ClockThứ Tư, 13/03/2024 06:51

Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa

TTH - Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang lo ngại về thị trường tour nội địa, khi trần giá vé máy bay nội địa điều chỉnh tăng từ ngày 1/3/2024. Nỗi lo lớn nhất là lượng khách nội địa sẽ sụt giảm khi sắp vào mùa du lịch và doanh nghiệp cũng dè dặt hơn trong việc “ôm” vé giá rẻ như mọi năm.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Ngành du lịch bị tác động ra sao khi tăng trần giá vé máy bay từ đầu tháng 3?

 Giá vé máy bay tăng, khách du lịch có nhu cầu chuyển sang đi các phương tiện đường bộ, đường sắt

Lo cho du lịch nội địa

Từ tháng 3/2024, các đường bay nội địa bắt đầu điều chỉnh giá trần, theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, đường bay nội địa hạng phổ thông cơ bản dưới 500km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé một chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé một chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay. Đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Với đường bay có khoảng cách 850km đến dưới 1.000km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé một chiều. Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé một chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280km trở lên có giá trần 4 triệu đồng/vé một chiều.

Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế cho biết, thông thường, giá vé máy bay chiếm đến khoảng 50% trong giá tour. Giá vé máy bay tăng, đòi hỏi doanh nghiệp lữ hành phải điều chỉnh giá tour. Một hệ lụy kéo theo là khi giá tour tăng, khách du lịch phải cân nhắc, thậm chí thay đổi quyết định đi du lịch của mình. “Với giá vé hiện nay, tour nội địa sẽ khó làm hơn tour quốc tế. Đơn cử như để làm tour Phú Quốc, phải ở mức 10 - 12 triệu đồng mới làm được, trong khi đó, khách có thể đi tour sang Thái Lan với mức giá 7 triệu đồng là doanh nghiệp đã có thể thiết kế tour. Hay ở Hàn Quốc, một điểm du lịch được nhiều khách Việt ưa thích, mức giá 15 triệu đồng, đã có thể làm tour, chỉ cao hơn tour đến Phú Quốc 3 triệu đồng”, bà Lý phân tích.

Theo nhiều doanh nghiệp, điều đáng lo ngại nhất là sắp bước vào mùa du lịch hè - mùa cao điểm của du lịch nội địa. Thế nhưng, giá vé máy bay tăng cao sẽ là một thách thức lớn không dễ đối mặt. Thông thường, nhiều khách có kế hoạch đặt tour sớm. Tuy nhiên khi giá vé tăng cao, họ chuyển sang ưu tiên chọn địa điểm gần, di chuyển bằng đường bộ, hoặc chuyển sang chọn tour nước ngoài, vì giá vé máy bay đi nước ngoài cạnh tranh hơn. Đây là một điều đáng trăn trở cho du lịch nội địa.

Một khách du lịch phân tích: “Mình thường đi chặng bay từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội. Nhưng chặng bay này hiện nay có giá lên đến 4,5 - 6 triệu đồng/vé khứ hồi, trong khi trước đó, giá tour 4 ngày chỉ khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/người. Khi doanh nghiệp nâng tổng chi phí tour gồm cả vé máy bay khoảng 7 - 10 triệu đồng/người, có lẽ nhiều người sẽ chọn đi Thái Lan, Singapore, Malaysia hơn”. Suy nghĩ của du khách cũng là nỗi lo của doanh nghiệp. Trước tình hình này, các doanh nghiệp du lịch cũng không dám “ôm” nhiều vé máy bay như trước đây, vì sợ giá biến động.

 Giá vé máy bay tăng dẫn đến lo ngại về sức hút của khách du lịch đến các điểm du lịch trong nước

Linh hoạt trong thế khó

Giá vé máy bay tăng khiến các doanh nghiệp lữ hành gánh thêm áp lực. Điều chỉnh giá tour theo hướng tăng là điều chắc chắn phải làm, song nếu tăng quá cao, sức hút với khách nội địa chắc chắn giảm, hoạt động kinh doanh dịch vụ của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo.

Theo bà Lý, trong thế khó hiện nay, việc điều chỉnh các chiến lược hợp lý là điều bắt buộc. Doanh nghiệp phải tăng cường liên kết, hợp tác cùng phát triển; xây dựng và quảng bá, thu hút các tour đi nước ngoài. Với các tour nội địa, chú trọng khai thác hơn tour gắn phương tiện đường bộ, đường sắt. Hiện nay, du lịch đường sắt đang dần có sức hút trở lại. Bên cạnh đó, chi phí vé máy bay tăng cao khiến khách thay đổi quyết định và đường sắt là một trong những lựa chọn thay thế.

Đại diện các công ty du lịch cho biết, trước sự điều chỉnh giá vé máy bay, khảo sát nhu cầu du khách cho thấy sẽ có sự thay đổi lớn trong mùa du lịch hè năm nay. Theo đó, nhiều khách sẽ chọn đi các tour ngắn ngắn, tour gần, đi du lịch tự túc. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt, nhanh chóng xây dựng các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng.

Ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự Hào Việt Nam cho rằng, lo lắng lớn nhất là sắp tới dịp lễ 30/4 - 1/5 giá vé máy bay sẽ rất cao. Trước bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, doanh nghiệp buộc phải thay đổi lộ trình để giảm chi phí, hướng cho khách đi các tour tuyến với chi phí vừa đủ. Đồng thời, xây dựng, chuyển hướng vận tải hành khách với tàu hỏa, xe giường nằm cao cấp. Đối với những khách sẵn sàng bỏ chi phí cao đi máy bay, nỗ lực tăng chất lượng phục vụ cho du khách.

Lâu dài, câu chuyện hợp tác hàng không - du lịch phải cần gắn kết hơn. Trong du lịch, các hãng hàng không có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối và chất xúc tác để kết nối du khách với điểm đến. Ngược lại, nhờ nguồn khách du lịch, các hãng hàng không thu hút khách. Doanh nghiệp du lịch rất cần sự đồng hành hợp tác chặt chẽ từ phía các hãng hàng không, tăng cường liên kết các bên cùng có lợi, có các chính sách giá, kích cầu hợp lý để cùng phát triển.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top