ClockChủ Nhật, 05/11/2023 07:37

Sản phẩm cho du lịch làng nghề?

TTH - Nhiều làng nghề đã bước qua ranh giới “tự cung tự cấp”, tiến đến thương mại hóa thành công sản phẩm. Điều đặc biệt hơn, những làng nghề nổi tiếng của Thừa Thiên Huế còn có thể phát triển về du lịch.

Những chấm phá về văn hóa làngTrải nghiệm nghề mây tre đan Bao LaTài nguyên văn hóa dân gian vùng Tam Giang - Cầu Hai

 Những vị khách lớn tuổi cũng thích trải nghiệm ở làng hương Thủy Xuân

Điều kiện thuận lợi

Tôi sống gần làng hương Thủy Xuân (TP. Huế) nên chứng kiến được lượng khách tăng vọt những năm gần đây. Với lợi thế gần điểm di tích lăng Tự Đức hay gần đồi Vọng Cảnh, người dân nơi đây đầu tư cơ sở vật chất, cổ phục cho thuê và trở thành điểm hút khách rất tốt. Mỗi ngày, nơi đây thu hút hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lượt khách. Số lượng các điểm bán hương kết hợp phục vụ khách du lịch cũng ngày càng được mở rộng.

Thừa Thiên Huế là vùng đất có nhiều làng nghề được hình thành, tồn tại và phát triển từ rất sớm, tạo nên những nét đặc sắc riêng có. Ngày nay, các làng nghề không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần đưa ngành du lịch của địa phương phát triển ngày một đa dạng, có sức hấp dẫn riêng.

Số liệu thống kê năm 2022 cho thấy, Thừa Thiên Huế có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống, như: áo dài, nón lá, mây tre đan, dệt zèng… với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề. Trải qua nhiều thăng trầm về mặt lịch sử, các làng nghề của địa phương vẫn trường tồn và không ngừng phát triển, sáng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng phục vụ cho nhu cầu của người dân và được đem vào phát triển du lịch.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì không phải làng nghề nào cũng được đầu tư phát triển du lịch. Ngoài những điểm tham quan mà du khách thường tới lui là làng hương Thủy Xuân, làng Sình với hoa giấy Thanh Tiên, làng nón Vân Thê… thì nhiều làng nghề chưa nổi danh trong “bản đồ” du lịch Cố đô.

 Khách trải nghiệm làm gốm ở làng cổ Phước Tích

Làm một khảo sát nhỏ với du khách, chúng tôi nhận được phản hồi về mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn là tham quan. Chị Ngô Thị Mỹ Hạnh, du khách từ Khánh Hòa chia sẻ: “Đến Huế, chúng tôi cũng muốn thử học chằm nón, làm hương hay trải nghiệm vào hoạt động làm nghề của những người thợ ở làng nghề và ghi lại những khoảnh khắc ấy bằng những bức ảnh. Song, không phải nơi nào cũng đầu tư phục vụ du khách”.

Thực tế thì xu hướng du lịch đã có những thay đổi. Quan niệm đi du lịch của nhiều người giờ đây không chỉ gói gọn trong việc đi tham quan các di tích, thắng cảnh mà còn là sự trải nghiệm văn hóa, đặc trưng bản sắc của vùng đất Huế đến từ các làng nghề. Với sự đa dạng các loại hình du lịch và đặc trưng bản sắc văn hóa, nhiều làng nghề, Thừa Thiên Huế có điều kiện để phát triển du lịch làng nghề.

Đầu tư sản phẩm

Tất nhiên, giữa tiềm năng, điều kiện thuận lợi và cụ thể hóa mô hình du lịch hiệu quả là cả một câu chuyện dài. Tuy nhiên, có nền tảng, yếu tố ban đầu cũng là cơ hội để đầu tư, phát triển.

Để tạo được hiệu quả tốt, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề cần thực hiện có trọng tâm, chất lượng để gia tăng giá trị kinh tế, tạo giá trị lan tỏa văn hóa địa phương ra cộng đồng người dân Việt Nam và thế giới. Trong đó, cần chú trọng việc đa dạng hóa sản phẩm, tạo không gian trải nghiệm để thu hút khách tham quan.

Nông thôn Việt Nam gắn liền với các thôn xóm và các làng nghề. Đó là những đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, văn hóa của xã hội nông thôn Việt Nam. Mặt khác, các làng nghề là cầu nối giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa nông thôn và thành thị, giữa truyền thống và hiện đại. Từ những yếu tố đó, việc đầu tư xây dựng sản phẩm phải tạo được sức hấp dẫn thông qua những câu chuyện lịch sử, văn hóa bên cạnh những trải nghiệm để mang lại giá trị cao cho du khách.

Nhìn vào kinh nghiệm của một số nước trên thế giới khi khai thác các làng nghề hoặc lễ hội truyền thống làm sản phẩm kinh doanh du lịch là họ sử dụng hình thức “3 cùng”. Đó là khách du lịch cùng ăn, cùng ở và cùng làm với những người dân bản địa của một làng nghề truyền thống nào đó. Dựa trên thực tế của những mô hình đi trước, có thể thấy việc kéo khách du lịch cùng hòa vào cuộc sống của người dân bản địa sẽ làm cho thời gian của một chương trình du lịch được dài hơn. Đồng thời sự hứng thú đối với khách du lịch sẽ được tăng lên khi chính họ tận hưởng thành quả do chính bàn tay mình làm ra dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề. Nhưng các làng nghề hay các nghệ nhân không thể “độc diễn”, mà rất cần kết nối với các đơn vị lữ hành, du lịch để cùng nghiên cứu, khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.

Một lợi thế của Thừa Thiên Huế là đã tổ chức thành công nhiều kỳ Festival Nghề truyền thống Huế. Huế cần tận dụng cơ hội này để tập hợp được các làng nghề trong cả nước lại và phát triển thành trung tâm làng nghề của cả nước. Khi đó, xây dựng những tour du lịch làng nghề độc đáo, phát triển kinh tế từ chính làng nghề cũng là một hướng đi tốt.

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Travelogy Việt Nam gợi ý, hướng phát triển chợ đêm ở nhiều địa phương chưa thành công. Nhưng với Huế, mảnh đất có nhiều làng nghề truyền thống, có thể hình thành các chợ đêm ngay tại làng nghề. Có nhiều cách làm khác nhau, nhưng cần nghiên cứu cách làm hướng đến tăng giá trị trải nghiệm cho khách. Đó cũng là cách làm cho các làng nghề trở nên “sống động” và thu hút khách hơn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo
Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế còn gìn giữ và lưu truyền nhiều nghề, làng nghề truyền thống đặc sắc, có nhiều tài nguyên du lịch văn hoá và tài nguyên du lịch thiên nhiên có thể kết hợp với du lịch nghề, làng nghề truyền thống. Đó là cơ sở để mảnh đất Cố đô phát triển loại hình du lịch bổ trợ cho thế mạnh du lịch văn hóa - di sản.

Phát triển du lịch làng nghề tại Thừa Thiên Huế
Sản phẩm tinh dầu tràm mới đạt tiêu chuẩn FSC

Tinh dầu tràm Huế - Tiền Phong, một sản phẩm mới chất lượng của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Công ty Tiền Phong) vừa mới sản xuất thành công từ dự án khoa học công nghệ được UBND tỉnh giao cho đơn vị. Loại tinh dầu này được đánh giá không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe, mà còn tôn vinh giá trị văn hóa và thiên nhiên của vùng đất Cố đô.

Sản phẩm tinh dầu tràm mới đạt tiêu chuẩn FSC
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
Hơn 300 sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo triển lãm tại ngày hội Techfest

Ngày 12/9, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức khai mạc triển lãm, giới thiệu thiết bị công nghệ, sản phẩm KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST), sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo (KNST), sản phẩm chủ lực của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Hơn 300 sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo triển lãm tại ngày hội Techfest

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top