy ra. Đối với kế hoạch giảm rác thải nhựa, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong ngành du lịch; Vận động, theo dõi các đơn vị kinh doanh dịch vụ triển khai thực hành các giải pháp giảm rác thải nhựa tại các khách sạn, đơn vị lữ hành và điểm du lịch; Xây dựng, đưa vào hoạt động các tour du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, các điểm đến du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, cùng rất nhiều giải pháp khác. Điều quan trọng nhất là cần phải nâng cao ý thức và sự hợp lực của các tổ chức, cá nhân và của những người tham gia hoạt động du lịch.

Hiện nay, đang có nhiều mô hình du lịch có trách nhiệm, đó là các chương trình du lịch kết hợp dọn rác ở bờ biển; Tour chèo thuyền SUP vớt rác làm sạch sông Hương, đi thuyền ngắm cảnh rừng ngập mặn ở vùng đầm phá kết hợp vớt rác,… Những chương trình này cần được lan tỏa để nhân rộng. Bên cạnh đó, các ban ngành, địa phương cần phối hợp tăng cường tuyên truyền, cảnh báo; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra, phát hiện và xử lý các hành vi du lịch tự túc, dã ngoại tự phát có hành vi gây nguy cơ cháy rừng, xả rác làm ô nhiễm môi trường. Đối với các khu du lịch sinh thái, ban quản lý cần tăng cường giám sát, nhắc nhở du khách lưu ý việc an toàn trong sử dụng lửa khi tham quan, du lịch tại những khu vực rừng, hồ, suối thác; Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng chống cháy rừng và xả rác thải ra môi trường.

Giải pháp hàng đầu để bảo vệ môi trường du lịch cũng chính từ những người đi du lịch. Mỗi người cần có ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ cảnh quan điểm du lịch, phòng tránh cháy rừng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chúng ta cần lan tỏa những thông điệp tích cực, như: “Nhặt một một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn” hay “Không để gì phía sau bạn ngoài những dấu chân".... đến những người thân, bạn bè, cộng đồng những người đam mê “xê dịch” khi đến Huế. Đây chính là những nguyên tắc cơ bản của du lịch có trách nhiệm, không chỉ giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội mà còn tạo ra nhiều lợi ích kinh tế cho người dân địa phương và nâng cao phúc lợi cho cộng đồng địa phương, cải thiện điều kiện làm việc và tiếp cận với ngành du lịch.

HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

101.000 lượt khách đến Cố đô dịp Festival Huế

Thống kê từ Sở Du lịch cho biết, ước 7 ngày từ 6/6 – 12/6, có khoảng 101.000 lượt khách đến tham quan, du lịch và trải nghiệm các hoạt động trong Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

101 000 lượt khách đến Cố đô dịp Festival Huế
Truyền cảm hứng du lịch Huế đến du khách

Năm 2024, ngành du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế thông qua các Blogger, KOLs, Vlog, nhân vật truyền cảm hứng với kỳ vọng đưa du lịch Huế vươn xa thông qua các nền tảng mảng xã hội.

Truyền cảm hứng du lịch Huế đến du khách
Giảm thiểu tác động của nhựa đối với môi trường ở các ngành nghề du lịch

Sáng 5/6, tại Trường cao đẳng Du lịch Huế diễn ra hội thảo với chủ đề “Phân tích, đánh giá và xác định việc sử dụng nhựa trong các ngành nghề tại Trường cao đẳng Du lịch Huế”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Dự Án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam và nhằm hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6).

Giảm thiểu tác động của nhựa đối với môi trường ở các ngành nghề du lịch

TIN MỚI

Return to top