Hệ thống khe suối phong phú, đa dạng và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn, nơi đây còn lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo là tiềm năng lớn để khai thác phát triển du lịch nông thôn.
|
|
Ngắm hoàng hôn trên đầm phá Ngư Mỹ Thạnh |
Chưa đầu tư thỏa đáng
Khi đời sống được nâng cao, nhu cầu vui chơi, giải trí và trải nghiệm của người dân càng lớn. Các điểm giải trí của du khách, người dân không chỉ là nơi phố thị phồn hoa mà cả những vùng xa xôi, hẻo lánh. Nơi đó có bóng dáng của làng quê, “cây đa, bến nước, sân đình”, những con sông quê, đầm phá Tam Giang, hay những dòng suối, thác tự nhiên trong lành.
Cứ vào mùa nắng nóng, oi bức, nhóm bạn tôi ở TP. Huế thường rủ nhau về vùng đầm phá Tam Giang để được tận hưởng không khí mát lành, ngắm nhìn khung cảnh hoàng hôn, hay bình minh trên đầm phá Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, Quảng Điền). Các bạn được thuyền ngư dân chở đến tham quan các khu rừng ngập mặn, được trải nghiệm các nghề nò sáo, bủa lưới, giăng câu truyền thống của ngư dân vùng sông nước Tam Giang.
Vào những ngày hè oi bức, Trịnh Quân, công tác tại Đại học Huế tỏ ra khá hài lòng khi đến với vùng đầm phá Quảng Điền, thỏa sức dầm mình vào dòng nước mát- nơi giao thoa của ba dòng sông huyền thoại đổ về là sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu. Sau khi khám phá và trải nghiệm, nhóm bạn cũng như du khách được thưởng thức các món ăn thủy sản dân dã của ngư dân vùng đầm phá. Du khách có thể lưu trú ngay trên thuyền của ngư dân, hoặc tại các khu nhà nghỉ ven phá để được ngắm cảnh hoàng hôn, hay bình minh trên phá Tam Giang.
Hết về đầm phá, nhóm bạn tôi lại đến các suối thác để thay đổi không khí. Suối Tiên là nơi mà các bạn lựa chọn đến. Đến đây, mọi người được ngắm cảnh, khám phá núi rừng nguyên sinh, hoang dã, được tắm trên dòng suối mát, trong lành. Sau khi thỏa sức ngắm cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, du khách còn được lưu trú tại các nhà nghỉ, thưởng thức các món ăn dân dã như cá suối nướng, gà đồi, ốc suối...
Trịnh Quân cho rằng, không phải nơi nào cũng làm du lịch sinh thái trên vùng đầm phá khá bài bản như ở Ngư Mỹ Thạnh hay suối Tiên. Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn, suối thác trên địa bàn tỉnh phong phú, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, đa dạng hóa mô hình, loại hình, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Tuy nhiên đến nay, tiềm năng lớn của vùng đầm phá, suối thác vẫn chưa được đầu tư khai thác một cách thỏa đáng, hợp lý.
Vùng Cồn Tè, rú Chá ở xã Hương Phong (TP. Huế) được nhiều người biết đến với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ đã và đang là nguồn cảm hứng cho bao nghệ sĩ, du khách. Du khách, người dân đến đây không chỉ ngắm vẻ đẹp khu rừng ngập mặn rú Chá nguyên sinh mà còn được ngắm cảnh đẹp của đầm phá Tam Giang. Rất tiếc nơi đây chưa được đầu tư một cách thỏa đáng, thiếu dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, giải trí, lưu trú... khiến tiềm năng du lịch rú Chá còn bỏ ngỏ.
Hay thác Kazan ở xã Thượng Lộ (Nam Đông) dù khai thác từ nhiều năm nay nhưng chủ yếu tự phát, các dịch vụ vui chơi, giải trí vẫn còn sơ sài. Đến đây, du khách chủ yếu tắm suối, còn dịch vụ lưu trú hầu như chưa có, các dịch vụ ăn uống được đầu tư thiếu bài bản, chưa đáp ứng nhu cầu du khách.
Khi hệ thống giao thông kết nối trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, giữa đồng bằng và miền núi tạo điều kiện, cơ hội thúc đẩy khai thác phát triển du lịch suối thác. Tiếc là đến nay mới chỉ vài con suối như suối Tiên, suối Voi... được đầu tư khai thác khá bài bản, còn lại phần nhiều suối thác ở Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền... chưa được đầu tư đúng mức, lãng phí tiềm năng.
Tiềm năng dồi dào cần khai thác
Nơi vùng cao Nam Đông, A Lưới, hay các vùng nuối đồi ở Phú Lộc, Phong Điền... hiện còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số như Pa Hy, Cơ Tu, Pa Cô, Tà Ôi, cùng hệ thống thác, hồ, sông, suối hoang sơ, cảnh quan núi rừng thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Vùng đồng bằng, vùng sâu có hệ thống biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài đang lưu giữ nhiều làng nghề, nhiều tập quán sinh hoạt bản địa và nhiều di tích lịch sử có giá trị. Huế còn từng là Kinh đô, nơi hội tụ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước đã ít nhiều lan tỏa, hình thành nên nhiều làng quê văn vật rất đáng được tự hào.
Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Minh Đức bảo, 8 kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế trải qua hơn 17 năm là đủ cho sự hồi sinh và phát triển các ngành nghề truyền thống Huế. Từ đó hình thành các điểm giới thiệu quảng bá nghề truyền thống mới, nhiều điểm du lịch được Nhà nước và tư nhân xây dựng hạ tầng, máy móc, xử lý môi trường và cả không gian biểu diễn, không gian trưng bày sản phẩm nghề đã từng bước định hình. Nhiều nghề, làng nghề hình thành và phát triển, từng bước tham gia vào chuỗi du lịch nông thôn của tỉnh như nghề pháp lam, nghề chế tác nhà rường, nghề may áo dài truyền thống, giấy trúc chỉ, các làng nghề đúc đồng Phường Đúc, làng nghề gốm Phước Tích, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, nghề nón lá, mây tre đan, dệt zèng A Lưới...
Từ khi triển khai phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đến nay, ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường của người dân, các địa phương có nhiều chuyển biến, người dân không chỉ tích cực thu gom rác thải mà còn thay đổi hành vi không xả rác ra môi trường. Khu dân cư, đường sá ở nông thôn được chỉnh trang, trồng cây xanh sạch đẹp hơn để hướng đến phát triển du lịch. Các hoạt động sản xuất, ngành nghề, đào tạo nghề… và kết nối các sự kiện văn hóa du lịch tại các nghề, làng nghề truyền thống được một số địa phương, hợp tác xã chủ động đầu tư một cách bài bản, thu hút du khách thập phương. Đáng kể đến đó là lễ hội Chợ quê ngày hội - Cầu ngói Thanh Toàn, lễ hội Hương xưa làng cổ gắn làng nghề gốm Phước Tích và mộc Mỹ Xuyên, lễ hội Sóng nước Tam Giang, ngày hội vùng cao A Lưới tái hiện nghi lễ cúng dâng zèng của người Tà Ôi...
Các tour du lịch làng nghề bước đầu được hình thành, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch có nghề, làng nghề như làng Phước Tích (gốm), thôn Thanh Toàn (chằm nón), làng Thanh Tiên (hoa giấy), làng Sình (tranh dân gian)… từng tạo ấn tượng tốt với nhiều du khách trong và ngoài nước. Chương trình OCOP được bắt đầu từ năm 2019, đến nay đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đặc trưng của từng vùng, địa phương để đưa vào chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Trong đó, nhóm “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” đã có sản phẩm OCOP 3 sao như du lịch thác A Nô, suối Tiên… được ưu tiên triển khai để phát huy tính cộng đồng, khai thác tiềm năng sản phẩm du lịch nông thôn. Đặc biệt năm 2023, điểm du lịch cộng đồng mới hình thành gắn với làng nghề là mô hình “Du lịch nông thôn mới thác Mơ gắn với Hợp tác xã thôn Dỗi, huyện Nam Đông”, mô hình “Du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, huyện Quảng Điền”.
Du lịch trang trại, du lịch cộng đồng, sinh thái dựa vào các hệ sinh thái tự nhiên trải nghiệm từng bước hình thành, như vườn thanh trà Thủy Biều (TP. Huế), mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới nhà kính hay các vườn hoa hướng dương, du lịch trang trại (C Farm, Rơm Farm - Hương Trà); (HTX nông nghiệp suối Tiên, Phú Lộc; trải nghiệm làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, trồng hoa Phú Mậu, TP. Huế)... Các mô hình này là điểm nhấn cho sự trải nghiệm của khách du lịch về vùng đất nông nghiệp, nông thôn hoang sơ cũng như các loại hình văn hóa cộng đồng, ẩm thực của các vùng khác nhau và của người dân bản địa.
|
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng đang thành công ở một số địa phương. Thừa Thiên Huế tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận và xem đây là hướng đi bền vững trong tương lai, đặc biệt là trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương. Việc trồng hoa và nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sẽ đồng thời cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường và hình thành những điểm vui chơi giải trí cho người dân, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân. |
(Còn nữa)
Kỳ II: Hướng đến chuyên nghiệp hóa