ClockThứ Ba, 18/07/2023 07:00

Du lịch nông nghiệp, nông thôn - Kỳ 2: Hướng đến chuyên nghiệp hóa

TTH - Với tiềm năng sẵn có, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là hướng đi cần thiết để tổ chức dịch vụ kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, đời sống khu vực nông thôn. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn cần phải đầu tư khai thác một cách thỏa đáng, chuyên nghiệp và bền vững.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn - kỳ 1: Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

leftcenterrightdel
 Du khách vui chơi, chụp ảnh lưu niệm ở Ngư Mỹ Thạnh

Những rào cản cần tháo gỡ

Ông Ái Hiệp, chủ trang trại trên rú cát ở Quảng Điền từng ấp ủ khát vọng làm du lịch kinh tế trang trại sinh thái, nông nghiệp trên vùng rú cát đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Điều ông Hiệp trăn trở là sản phẩm tại trang trại hầu như chưa có gì, đó chưa nói đến chất lượng sản phẩm còn rất thấp so với nhu cầu thị trường và phục vụ du lịch. Ông đang tìm mọi cách khai thác tiềm năng vùng rú cát để hình thành mô hình trang trại du lịch, nhưng rào cản lớn là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trang trại du lịch nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục. Phần lớn đất đai của nhiều trang trại còn sử dụng theo hình thức tạm giao, ký hợp đồng thầu với các địa phương khiến ông Hiệp cũng như nhiều chủ trang trại gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Trong khi hướng đến phát triển trang trại du lịch, nông nghiệp, nông thôn thì trang trại của ông Hiệp cũng như nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh chưa đủ tiêu chí về chất lượng sản phẩm, chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Sản phẩm đạt chất lượng thấp, chưa tạo nguồn hàng hóa lớn nên các chủ trang trại không thể đăng ký quy trình sản xuất an toàn thực phẩm như VietGAP, Global Gap, hữu cơ phục vụ du lịch. Nhiều chủ trang trại chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên sản xuất còn thụ động, thiếu công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu để phục vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Một trong những trở lực lớn được các chuyên gia chỉ rõ, đó là quản lý Nhà nước về kinh tế trang trại gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được hoàn thiện, thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Lâu nay, các chủ trang trại chủ yếu "tự bơi" trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong khi tỉnh đã có chủ trương, định hướng phát triển du lịch trang trại, nông nghiệp, nông thôn thì các chủ trang trại, người dân chưa nhận được sự hỗ trợ, tư vấn cách làm du lịch. Phần lớn các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn chủ yếu do các cá nhân, người dân tự đầu tư chủ yếu mang tính tự phát. Một số điểm du lịch cộng đồng suối thác, đầm phá như suối Voi, thác Mơ, suối Tiên, Ngư Mỹ Thạnh... bước đầu hình thành, đầu tư khá bài bản chủ yếu do các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tự đầu tư, nhưng nguy cơ thiếu bền vững.

leftcenterrightdel
 Suối ở Hương Lộc (Nam Đông) còn hoang sơ

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, lượng du khách thuần túy theo loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Điều này cho thấy, việc đầu tư khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa thật sự thỏa đáng, chưa thu hút và hấp dẫn du khách, thiếu sự đầu tư đa dạng, phong phú các loại hình du lịch suối thác, đầm phá. Ngoài các điểm du lịch như suối Voi, thác Mơ, suối Tiên, Ngư Mỹ Thạnh... thì chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại nhiều trang trại sinh thái, nhiều điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng và tính chuyên nghiệp của các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch còn hạn chế, nguồn lực xúc tiến quảng bá du lịch thấp, chưa đủ sức lan tỏa.

Các làng du lịch văn hóa cộng đồng và các homestay ở nông thôn hoạt động còn nhỏ lẻ, theo hình thức tự phát, thiếu chuyên nghiệp và đầu tư chưa bài bản nên chưa tạo ra nguồn thu nhập ổn định phục vụ hoạt động và nhân viên phục vụ. Do vậy, thu nhập của người dân làm du lịch cộng đồng còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên. Một hạn chế lớn hiện nay nữa là hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch bước đầu có sự đầu tư nhưng chưa thật sự thuận lợi. Hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch như bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, nhà vệ sinh công cộng… còn yếu kém, thiếu các điều kiện cơ bản phục vụ du khách.

Cần giải pháp tích cực, đồng bộ

Người dân được xác định là chủ thể trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn vì chính họ là người hiểu rõ tiềm năng, lợi thế của nơi mình đang sinh sống. Hơn ai hết, bà con phải tự tìm tòi, học hỏi cách làm du lịch từ các mô hình hiệu quả trong và ngoài tỉnh để có thể ứng dụng vào địa phương. Mỗi địa phương, vùng miền có tiềm năng, lợi thế khác nhau nên phương thức, mô hình du lịch cũng phải có sự khác biệt. Các sản phẩm du lịch phải thật sự là nét đặc trưng của mỗi vùng, miền. Ẩm thực của mỗi địa phương từ đó cũng có sự khác biệt, như làng Chuồn với món cá kình bánh xèo, khu ẩm thực Cồn Tè với gỏi rau câu hải sản, các nhà hàng khu vực Tân Mỹ với đặc sản cua biển, nhà hàng Cồn Tộc và khu ẩm thực bến đò qua Vĩnh Tu với món cá nâu đặc sản phá Tam Giang...      

Khâu quảng bá sản phẩm được xác định vô cùng quan trọng đối với các hoạt động du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Tùy thuộc vào sở thích, niềm đam mê của từng đối tượng du khách họ sẽ tìm đến các điểm du lịch suối thác, đầm phá, du lịch biển phù hợp. Điều này cũng đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn phải đa dạng, phong phú tạo sự hấp dẫn, thú hút du khách trong và ngoài nước. Nếu dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống... nghèo nàn sẽ gây nhàm chán đối với du khách. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đình Đức, phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch cần phải đảm bảo tính đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân. Trên cơ sở lợi ích của cộng đồng và văn hóa đặc trưng từng vùng là nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.

Trong khi tỉnh đang có chủ trương, khuyến khách phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thì việc ưu tiên hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và các đối tượng triển khai các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng cần phải đặt lên hàng đầu. Và để khai thác hiệu quả du lịch nông nghiệp, nông thôn phải kết nối, lồng ghép giữa các chương trình, đề án về phát triển văn hóa Huế, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung tận dụng nguồn lực cho du lịch nông nghiệp, nông thôn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Phát triển du lịch gắn với quy hoạch phát triển mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm văn hóa làng quê nông thôn.

Ngoài phát huy tính chủ thể, cộng đồng, người dân và kể cả các doanh nghiệp cũng cần được quan tâm hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông quy mô lớn phục vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các địa phương được hướng dẫn lập quy hoạch sử dụng đất và xây dựng chính sách đất đai hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ đối với từng loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt đối với các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm văn hóa nông nghiệp, nông thôn phải có chính sách đất đai phù hợp cho loại hình farmstay (mô hình trang trại gắn với lưu trú).

Trong phát triển du lịch nông nghiệp cũng cần có sự liên kết theo chuỗi giá trị, các chủ thể tham gia thực hiện các mô hình phát triển du lịch có sự liên kết như giữa nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý nông nghiệp, du lịch… để nâng cao hiệu quả và bền vững. Các chủ thể cung cấp dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn tại cộng đồng và bên ngoài gắn kết với các chủ thể khác trong chuỗi giá trị như các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở lưu trú, các nhà hàng... nhằm kéo dài chuỗi giá trị, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Dự kiến nguồn kinh phí để thực hiện đề án phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ (thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025), ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác khoảng 56.950 triệu đồng. Ngoài ra, ưu tiên huy động nguồn lực của các tổ chức kinh tế, cộng đồng, người dân (từ vốn, đất đai, lao động, nguyên, vật liệu, công nghệ…); tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước (nguồn khuyến nông, lâm, ngư; nguồn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh...) và từ nguồn xã hội hóa. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đầu tư vào phát triển các loại hình trang trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Bài, ảnh: Triều Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng

Nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ có khi vẫn chưa nhận ra được mình đang hoặc đã từng bị bạo lực giới, dù ở mức độ ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Một khi nhận diện được vấn đề này, phụ nữ hay trẻ em gái mới có thể phát huy và thúc đẩy bình đẳng trong cuộc sống.

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng
Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn

Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào hiến đất làm đường, chỉnh trang khu dân cư đã trở thành điểm nhấn, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.

Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn
Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số

Theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, tỉnh tiếp tục xác định cải cách hành chính (CCHC) gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là chương trình trọng điểm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số
Hướng đến sản xuất xanh

Tăng trưởng xanh - sản xuất xanh là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang hướng đến, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và phù hợp với xu hướng chung của thị trường trong và ngoài nước.

Hướng đến sản xuất xanh
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

TIN MỚI

Return to top