ClockThứ Sáu, 29/12/2023 14:02

Du lịch thế giới gọi tên Huế

TTH - Cuối năm 2023, Tạp chí du lịch uy tín của Mỹ đề xuất Huế là một trong những điểm đến ở châu Á mà du khách không nên bỏ lỡ trong hành trình du lịch năm 2024. Không những thế, đây còn là năm mà du lịch Huế đón nhận nhiều giải thưởng lớn của thế giới.

Sản phẩm cho du lịch làng nghề?Chuẩn hóa sản phẩm du lịch chữa lànhQuảng bá, giới thiệu du lịch Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam tại Malaysia

 Ngành du lịch chào đón khách quốc tế vừa đặt chân đến Huế

Đón nhận nhiều tin vui

Cái tên du lịch Huế lại được du khách thập phương nhắc đến khi cuối năm 2023, Tạp chí du lịch Travel+Leisure (Mỹ) đề xuất Cố đô của Việt Nam là một trong những điểm đến ở châu Á mà du khách không nên bỏ lỡ trong hành trình du lịch năm 2024. Trong nhiều điểm du lịch ở các quốc gia, Huế nổi lên với những lời đánh giá tốt đẹp. Đặc biệt, các chuyên gia Travel+Leisure cho rằng, Thừa Thiên Huế là điểm đến lý tưởng để thư giãn, tìm về quá khứ khi đi du lịch Việt Nam với rất nhiều gợi ý về các trải nghiệm, khám phá tại mảnh đất miền Hương Ngự.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế đón khoảng gần 3,2 triệu lượt khách, trong đó đáng chú ý là khách quốc tế tăng mạnh, với gần 1,2 triệu lượt, đạt gần 445% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 6.605 tỷ đồng, đạt hơn 145% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, tại Giải thưởng Du lịch Thế giới 2023 (WTA 2023), Thừa Thiên Huế có các khách sạn, khu nghỉ dưỡng được vinh danh. Giải thưởng danh giá này đã vinh danh, công nhận Azerai La Residence Hue là khách sạn Boutique hàng đầu Việt Nam 2023 và Banyan Tree Lăng Cô Huế đứng đầu hạng mục “Khu nghỉ dưỡng biển sang trọng hàng đầu”.

Chất lượng dịch vụ là điểm cộng của du lịch Huế 

Đây không phải là lần đầu tiên trong năm, các tổ chức uy tín về du lịch của thế giới nhắc tên các khách sạn, khu nghỉ dưỡng của mảnh đất sông Hương núi Ngự. Chỉ cách đó ít tháng, nhiều khách sạn nghỉ dưỡng ở Huế cũng được xếp hạng cao tại giải thưởng Travel & Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023 (giải thưởng Du lịch & Nghỉ dưỡng Luxury Awards 2023 châu Á - Thái Bình Dương). Đặc biệt, Huế xếp thứ 8 trong top 10 điểm đến ở hạng mục “Cities” của giải thưởng. Điều ấn tượng hơn là Việt Nam chỉ có 2 thành phố trong top 10 ở hạng mục này (Hà Nội và Huế).

Năm 2023, cẩm nang Michelin (Pháp) cũng đưa ra gợi ý 10 khách sạn hạng sang nên ở tại Việt Nam, trong đó Cố đô Huế “lọt top” những địa phương dẫn đầu với 2 khách sạn là Banyan Tree Lăng Cô nằm ở ven biển huyện Phú Lộc và Azerai La Résidence bên bờ sông Hương của thành phố Huế. Banyan Tree Lang Co giành 19,7 điểm trên thang điểm 20 và Azerai La Residence giành được 18 điểm. Việc các khách sạn được đánh giá cao không chỉ là sự khẳng định về chất lượng dịch vụ hàng đầu, mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ khách sạn về việc xây dựng thành công hành trình trải nghiệm lưu trú độc đáo và đẳng cấp. Đó cũng là minh chứng cho những bước tiến và sức hút của du lịch miền Hương Ngự.

Theo đại diện Sở Du lịch, việc nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Huế đạt giải thưởng và được vinh danh là cơ hội để tiếp tục quảng bá cho du lịch Thừa Thiên Huế trong định hướng trở thành một điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe. Điều này cũng tạo thêm cơ hội để gia tăng lượng khách và thời gian lưu trú của khách.

Thi thoảng, ngành du lịch Huế lại nhận những lá thư, nhắn tin với những phản hồi tích cực. Dịp lễ 2/9 vừa qua, một du khách Đức cũng phản hồi đầy tích cực: “Đến Huế lần này khá thú vị. Các khách sạn được lấp đầy phòng. Đường Lê Lợi khách đông, nhộn nhịp mua sắm, xe bus 2 tầng vào ra liên tục, cảnh Huế bình yên nhưng có nét năng động. Điều ấn tượng là, các bạn phục vụ từ khách sạn, nhà hàng và các quán cà phê, quán vỉa hè thân thiện, niềm nở vui vẻ lắm. Đi nhiều mới cảm nhận Huế đáng yêu”.

Nhiều cơ hội “bứt tốc”

Du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam và được đánh giá là lực đẩy quan trọng của nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Thừa Thiên Huế có vô vàn lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch với những chiến lược mới trong cách quảng bá, thu hút khách nội địa và các dòng khách quốc tế.

Trong lần trò chuyện của “tư lệnh” ngành du lịch của tỉnh mới đây, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, truyền thông hình ảnh, sản phẩm du lịch địa phương; tham mưu cho chính quyền tỉnh các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, vận động các doanh nghiệp du lịch địa phương có chính sách giá ưu đãi cho các hãng bay và đơn vị lữ hành đưa khách đến Thừa Thiên Huế; hỗ trợ kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp du lịch tỉnh xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt là du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch tâm linh để bổ trợ thêm cho du lịch di sản; đồng thời xây dựng các danh hiệu: “Huế - Thành phố lễ hội”, “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Huế - Kinh đô Ẩm thực”. Thừa Thiên Huế cũng đang triển khai đề án Festival Bốn mùa nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế xuyên suốt cả năm. Đây là điều kiện thuận lợi và cơ hội tốt cho việc tăng chuyến, mở thêm các đường bay mới đi và đến Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, qua đó góp phần thu hút khách quốc tế.

Một bài toán khó của Huế là thời gian lưu trú của khách chưa dài. Tuy nhiên, bài toán đó sẽ có lời giải khi cộng hợp nhiều yếu tố, từ các chính sách về phát triển du lịch, hợp lực từ ngành du lịch, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và những người làm du lịch. Quan trọng không kém là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lữ hành trong việc nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và gắn kết với các đơn vị lưu trú để có những ưu đãi giữ chân du khách.

Những chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch mới đây tại Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… đã mở ra thêm nhiều cơ hội hút các dòng khách quốc tế đến Huế. Nhìn về tương lai, Thừa Thiên Huế có thể đặt nhiều kỳ vọng vào phát triển du lịch văn hóa dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng và đặc sắc cùng nhiều lợi thế riêng có. Và, sự hợp lực của tất cả các bên liên quan trong ngành công nghiệp không khói sẽ là lực đẩy tốt nhất để du lịch Huế “bứt tốc” trong năm 2024 và nhiều năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
LL
Lonnd - 11/01/2024 16:00
Thiên nhiên, mức độ đầu tư của các DN du lịch, sự quan tâm của Chính quyền, tất cả đều rất tốt, chỉ còn mỗi việc, người dân phải biết làm du lịch. Có thể một ngưòi dân khi đi trên đường không phải là người làm du lịch, có lợi ích trực tiếp, tuy nhiên nếu suy nghỉ và hành động như một nhân viện du lịch thì chắc chắn sẽ để lại ấn tượng tốt cho du khách và họ sẽ quay lại và giới thiệu cho bạn bè đến Huế. Người buôn bán hàng rong, giới xich lô xen thồ phải được chia sẻ tinh thần, trách nhiệm cộng đồng, xã hội, thể hiện tính chuyên nghiệp thì mang lại sự hài lòng cho du khách rất cao. Tôi vừa về quê vẫn thấy tình trạng chèo kéo khách tại bến xe của tài xế taxi, xe thồ.... vẫn còn lắm những lợn cợn.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng

Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp lễ tết, mùa cao điểm du lịch và tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty, khu nghỉ dưỡng, phòng vé bán combo, vé máy bay du lịch để lừa đảo du khách.

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng
An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top