ClockThứ Tư, 17/04/2024 20:16

Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế: Mạnh tay nhưng cần sự chung tay

TTH.VN - Huế được biết đến với một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều “con sâu” làm rầu môi trường du lịch. Những vụ việc "chặt chém", "chèo kéo" khách làm du lịch Huế mất điểm trong mắt du khách, dù đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời. Sự kiên quyết, mạnh tay từ chính quyền địa phương và ngành du lịch thôi là chưa đủ, muốn giữ gìn hình ảnh du lịch Huế, rất cần sự chung tay từ các cấp, ngành, người dân.

Thừa Thiên Huế với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóaXây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiệnXây dựng môi trường du lịch trong lành

 Khi bị chèo kéo, mời mua hàng, nhiều du khách sẽ cảm thấy bị làm phiền 

Khi du khách “lắc đầu”

Cuối tháng 3/2024, thông tin một quán gội đầu dưỡng sinh ở khu phố Tây của TP. Huế bị khách du lịch tố chặt chém với mức giá 500.000 đồng lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc. Rất nhiều bình luận tỏ ra bức xúc với cách tính giá dịch vụ của chủ quán kèm những lời lẽ lo ngại cho du lịch Huế. Mặc dù chính quyền địa phương và lực lượng chức năng ngay lập tức nắm bắt thông tin, mời chủ cơ sở kinh doanh lên làm việc về nội dung phản ánh và xử lý các vi phạm theo đúng quy định, nhưng một lần nữa, hình ảnh du lịch Huế ít nhiều bị mất điểm trong mắt của nhiều du khách.

Giải quyết các vấn nạn chặt chém, chèo kéo khách thời gian qua được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng giải quyết rốt ráo, mạnh tay. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xử lý triệt để. Trước đó, ngày 7/3/2024, một du khách bức xúc phản ánh đến Sở Du lịch khi đặt mua vé trực tiếp tại bàn ngay ngay bãi giữ xe cổng ra vào bến thuyền Tòa Khâm thì bị lừa vé từ 300.000 lên 450.000 đồng cho 3 người. Dù thanh tra sở Du lịch và lực lượng chức năng vào cuộc kịp thời, song, có lẽ để xóa bỏ ấn tượng không đẹp về vụ việc không hay trên với du khách là điều rất khó. 

Nhiều lần ngang qua khu vực bến xe Nguyễn Hoàng, đến các tuyến đường dọc quanh khu vực kinh thành Huế, chính tôi không ít lần bắt gặp tình trạng cò mồi du lịch, nạn chèo kéo khách. Khách vừa xuống xe, một nhóm bán hàng lưu niệm ập tới liên tục mời mua mũ, nón lá, quà lưu niệm. Dù du khách này lắc đầu, từ chối: “Em đi tham quan, không mua ạ”, nhưng nhiều người trong số đó vẫn đi theo chèo kéo, mời khách mua. Bị nhóm bán hàng đeo bám, vị khách phải mua một món đồ ủng hộ, kèm cái lắc đầu, nhưng lần này là lắc đầu ngao ngán.

Làm một cuộc khảo sát nhanh với nhiều du khách đánh giá về du lịch Huế, đa phần đều dành nhiều lời khen cho vẻ đẹp, cảnh quan, sự mến khách của người dân xứ Huế. Điểm trừ lớn nhất mà nhiều khách thẳng thắn chia sẻ là vẫn còn tình trạng chèo kéo, đeo bám khách. Một số điểm bán hàng nâng giá cho khách du lịch cao hơn giá bán cho người dân địa phương ngay trước mắt du khách, khiến họ không hài lòng.

Chị Vũ Thị Phương Anh, du khách đến từ Hải Phòng kể: “Có lần mình phản ứng với một quán ăn vì sao lấy giá của mình cao hơn bàn bên cạnh, dù định lượng và cách gọi món giống nhau. Cuối cùng chủ quán thừa nhận là… “tính nhầm”. Nhiều người cho rằng, du khách chỉ ghé một lần nên muốn tính sao thì tính nhưng thực tế, vì lý do đó mà khách mới không quay trở lại”.

Thanh tra ngành du lịch và các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh để làm môi trường du lịch Huế tốt hơn 

Hiện tượng chặt chém, chèo kéo, cò mồi khách du lịch hiện nay không phải là đa số, chỉ là con số ít nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh du lịch của Cố đô. Theo các chuyên gia du lịch, đây chỉ là tư duy làm du lịch theo kiểu mùa vụ, "ăn xổi", thay vì "nuôi dưỡng" nguồn thu lâu dài từ du lịch, thì họ lại tận dụng khi mà có khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Về lâu dài, gây hại và trở thành rào cản trong phát triển du lịch.

Tại hội nghị đánh giá công tác phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch năm 2023, đại diện Công an tỉnh cho rằng, dù môi trường du lịch dần được cải thiện ngày càng trong sạch hơn, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải làm trong thời gian tới. Cụ thể, môi trường du lịch vẫn còn xảy ra tình trạng cò mồi, đeo bám, chèo kéo khách du lịch; bán hàng không đúng nơi quy định; thu đổi ngoại tệ trái phép; hát rong; ăn xin đã gây phản cảm với du khách… Bên cạnh đó, tình hình trật tự công cộng, an toàn giao thông chưa thực sự đi vào nề nếp, các phương tiện vận tải du lịch dừng, đỗ đón trả khách, hàng hóa chưa đúng nơi quy định; Chất lượng dịch vụ xích lô du lịch còn hạn chế; Người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh… Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ chưa thực hiện nghiêm túc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Mạnh tay không bằng sự chung tay

Còn nhớ cách đây không lâu, khoảng cuối năm 2023, những người bán đậu hũ gần khu vực chùa Thiên Mụ có hành vi ẩu đả, tranh giành khách, làm xấu môi trường du lịch. Sau đó, chính quyền địa phương lập tức xử phạt, yêu cầu cam kết và lắp camera giám sát đã làm cho hoạt động kinh doanh ở đây đi vào trật tự hơn. Hay, rất nhiều phản ánh của người dân, du khách được xử lý gần như tức thì đã góp phần làm cho môi trường du lịch được cải thiện.

Mới đây, một du khách cùng gia đình mua vé đò, xe trung chuyển để đi qua Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nhưng bị chuyển nhầm tiền hai lần, liên hệ nhờ Sở Du lịch và đã được hỗ trợ kịp thời đã lấy được thiện cảm của du khách. Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch chia sẻ: “Ngành du lịch tỉnh luôn túc trực đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý và hỗ trợ khách kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh công tác xây dựng, làm đẹp hình ảnh thân thiện, an toàn của du lịch Huế, việc mạnh tay xử lý những vấn nạn du lịch của ngành chức năng cũng luôn cần sự chung tay của các cấp ngành, đơn vị, địa phương và người dân”.

Thực tế, rất khó để kiểm soát tuyệt đối các vấn nạn du lịch. Trong khi đó, giữa thời đại thông tin lan tỏa mạnh mẽ trên các diễn đàn mạng xã hội, mỗi vụ việc xảy ra lại gây hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến, đến môi trường du lịch Cố đô. Điều này đòi hỏi chính mỗi người dân, người làm du lịch phải là một đại sứ du lịch, chuyển tải thông điệp về một môi trường du lịch Huế thân thiện, an toàn, hấp dẫn đến với du khách.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND phương Hương Long, TP. Huế cho rằng, với chủ trương chung của tỉnh và thành phố, địa phương cũng đang tìm giải pháp để vừa tạo điều kiện để người dân phát triển sinh kế, vừa xây dựng hình ảnh du lịch Huế. Với nhu cầu từ du khách, sắp tới địa phương sẽ tiến hành đồng bộ xe bán hàng đậu hũ, bố trí các vị trí bán hàng hợp lý và giám sát để tạo môi trường du lịch lành mạnh. Điều quan trọng là người bán hàng phải nâng cao ý thức và gìn giữ hình ảnh đẹp trong mắt du khách.

Theo giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, chính quyền địa phương và ngành du lịch rất trăn trở về những vấn đề tồn tại trong ngành du lịch và luôn tìm nhiều giải pháp khắc phục để khẳng định Huế luôn là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và những người làm dịch vụ - du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch, công an, các đơn vị liên quan và nhất là chính quyền địa phương, nơi có các hoạt động dịch vụ du lịch diễn ra trên địa bàn, cần tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa phục vụ khách du lịch, như: Chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, kiểm soát giá, cân gian, cân thiếu… đồng thời luôn theo dõi thông tin phản ánh các vụ việc trên Huế-S, đường dây nóng và diễn đàn mạng xã hội để chủ động phát hiện, xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Cố đô.

Hiện nay, chính quyền địa phương của thành phố Huế và các huyện, thị xã cùng với lực lượng công an và Sở Du lịch thường xuyên xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án tiếp cận với người dân và doanh nghiệp, phối hợp kiểm tra định kỳ các địa bàn có hoạt động du lịch nhằm nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch.

MINH TÂM
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
nh
nguyễn văn hùng - 18/04/2024 10:02
Thành lập cảnh sát du lịch như các nước bạn mới hiệu quả cao.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 8 NĂM RA MẮT HỢP TÁC MEKONG - LAN THƯƠNG VÀ TUẦN LỄ MEKONG - LAN THƯƠNG NĂM 2024
Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương

LTS: Kỷ niệm 8 năm ra mắt Hợp tác Mekong - Lan Thương và Tuần lễ Mekong - Lan Thương năm 2024, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu bài viết của bà Đổng Bích Du, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Đà Nẵng về mục tiêu chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.

Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương
Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

Mỗi đợt tàu du lịch biển cập Cảng Chân Mây, lại xảy ra tình trạng bát nháo khai thác khách du lịch bên ngoài cảng theo kiểu tự phát, không qua đơn vị lữ hành được cấp phép. Đáng nói là dù Sở Du lịch và các ban, ngành, đơn vị nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhưng cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển
Cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Những chuyển biến gần đây cho thấy, vấn đề hạn chế rác thải nhựa đang được các cấp, các ngành và người dân vào cuộc. Đây là điểm nhấn đáng chú ý trong bối cảnh phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đang được triển khai mạnh mẽ.

Cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa
Du lịch có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên

Đó là mục tiêu tại buổi tọa đàm “Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã”, do Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Sở Du lịch và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức chiều 14/9.

Du lịch có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên

TIN MỚI

Return to top