ClockChủ Nhật, 03/03/2024 14:15

Ngành du lịch bị tác động ra sao khi tăng trần giá vé máy bay từ đầu tháng 3?

Từ đầu tháng 3/2024, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều. Điều này đang khiến các doanh nghiệp lữ hành lo ngại sẽ có nhiều thay đổi trong các tour nội địa.

Tăng trần giá vé máy bay nội địa từ ngày 1/3/2024Du lịch lo vé máy bay dịp tết tăng caoDự kiến sắp tăng giá trần vé máy bay nội địaBắt đầu di chuyển xe tăng, máy bay về địa điểm trưng bày mới

Hành khách làm thủ tục trước khi lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất.  

Gần 10 năm mới tăng giá trần

Theo Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 1/3, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều. Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều. Với đường bay có khoảng cách 850 km đến dưới 1.000 km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280 km trở lên sẽ có giá trần 4 triệu đồng/vé/chiều.

Lý giải về việc tăng giá trần vé máy bay, theo Cục Hàng không Việt Nam, mức tăng này chỉ đủ để các hãng hàng không bù đắp phần nào chi phí trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19. Thực tế, các hãng đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa trong khung giá quy định, phù hợp nhu cầu của hành khách và thị trường từng giai đoạn.

Chẳng hạn, trong giai đoạn cao điểm, các hãng sẽ tăng tỉ lệ bán vé, còn ở những giai đoạn thấp điểm hoặc với các chuyến bay lệch đầu thì giá vé sẽ hạ. Mặt khác, khi áp dụng chính sách giá linh hoạt, đa dạng đã mang lại cơ hội cho người dân tham gia vận chuyển bằng đường hàng không với mức giá phù hợp, trong khi hãng có cơ hội lấp đầy chỗ trống, nhất là với giai đoạn thấp điểm, chuyến bay đêm; qua đó, góp phần thúc đẩy thị trường hàng không nội địa phát triển với sự cạnh tranh khá sôi động về chính sách vận chuyển của các hãng.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, phải sau 10 năm, đây là lần đầu tiên ngành hàng không điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay nội địa. Với thời gian này, đã có nhiều chi phí đầu vào của ngành hàng không thay đổi, đặc biệt là giá nhiên liệu, các yếu tố về tỷ giá - ngành hàng không sử dụng đồng USD phần lớn trong cơ cấu chi phí, do đó việc điều chỉnh giá trần vé máy bay là hợp lý cho các đơn vị khai thác hàng không.

“Khi giá vé máy bay được điều chỉnh cũng đồng nghĩa sẽ tạo thêm điều kiện cho các hãng hàng không có thể bù đắp chi phí trong nhiều năm qua, đồng thời cũng là cơ hội để các hãng hàng không tiếp tục điều chỉnh dải giá vé của mình trên hệ thống các đường bay nội địa để hành khách có thêm nhiều lựa chọn hơn”, ông Lê Hoàng Hà cho biết thêm. 

Người dân mong muốn khi giá vé máy bay tăng thì công tác phục vụ đi kèm cũng phải tăng chất lượng. 

Theo một số người dân, việc điều chỉnh giá vé máy bay sẽ nhận được sự đồng tình khi việc tăng giá đồng nghĩa với tăng các dịch vụ, phục vụ đi kèm để đáp ứng sự hài lòng của hành khách. Vừa qua, dù đã chi trả cho các hãng hàng không khá nhiều chi phí nhưng người dân vẫn phải chịu cảnh hoãn, hủy chuyến liên tục vào các dịp cao điểm.

Tuy nhiên, việc tăng giá trần cũng khiến người có thu nhập thấp đắn đo khi lựa chọn các phương tiện di chuyển trong thời gian tới. Chị Nguyễn Lệ Thu, ngụ ở thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) tính toán: "Trước kia, giá vé từ TP Hồ Chí Minh đi Tuy Hòa (Phú Yên) chỉ khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/vé thì nay được điều chỉnh tăng lên 2,5 - 4,5 triệu đồng/vé... Với số tiền khoảng 5 - 9 triệu đồng, gia đình tôi thoải mái chi tiêu cho hành trình về quê bằng đường bộ, bởi hiện nay, tuyến cao tốc Bắc - Nam kết nối từ TP Hồ Chí Minh đến tới Nha Trang đã thông nên việc di chuyển bằng đường bộ cũng nhanh hơn trước. Không chỉ thế, giá vé xe khách cũng rẻ hơn rất nhiều, chỉ vài trăm ngàn đồng/người. Vì vậy, dịp hè tới có lẽ gia đình 4 người của tôi về quê nội ở Phú Yên sẽ lựa chọn mua vé xe khách thay vì máy bay như trước đây".

Du khách ưu tiên chọn tour gần, tour nước ngoài

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TSTtourist cho biết, việc điều chỉnh giá trần hàng không từ 1/3/2024 đã có tác động ngay tức thì đối với các đường tour trong nước. Bởi hiện nay, giá tour khai thác bằng hàng không đang được các công ty lữ hành điều chỉnh theo hướng tăng. Điều này cũng cho thấy, ngành du lịch nội địa sẽ thêm khó khi cạnh tranh với du lịch nước ngoài.

Du khách có xu hướng du lịch bằng đường bộ nhiều hơn trong năm 2024.  

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, khi giá vé máy bay tăng thì hình thức du lịch trong cự ly gần và du lịch tự túc sẽ tăng cao. Lấy ví dụ thị trường khách TP Hồ Chí Minh làm trọng tâm, các điểm đến xung quanh TP Hồ Chí Minh như Vũng Tàu, Hồ Tràm, Phan Thiết, Phan Rang… thậm chí Nha Trang sẽ là lựa chọn của du khách, trong đó vận chuyển bằng ô tô sẽ tăng do ưu thế rút ngắn thời gian của đường cao tốc Bắc - Nam đang được hoàn thiện. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel cho biết, du lịch nội địa vốn đã kém cạnh tranh so với du lịch nước ngoài, nay dự báo sẽ càng khó khăn hơn khi giá vé máy bay tăng thêm. Cụ thể, các tour nội địa bằng hàng không sẽ gặp khó vì chi phí đi theo ngành hàng không sẽ tăng. Thực tế, dù chưa vào cao điểm hè nhưng giá vé máy bay đã tăng cao. 

"Chưa kể, khi giá vé máy bay nội địa tăng cao thì hành khách cũng sẽ chuyển sang mua tour nước ngoài do giá vé máy bay đi nước ngoài không tăng, thậm chí còn rẻ hơn so với giá vé nội địa. Ví dụ như chặng từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội giá vé khứ hồi khoảng 3,5 - 6 triệu đồng/người trong khi giá vé bay đi tour đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Singapore tầm 3 - 4 triệu đồng/người", ông Phạm Quý Huy cho biết thêm.

Là đơn vị kinh doanh dịch vụ bán vé máy bay, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị truyền thông Vietluxtour cũng cho biết, khi thay đổi giá trần vé máy bay sẽ ảnh hưởng đến giá một số tuyến du lịch trong nước và hoạt động kinh doanh sản phẩm trong nước. Vì vậy, để khách hàng không bị "sốc", doanh nghiệp sẽ cân nhắc kỹ trong các kế hoạch tăng giá vé hoặc chọn phương án giữ trước lượng vé lớn cho các mùa cao điểm.

Đối với sản phẩm tour MICE và tour inbound, thông thường hành khách ký hợp đồng khá sớm nên doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị đặt chỗ trước nên có những tuyến, đoàn chưa có thay đổi giá vé ngay. Về lâu dài, khi giá vé máy bay tăng thì các tuyến đi đường bộ  tour Quy Nhơn, Nha Trang, Tuy Hoà… có khả năng sẽ tăng.

Báo Tin tức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguồn nhân lực cho ngành du lịch

Chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi để phát huy tiềm năng du lịch. Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, du lịch của Cố đô cũng phải được nâng lên xứng tầm với vị thế, trong đó có yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực cho ngành du lịch
Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa

Sáng 25/9, Sở Du lịch phối hợp với Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam) tổ chức hội thảo sơ kết triển khai lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) ngành du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023 - 2025.

Ngành du lịch chung tay giảm rác thải nhựa
Khai phá thị trường mới cho ngành du lịch

Theo kế hoạch, từ ngày 27/8 đến hết ngày 7/9, Tập đoàn Vietravel sẽ đón tiếp và phục vụ đoàn khách gồm 4.500 người đến từ một tập đoàn dược phẩm lớn của Ấn Độ. Vị tỷ phú sáng lập cũng tham gia cùng các nhân viên tập đoàn và đây sẽ là một kỷ lục mới của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh các doanh nghiệp đang xúc tiến mở rộng cơ hội phát triển đến các thị trường mới.

Khai phá thị trường mới cho ngành du lịch

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top